Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (P3): Văn chương là hành trình đi tìm Đạo
“Tôi thật tình ngạc nhiên sao anh xuất hiện sớm thế, như một báo trước thật sớm. Anh dự báo một cái gì đó còn rất manh nha.” (Nhà văn Nguyên Ngọc nói về Nguyễn Huy Thiệp)
Kỳ 1: Lay chuyển một nền văn học
Kỳ 2: ‘Mọi cái đẹp và sáng tạo đều ẩn giấu trong tự nhiên’
Giải thiêng lịch sử
Ngoài chủ đề thời cuộc, Nguyễn Huy Thiệp viết về lịch sử với cái nhìn giải thiêng, trong bộ ba Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết – những tác phẩm gây tranh cãi dữ dội, trong đó có nhắc đến những nhân vật lịch sử như Gia Long, Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi được viết từ những tài liệu lịch sử do nhà văn sưu tầm được khi sống trên vùng thượng du Việt Bắc.
Có người nhân danh nhà sử học chửi nó xuyên tạc lịch sử. Có người, từ góc độ chính trị lên án nó bôi nhọ anh hùng dân tộc, hạ bệ thần tượng lịch sử, rồi lo lắng chẳng bao lâu sẽ đi đến hạ bệ cả những thần tượng đương đại.
Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cho rằng chính việc học và dạy lịch sử giúp ông “có cách nhìn tương đối có hệ thống và có điều kiện lật lại vấn đề.” Theo ông, khi xem sách lịch sử cần chú ý bao giờ nó cũng được viết có lợi cho ai đó nên phải tìm hiểu rõ sự kiện: “Lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam theo tôi còn sai lầm rất nhiều. Thực sự việc trình bày cũng như kết luận, xem xét hay nhìn nhận từng vấn đề còn rất thiếu sót, thậm chí sai lầm, bịa đặt và xuyên tạc.”
“Tôi nghĩ muốn tìm hiểu kỹ cuộc sống của một đất nước Việt Nam hiện đại và tìm ra đường đi cho một đất nước Việt Nam hiện đại thì phải xem xét lại lịch sử Việt Nam trong cả thời kỳ cận hiện đại, tức là xem xét lại giai đoạn từ 100-150 năm qua. Lúc đó chúng ta sẽ thấy rõ những điều trong những năm đó đáng lẽ có thể phát triển hay đi theo xu hướng khác, không đến nỗi phải khổ sở, đổ máu và tang thương như vậy.”
Lịch sử là cách nhà văn tìm ra “cách nhìn đúng đến cuộc sống hiện nay, đến con đường đi của đất nước Việt Nam hiện đại, đến những thế hệ Việt Nam cho tương lai,” ông nói.
Nguyên Ngọc kể về dịp ông được chứng kiến một cuộc trao đổi về chính mấy truyện ngắn đề tài lịch sử gây bão dư luận thời ấy ở Viện Văn học, có mặt cả Nguyễn Huy Thiệp:
“Cũng như mọi lần, Thiệp ngồi một góc, im lặng, thậm chí có vẻ lơ đãng chẳng muốn nghe. Chừng anh đang mải nghĩ chuyện gì đó khác, hoàn toàn khác. Chuyện làm ăn chẳng hạn. Chẳng là dạo ấy anh đang tính toán một nghề kiếm sống nào đó khác, khá hơn cái nghề trình bày mỹ thuật bất đắc dĩ kia. Anh đang tính cùng Hưng mở một cái cửa hàng chuyên sơn xì xe đạp, xe ô-tô…
Anh Huệ Chi, chắc là để cố “moi” Thiệp, hỏi:
– Đề nghị anh Thiệp cho biết trong mấy truyện vừa rồi của anh, chỗ nào anh căn cứ trên tư liệu lịch sử có thật, chỗ nào anh bịa thêm?
Thiệp đứng dậy, ngơ ngác một chút, rồi trả lời gọn lỏn:
– Tôi chẳng bịa gì cả.
Anh ngồi xuống, im lặng một lát, rồi nói tiếp:
– Chừng mươi năm sau nữa, nhớ lại những chuyện nói hôm nay, chắc tất cả chúng ta sẽ thấy buồn cười.”
Không phải 10 năm, đến khi ông mất rồi, có lẽ người ta vẫn chưa “cười được” khi đọc lại những tác phẩm từng khiến ông trở thành mục tiêu bị tấn công thời đó.
Rất khó để làm nhà văn ở Việt Nam
Năm 1989, bộ phim ‘Tướng về hưu’ ra mắt, đến năm 1990 thì Thiệp được chọn làm hội viên Hội Nhà văn. Nhưng đây cũng là năm mà ấn phẩm của ông bắt đầu biến mất khỏi các cửa hàng sách. Tờ báo nhà nước đã đăng hai bài viết công kích Nguyễn Huy Thiệp, cho rằng ông đã ‘phản bội cách mạng Việt Nam bằng cách lật đổ các vị anh hùng thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam.
Điều đó là một cú sốc đối và tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời nhà văn. Nó cũng đánh dấu một bước ngoặt trong văn học Việt Nam, khi cuộc thử nghiệm “cởi trói văn nghệ” thời kỳ Đổi mới đã kết thúc.
Ông kể trong một cuộc trò chuyện với phóng viên nước ngoài: “Năm 1991, cảnh sát đã đột kích vào nhà tôi. ‘Họ lấy tất cả sách và bài viết của tôi và buộc tội tôi phá hủy sự thành công của chủ nghĩa xã hội. Tôi đã bị thẩm vấn trong mười ngày liên tiếp. Họ đối xử với tôi như một kẻ bất đồng chính kiến. Tôi đã bị sốc. Đây là một lời cảnh tỉnh cho tôi.”
Việc xuất bản các tác phẩm của ông trở nên khó khăn sau đó. “Năm 1991 có lệnh bí mật của cấp lãnh đạo. Không ai có thể nhắc đến tên tôi hoặc xuất bản công việc của tôi. Công việc của tôi đã phải được “xem xét”. Ngày càng mất nhiều thời gian hơn để xuất bản.”
Sau đó ông đã cố gắng điều chỉnh tác phẩm của mình cho phù hợp với nhu cầu xã hội. “Tôi tự kiểm duyệt nội dung. Văn học Việt Nam ra đời trong thời đại cách mạng. Nó đã được sử dụng như một công cụ chính trị, điều này làm cho nó trở nên quá ý thức hệ. Nó không đủ tinh tế. Rất khó để trở thành một nhà văn ở Việt Nam.”
“Tôi không ngừng viết, nhưng tôi đã ngừng ngây thơ,” ông nói. “Tôi sẽ viết một cách thận trọng hơn. Tôi sẽ chế ngự bài viết của mình. Tôi sẽ cẩn thận hơn. Tôi đã thay đổi chủ đề và ngôn ngữ của mình. Trước đây tôi là người lập dị và kiêu ngạo. Bây giờ tôi sẽ cẩn trọng hơn.”
Năm 1998, ông tới Đại học U.C. Berkeley trong lần thứ hai tới Hoa Kỳ. Nói về chủ đề “Quan hệ giữa thời thế với văn học” buổi tọa đàm về văn học Việt Nam thời đổi mới ông nói: “Trong thâm tâm, tôi đã và đang chống lại thời thế”.
Trong truyện ngắn “Một thoáng Xuân Hương’, nhà văn để nhân vật nói:
“- Dân có nghịch không?
– Không nghịch. – Thặng nói thản nhiên như lão đã từng nghiền ngẫm điều này lâu lắm. – Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả…”
Hay trong “Nguyễn Thị Lộ”: “Cung đình giống như nơi tụ họp các anh hùng lục lâm, chỗ nhóm lửa, chỗ thổi cơm, chỗ múa giáo, chế được đặt ra do vui chuyện mà định. Trên các chân dung chính khách chỉ nhìn thấy các cơ mặt bất động hoàn toàn, biểu thị tinh thần chính trị tù đọng tột cùng. Số trẻ trung hơn, dễ thấy trên gương mặt họ những nét chối bỏ thẳng thừng học vấn, chỉ chờ đón tiếp nhận cảm giác lạc thú.”
“… Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều mang tội trọng. Chúng ta phá tan phá nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ lừa bịp bằng tình cảm, bóc lột tận xương tủy, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh… Chú có hiểu không? Tim tôi ứa máu. Bao giờ tôi cũng nói rằng: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn… ”.
“Tôi bị kiến đốt nên phải ngồi dậy. Dưới chân tôi những con kiến đen xúm xít rất đông xung quanh xác một con chuồn chuồn màu đỏ. Tôi bảo: “Kiến nhiều quá”. Anh Triệu bảo: “Đấy. Tất cả dân chúng cũng đông như thế. Họ sống như kiến cả thôi, xắng xở, loanh quanh, kiếm ăn chẳng được là bao. Chú hãy để con chuồn chuồn ra khỏi chỗ khác xem”. Tôi làm theo lời anh Triệu. Anh Triệu bảo: “Chú có thấy kiến bu ra chỗ đấy không?” Tôi bảo: “Có”. Anh Triệu bảo: “Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía. Dân chúng cầu lợi. Chỉ cần tí lợi là họ sẽ a dua nhau bu đến. Họ không biết rằng điều ấy chất chứa toàn bộ sự vô nghĩa trong đời sống của họ. Họ sinh ra, hoạt động, kiếm ăn, cứ dạt chỗ nọ rồi dạt chỗ kia mà chẳng tự định hướng cho mình gì cả. Chỉ đến khi nào dân chúng hiểu rằng không được cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng ai cho, người ta chỉ hứa hẹn suông để bịp bợm thôi, thảng hoặc có cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Lợi phải do chính dân chúng tạo ra bằng sức lao động của mình. Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do”.
Anh Triệu thở dài, suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói: “Còn điều này nữa, đã nói thì nói cho xong. Thời loạn dứt khoát phải có một nền thống trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Chỉ có một nền chính trị vương đạo, dân chủ, tín nghĩa và văn hóa đạo đức cao mới làm cho đất nước phồn vinh”.
(Trích truyện ngắn: Những bài học nông thôn)
Trong truyện ngắn “Vàng Lửa” ông để nhân vật của mình suy tưởng: “Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa.”
Chọn viết về hiện thực trong một xã hội mà thân phận người dân như những kẻ ‘nô lệ’, và chân dung chính khách chỉ nhìn thấy các cơ mặt bất động hoàn toàn, biểu thị tinh thần chính trị tù đọng tột cùng, trong bối cảnh bức bối, ngột ngạt của một xã hội với những gia đình không có tôn ti trật tự, nơi đồng tiền ngự trị trên ngai vàng, và tự do là thứ người dân còn chưa hiểu là quyền lợi cao nhất của chính mình, Nguyễn Huy Thiệp thừa nhân sự nguy hiểm mà ông đối diện khi làm một nhà văn. “Đứng trong sự nguy hiểm về tình cảm, về tài chính và nguy hiểm về chính trị nữa.” Ông nói rằng “chỉ riêng hiểm hoạ tình cảm và tài chính đã đủ giết một nhà văn Việt Nam rồi.”
Ông nói nước Việt Nam đi sau thế giới 50 năm, mà nếu muốn thay đổi, ông cho rằng “có lẽ phải là văn hoá. Không phải là kinh tế. Việt Nam cần cả một cộng đồng nhân hậu, lương thiện.” Nhưng ông thấy rằng với hiện thực Việt Nam thì điều đấy “là một mơ mộng ảo tưởng.”
Viết lách giống như một tôn giáo
Năm 1991, ông xây dựng một tác phẩm điêu khắc lớn của Đức Phật trong khu vườn nhà mình. Việc xây dựng gặp khó khăn vì vấn đề của ông với chính quyền sau vụ khám xét và tịch thu bản thảo. Mất ba tháng rưỡi để xây dựng bức tượng và tốn kém như một ngôi nhà. Nhưng theo nhà văn, “tôn giáo đã giúp tôi cân bằng những xung đột đang xoay quanh mình.” Đối với ông: ‘Viết lách giống như một tôn giáo. Nhà văn ngồi thiền. Bạn sẽ bị tổn thương nếu bạn đánh mất tâm trí suy ngẫm của mình.”
Từ năm 1992, ông tìm hiểu sâu về đạo Phật. Nguồn cảm hứng sử thi huyền thoại nơi núi rừng Tây Bắc năm xưa, vốn chưa bao giờ mất đi, trở lại trong các tác phẩm của ông, sau khi đối diện với việc bị chính quyền trừng phạt. Ông thay thế những tuyên bố bị kiểm duyệt của mình bằng tư tưởng mang màu sắc huyền bí về Đạo.
Trong “Con gái thủy thần”, chàng thanh niên Chương cả đời đi tìm con gái thủy thần cũng giống như một kẻ đi tìm đạo, tìm kinh thánh cho cuộc đời mình. Và ở cuối cuộc hành trình đó, anh ta nhận ra rằng: “Chúng tôi cần gì nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều đạo đức, nhiều anh hùng? Thoắt buổi sáng, đã trưa, đã chiều. Thoắt mùa xuân, đã thu, đã đông… Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu”.
Văn chương của ông thời kỳ tiếp theo đó là một hành trình đi tìm Đạo như vậy, một cách để giải thoát chính mình và cuộc đời.
Từng gói ghém cuộc đời
Năm 2015, tôi và một người bạn đến thăm Nguyễn Huy Thiệp vào một ngày mưa lớn. Không phải vì để bàn chuyện văn chương mà chỉ muốn đến tặng ông một cuốn sách về Phật Pháp mà chúng tôi trân quý. Không ngờ rằng, thời điểm đó ông vừa trải qua một đoạn khủng hoảng tinh thần, và khi chúng tôi đến ông đã mua vé cho một chuyến đi xa. Lúc đó cũng chẳng có tâm trạng nào để tiếp chúng tôi nhưng trời mưa lớn quá nên chúng tôi có thời gian ở lại thật lâu và chia sẻ với ông về cuốn sách Phật Pháp. Càng nói chuyện ông càng cởi mở hơn, ông chia sẻ nhiều hơn những tâm tư chất chứa . Ông bảo chắc là có an bài gì đó bởi lúc chúng tôi đến, ông đang gói ghém đồ đạc chuẩn bị đi đến một nơi không ai biết, “tìm sự giải thoát bằng một cái chết không phiền lụy ai”.
Số phận đã sắp đặt để chúng tôi kịp tặng cuốn sách về Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) vào thời khắc bế tắc tuyệt vọng đó. Sau này ông kể lại trong một lần phỏng vấn trên báo rằng: Sau khi tiễn chúng tôi về, ông tiện tay ngồi lật, thì đọc một mạch hơn ba tiếng. “Đọc chưa hết bài giảng thứ nhất, ông đã cảm thấy đó là một cuốn sách kỳ lạ. Nó giải thích được những câu hỏi mà ông trên con đường tìm đạo vẫn băn khoăn, những vấn đề mà ông vẫn ngờ ngờ không hiểu. Tại sao lại thế, tại sao mình sống trong đời này, tại sao vợ như thế, con như thế?
Sau đó ông bỏ vé và dùng khoảng hai tuần đọc hết chín bài giảng, cảm thấy trước nay mình sai bét rồi, mình bị mê mà không biết. Rồi ông bắt đầu bước vào tu luyện. Ông tu tâm tính, theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ. Từ những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày cho đến quan hệ với con người. Hướng đến sự tử tế, cái đẹp, đồng thời nhẫn với mọi người. Ông chia sẻ: “Nhà tôi loạn lắm, nhà con loạn, mình cũng loạn, nhưng bình tĩnh rồi, nhẫn rồi thì cũng đâu vào đấy”. (Theo báo Tiền Phong)
Văn học là công việc như là sự tu thân
Ông nói một xã hội sụp đổ, hỗn loạn không phải vì kinh tế hay vấn đề gì khác mà bởi vô đạo. Trong gia đình, nếu vợ chồng, con cái không giữ đạo thì sẽ đổ vỡ. Tương tự, một người viết sẽ không còn hay nếu như đánh mất đạo viết. “Vô đạo thì giời cũng bỏ”, Nguyễn Huy Thiệp khẳng định.
“Tôi muốn bạn đọc nhận ra tình cảm thực của tôi. Ngay từ khi bắt đầu cầm bút viết văn cho đến bây giờ vẫn vậy, tôi luôn ý thức đó là một công việc gian khó. Nó đòi hỏi một sự trung thực và tôi coi viết văn là một sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân cả về trí tuệ, đạo đức và nhân cách. Tóm lại là về toàn bộ thái độ sống. Nó không phải dễ dàng gì,” ông nói.
Hàng nghìn bài báo bàn tán về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Ông được nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008), nhưng giá trị văn chương Nguyễn Huy Thiệp không nằm ở những đánh giá của giới phê bình bởi tự thân tác phẩm đã được vinh danh trong đời sống và giải thưởng cao nhất của ông là trong trái tim độc giả.
“Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại” – nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Ngay cả khi ở thời kỳ đỉnh cao của sự nổi tiếng, ông không hề ảo tưởng vào danh vọng. Ông nói về “những thê thảm, đau đớn của một người danh tiếng”. Trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ, khiêm nhường, im lặng trước mọi khen chê.
“Sự khen chê trong văn học cũng là lẽ thường. Khen chê có mặt hay, mặt dở của nó nhưng phải đứng vững trước cả khen chê mới được. Công việc của nhà văn là rất cô độc nhưng nhà văn cũng đừng sợ không có những độc giả hiểu mình vì sẽ vẫn có tri âm tri kỷ.”
Bất cứ ai từng gặp ông có lẽ đều ấn tượng bởi lối nói chuyện từ tốn, khiêm nhường. Mặc dù các tác phẩm của ông trở nên kinh điển ngay tại thời điểm vừa xuất bản, nhưng ông không hề ham hố việc người khác thần thánh tên tuổi mình. Năm hai mươi tuổi ông viết một câu chuyện về một chàng trai trẻ ở Hua Tát, sống cuộc đời tiếng tăm nhưng khi về già thì tuyên bố rằng: sống một cuộc đời bình thường là khó nhất.
Tôi đọc lại các tác phẩm của ông sau 20 năm, và sửng sốt nhận ra rằng đến giờ may ra tôi mới hiểu được ít nhiều những gì ông viết. Nguyễn Huy Thiệp luôn đi trước sự tỉnh thức của xã hội là như vậy.
Nguyên Ngọc tin rằng, Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng lạ, mà có lẽ cứ còn phải đọc và tìm hiểu nữa. Nhưng cũng riêng Nguyên Ngọc mơ hồ cảm nhận được lý do tác phẩm của Thiệp luôn gây tranh cãi và ngay cả những biên tập viên lão làng như ông cũng chưa hiểu được Thiệp. Ông nói rằng: “Tôi thật tình ngạc nhiên sao anh xuất hiện sớm thế, như một báo trước thật sớm. Anh dự báo một cái gì đó còn rất manh nha.” Ông đến và đi đều chấn động lòng người, bởi vì dường như sứ mệnh của ông đối với người đọc trên văn đàn Việt Nam là sự thức tỉnh.
Trong đời sống phải hướng tới “Chân-Thiện-Nhẫn”
“Viết lách là thứ nghề lao động bằng sự cô đơn của mình nên không hề đơn giản. Trong quá trình tìm chính mình này, văn học là công việc như là sự tu thân, một phương tiện để khám phá bản thân, và khám phá xã hội”. Ông quan niệm “đạo trong văn chương thường phải hướng tới Chân-Thiện-Mỹ còn trong đời sống phải hướng tới Chân-Thiện-Nhẫn”. Không phải vào chùa, xây tượng Phật mà phải tìm thấy Đạo ở chính nội tâm của mình.
Bởi thế ông cho rằng sứ mệnh người cầm bút: “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo đức cho dân chúng”.
Di sản của ông là những tác phẩm văn chương, dù ở bút pháp, thể loại nào, luôn đầy lòng trắc ẩn. Mà như ông đã viết những dòng trong tập truyện ngắn đầu tiên nhuốm màu huyền thoại: “Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người.”
“Triêu văn Đạo, tịch khả tử dĩ” – Sáng nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng. Một con người cả đời đi tìm Đạo và đã tìm thấy. Ai có lòng tìm Đạo sẽ thấy đồng cảm với di sản văn chương của ông. Những trang văn như lời thơ ông viết:
“Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất
Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng
Tựa như tiếng tù và
Như tiếng kèn đồng
Như tiếng chuông vọng…
Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người
Buộc họ soi vào lòng mình như soi mặt xuống lòng hồ
Có thứ ngôn ngữ của người anh hùng, của người chính trực
Nó làm ta bối rối xúc động
Ta không trốn được
Thứ ngôn ngũ không hề phù phiếm, cũng chẳng tân kỳ
Thứ ngôn ngữ của giống nòi truyền lại
Thứ ngôn ngữ của lương tri không bao giờ mất…”
Đan Thư
Xem thêm: