Nhà tù Thẩm Dương ép các tù nhân lao động khổ sai, trả lương 40 NDT mỗi tháng
Ông Vương Ngọc Âm (bí danh) là một tù nhân chính trị ở nhà tù số Thẩm Dương. Gần đây, ông đã nhận lời phỏng vấn của phóng viên Epoch Times và chia sẻ về quá trình mình ở trong tù. Ông nói về bốn khía cạnh mà nhà tù thực thi gồm nô lệ, cực hình, tra tấn và tham nhũng. Ông nói, “Các tù nhân trong đó đều hy vọng có một kênh nào đó vạch trần những điều này. Những sự việc ở nhà tù số 1 Thẩm Dương là một trong những nhà tù tiêu biểu nhất.”
Vì ông Vương Ngọc Âm đã từng lên án sự bất công của xã hội lên Internet nên bị kết án với “tội xúc phạm” (xúc phạm Trung Cộng). Vì những lời bình luận này động chạm đến lãnh đạo Tập Cận Bình nên ông đã nhanh chóng bị tòa tuyên án ngồi tù. Các tài khoản trên Twitter và Facebook của ông cũng đã bị xóa.
Ông còn đưa ra giấy chứng nhận chấp hành xong án tù, giấy chứng nhận chích vaccine và các tài liệu khác.
Ông nói với các phóng viên rằng “cách ly” là nói cho có vậy thôi. Miệng nói là thân nhiệt ngày đo ba lần, cuối cùng làm qua loa một lần cho xong việc. “Căn bản là không hề “cách ly”, vẫn ở trong nhà tù như thường, ngày thường làm như thế nào thì vẫn làm như thế ấy. Trước mấy hôm mãn hạn tù cũng vậy, chẳng qua là bắt người ta phải ký tên vào Bản cam kết cách ly là xong. Đều là giả dối cả, không làm gì hết.”
“Thế mà họ vẫn có báo cáo xét nghiệm COVID. Hôm có vaccine, cũng có phạm nhân muốn được chích ngừa. Tôi chích vaccine muộn hơn vì lúc đầu không đồng ý. Sau đó là họ bắt buộc, yêu cầu ai cũng phải chích vaccine trừ những tình huống đặc biệt.”
Chế độ nô lệ
Ông nói, thức ăn trong trại giam không đảm bảo, ngày thường thì đều được phát ít cơm trắng, nước canh rau luộc. Ăn cũng không no, lâu dần ai cũng trở nên gầy gò. Nếu muốn sống thoải mái hơn, thì phải “tiêu nhiều tiền”. Ở trong tù đã không được ăn no lại còn phải lao động.
Ông Vương Ngọc Âm nói, “Lương tháng cao nhất trong tù là 40 NDT, đấy là làm tốt mới thế. Còn làm không tốt thì chỉ được trả 10 tệ, 20 tệ. Lao động là có khoán việc, thời gian lao động cũng rất dài. Làm liên tục từ 6h30 sáng đến tận 7h30 tối. Hôm nào về lúc 7h thì phải ngồi ghế xem “tin tức phát sóng”, cứ về sớm là phải xem.”
(Ghi chú: 40 NDT tương đương với 140,000 VNĐ)
“Nếu không làm xong việc, quản giáo sẽ ngày ngày mắng mỏ và tìm cách hành hạ. Họ còn lấy cớ như vi phạm, đi đứng sai tư thế, hành vi không đoan chính v.v để đánh đập.”
Nhà tù được chia làm hai phần, một phần là khu sinh hoạt của phạm nhân, cũng chính là nơi ở của họ. Phần còn lại là khu lao động, chính là khu vực sản xuất. “Nhìn thì thấy nhà tù không lớn, tổng cộng chỉ hơn 3,000 người, nhưng thu nhập hàng năm phải lên đến vài trăm triệu NDT”, ông Vương nói.
Được biết, nhà tù số 1 Thẩm Dương chủ yếu là gia công quần áo cho Công ty TNHH Đức Thái ở Thiên Tân, chuyên kinh doanh ngoại thương và xuất cảng quần áo ra thế giới. “Chúng tôi chủ yếu may quần áo phụ nữ, kiểu dáng nào cũng có. Bởi vì thường xuyên có kỹ thuật viên từ Đức Thái đến hướng dẫn may đo. Cảnh sát cũng thường hô hào là có người từ Công ty Đức Thái đến. Nên tôi nhớ rõ cái tên này.”
“Trong tù có rất nhiều phạm nhân muốn tôi hãy vạch trần Công ty Đức Thái khi ra tù. Rõ ràng là thế giới cấm nhập cảng các hàng hóa làm từ lao động nô lệ, thế mà họ lại bán quần áo cho Hoa Kỳ, Canada, bán đi khắp nơi trên thế giới, còn làm ăn với nhiều công ty lớn. Nghe nói bọn họ có thể kiếm được hàng tỷ NDT mỗi năm. Chỉ riêng một nhà tù đã kiếm được hàng trăm triệu NDT rồi chứ đừng nói cả nước có biết bao nhiêu nhà tù. Hầu hết các nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh đều là gia công quần áo cho Công ty Đức Thái.”
Theo thông tin từ trang web của Công ty TNHH Đức Thái, công ty hiện đang giữ quan hệ hợp tác tốt đẹp với hơn 200 xưởng sản xuất vải sợi và xưởng may mặc, số lượng đối tác còn tăng dần qua các năm. Tuy nhiên trang web không đăng tải tên của bất kỳ xưởng sản xuất hiện đang hợp tác nào.
Khi phóng viên gọi điện đến để xác minh quan hệ hợp tác với trại giam thì nhân viên công ty đáp là mới đến làm việc nên không biết rõ tình hình và nói lãnh đạo nửa tiếng sau sẽ trở về. Sau nửa tiếng phóng viên gọi lại thì đầu dây bên kia tỏ thái độ khó chịu và truy hỏi là ai đã cung cấp thông tin sau đó thì cúp máy. Tính đến khi đăng tải bài viết này, email mà phóng viên gửi vẫn chưa nhận được hồi âm.
Tổ chức lao động quốc tế lần thứ 86 họp tại Geneva tháng 6/1998 đã chính thức thông qua Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động, trong đó nêu rõ rằng “xóa bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.”
Trung Quốc với tư cách là một trong những nước tham gia Tổ chức, không những không tuân thủ các quy định mà còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với hệ thống cải tạo lao động và công ty nhà tù để kích thích và khuyến khích phát triển lĩnh vực này và thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài.
Tra tấn
Theo ông Vương Ngọc Âm, trong nhà tù còn khoảng 40-50 học viên Pháp Luân Công, họ đến từ những giai tầng khác nhau trong xã hội, một số là giáo sư, giáo viên, có người đến từ viện thiết kế kiến trúc, v.v. “Tôi biết có học viên Pháp Luân Công bị kết án lâu nhất là 20 năm, ít thì cũng 2 năm, 3 năm, 6 năm, 8 năm.”
Ông còn đặc biệt nhấn mạnh rằng các học viên Pháp Luân Công hằng năm đều phải trải qua cuộc bức hại “chuyển hoá” (từ bỏ đức tin). “Vào tháng 11 năm ngoái, họ bị tập trung vào một phòng. Rèm cửa sổ đóng kín mít không cho ánh sáng lọt vào. Nghe nói khi họ bị nhốt trong đó, ăn uống đều bị bạc đãi, bữa nào cũng ăn cám ngô, bên trong còn treo la liệt dùi cui điện. Họ có bị đánh hay không thì tôi không biết.”
Ông Vương nói, “Ai đầu hàng “chuyển hoá” thì sẽ được thả, ai không chịu “chuyển hoá” thì sẽ bị áp giải đến khu nhà tù canh gác cẩn mật, ngày ngày bắt ngồi trên ghế nhỏ, ngồi liên tục trong một tháng.”
Được biết, nhà tù số 1 Thẩm Dương là một trong ba nhà tù an ninh cao khét tiếng nhất Trung Quốc. “Toàn bộ nhà tù đều được trang bị canh gác nghiêm ngặt. Tôi nghe quản ngục nói rằng có ba nhà tù an ninh khét tiếng nhất Trung Quốc, một cái nằm phía đông bắc Thẩm Dương, một cái ở Thượng Hải, còn lại ở Tân Cương. Đó là những gì tôi biết vào mấy năm trước.”
“Các nhà tù an ninh cao chủ yếu giam giữ tội phạm phạm sai lầm, những ai khiến cán bộ tức giận thì sẽ bị nhốt ở đó. Bắt ngồi ghế trên ghế liên tục từ 5h sáng đến 9 giờ tối, không được động đậy trừ lúc đi vệ sinh.”
Theo báo Minh Huệ đưa tin, vào năm 2010, nhà tù số 1 Thẩm Dương bắt đầu đầu tư 30 triệu NDT để xây dựng khu nhà tù an ninh cao. Ông Lý Thượng Thi là học viên Pháp Luân Công ở Cáp Nhĩ Tấn, đã bị tra tấn đến chết trong một nhà tù an ninh cao. Ông Quách Xuân Chiếm, học viên Pháp Luân Công ở Hô Lô Đảo được phóng thích do bị suy đa tạng và qua đời sau hai năm ra tù.
Tại nhà tù an ninh cao cấp sử dụng nhiều biện pháp tra tấn như: cấm ngủ, còng hai tay và treo lên, trói tứ chi hình chữ đại, ngồi ghế hổ, dùng tăm chống lên hai mí mắt không cho ngủ, đổ nước ớt vào mắt, lấy tăm bông chọc vào tai và hai mũi, xuyên đầu bút từ lỗ mũi bên này sang bên kia, dội nước sôi, dùng roi điện với cường độ dòng điện cao…
Ông Vương Ngọc Âm quen biết một số những nạn nhân xấu số này, họ đều bị kết án rất dài. Ông nói, “Tôi quen một học viên Pháp Luân Công tên là Diêm Húc Quang. Ông ấy bị kết án 12 năm. Khi tôi ra tù, ông ấy nói với tôi là còn 8 năm nữa. Sức khoẻ ông ấy rất kém, bị bệnh lao, và thường xuyên tái phát. Ngày tôi ra tù, ông ấy vẫn còn trong viện. Trong nhà giam có một bệnh viện nhỏ.”
Sau khi tra cứu trên trang báo Minh Huệ, các phóng viên tìm ra ông Diêm Húc Quang là học viên Pháp Luân Công ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh. Học đã mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian bị giam giữ, trại giam không những không phóng thích ông mà còn kết án phi pháp 11 năm tù.
“Khi ông ấy ra ngoài tặng tài liệu Pháp Luân Công thì bị bắt. Có lần ông ấy bị cai ngục hành hạ bằng dùi cui điện đến thập tử nhất sinh. Tôi nghe nói vì ông ấy đã viết cho cai ngục rằng: Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Chỉ vì câu nói ấy mà ông ấy bị giật điện”, ông Vương nói.
Do Tôn Vân thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: