Nhà Trắng công bố kỷ lục về kế hoạch ‘Buy American’ của TT Trump, thách thức ông Biden
Ngày 2/10, Tòa Bạch Ốc đã công bố một bản báo cáo mới phác thảo những thành công trong chính sách “Mua hàng Hoa Kỳ, Thuê lao động Hoa Kỳ” (“Buy American, Hire American”) của TT Donald Trump nhằm xây dựng lại cơ sở sản xuất của Hoa Kỳ.
“Trong 4 năm qua, chính phủ đã hoạt động dựa trên một cụm từ hay — Sản xuất tại Hoa Kỳ — và hai quy tắc đơn giản — Mua hàng Hoa Kỳ, Thuê lao động Hoa Kỳ”, báo cáo viết.
Cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro nói với các phóng viên trong một cuộc gọi hội đàm rằng các chính sách được thông qua không chỉ tạo ra việc làm và sự thịnh vượng mà còn củng cố cơ sở sản xuất và cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ.
Ông Navarro, người đã cáo buộc ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ Joe Biden đạo văn (ăn cắp ý tưởng) chiến lược của TT Trump, nói rằng tổng thống đã đưa ra “nhiều điều không chỉ đơn giản là các quy tắc ‘Mua hàng Hoa Kỳ’ trong hoạt động mua sắm của chính phủ”.
Báo cáo của Tòa Bạch Ốc được đưa ra để đáp lại kế hoạch kinh tế trị giá 700 tỷ USD của ông Biden, trong đó bao gồm kế hoạch “được sản xuất trên khắp Hoa Kỳ” của ông.
Ông Navarro trước đó đã chỉ trích ông Biden vì đã “xé toạc” chương trình nghị sự của tổng thống.
Ông Biden hứa đầu tư 400 tỷ USD để chính phủ liên bang mua thêm các sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ, như một phần trong chương trình nghị sự đầu tiên của ông. Đề xuất chính sách của ông chủ yếu dựa vào sức mua của liên bang để tăng nhu cầu và tạo ra thị trường nội địa để hỗ trợ các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Chiến dịch của ông Biden tuyên bố rằng chiến lược của ông sẽ giúp tạo ra ít nhất 5 triệu việc làm mới.
Trong cuộc gọi, ông Navarro cáo buộc ông Biden ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico năm 1994 và việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Báo cáo của Tòa Bạch Ốc tóm tắt “năm khía cạnh quan trọng” tạo nên chiến lược của TT Trump, bao gồm mua sắm [hàng sản xuất nội địa] của chính phủ Hoa Kỳ; thuê các sáng kiến của Hoa Kỳ; đàm phán thương mại và thuế quan; ngân sách quốc phòng và bán khí tài cho nước ngoài; và hỗ trợ ngành hàng hải Hoa Kỳ.
‘Mua hàng Hoa Kỳ, thuê lao động Hoa Kỳ’
Theo báo cáo, TT Trump đã ký ít nhất 10 sắc lệnh hành pháp kể từ khi ông nhậm chức để hỗ trợ và mở rộng các chính sách mua sắm “Mua hàng Hoa Kỳ”. Ví dụ, một trong những mệnh lệnh đã giảm thiểu việc sử dụng các miễn trừ không cần thiết.
TT Trump cũng đã ký một sắc lệnh cấm các nước như Trung Quốc bán thiết bị điện số lượng lớn cho Hoa Kỳ, để bảo vệ lưới điện quốc gia trước các mối đe dọa từ nước ngoài.
Và một trong những sắc lệnh hành pháp gần đây đảm bảo rằng các cơ quan chính phủ, bao gồm các Bộ Cựu chiến binh, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, và Bộ Quốc phòng, mua các loại thuốc thiết yếu được sản xuất trong nước và các sản phẩm y tế dùng cho ứng phó khẩn cấp (MCM).
Báo cáo cho thấy việc mua sắm trong nước đã tăng lên tới 419 tỷ USD trong những năm chính phủ Trump-Pence cầm quyền so với 332 tỷ USD trong những năm chính phủ Obama-Biden cầm quyền, một bước nhảy vọt lên đến 26%.
Ngoài ra, chính sách “Thuê lao động Hoa Kỳ” của TT Trump đã làm giảm việc lạm dụng thị thực, mở rộng thời gian học nghề và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các cựu binh quân sự sang lực lượng lao động dân sự, báo cáo nêu rõ.
Chính sách Thương mại và Thuế quan
Báo cáo cũng lưu ý các chính sách thương mại và thuế quan của TT Trump, vốn là nền tảng trong kế hoạch kinh tế của ông. Việc ông từ chối chủ nghĩa toàn cầu, tập trung vào an ninh quốc gia và trả đũa các hành vi thương mại không công bằng đã đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ.
Ông Navarro nói: “Quay trở lại thời Bush-Cheney và Obama-Biden, chúng ta đã mất hơn 70,000 nhà máy và hàng triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất vì những xáo trộn thương mại giữa NAFTA và Trung Quốc.”
Một trong những hành động đầu tiên trên cương vị tổng thống là ông Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ông đã ký Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada mới, thay thế NAFTA, đồng thời ký kết các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc.
TT Trump bắt đầu chiến dịch thuế quan vào năm 2018, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, như một phần trong chiến lược của ông nhằm chấm dứt các hành vi thương mại không công bằng chống lại Hoa Kỳ.
Ông Navarro cho biết, bất chấp sự hoài nghi, chiến dịch thuế quan “đã rất thành công”.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thuế quan trong việc chống lại “sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc và bảy tội lỗi chết người của nó”.
“Những tội lỗi này bao gồm từ việc các quan chức Trung Quốc xâm nhập mạng để đánh cắp bí mật kinh doanh của Hoa Kỳ, ăn cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ, đến việc bán phá giá sản phẩm dưới giá thành vào thị trường chúng ta, lạm dụng các doanh nghiệp nhà nước để bắt nạt các công ty Hoa Kỳ, và một lịch sử lâu dài về thao túng tiền tệ,” báo cáo nêu rõ.
Báo cáo đề cập đến thuế nhập khẩu thép, nhôm, tấm pin mặt trời và máy giặt cũng như tác động tích cực của chúng đối với các nhà sản xuất và việc làm của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Bộ Thương mại để chống việc bán phá giá và trợ cấp xuất cảng không công bằng đã tăng lên 188 lệnh trong thời chính phủ TT Trump so với 62 lệnh trong nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ Obama, theo báo cáo.
Quốc phòng và đóng tàu
Báo cáo trích dẫn việc tăng ngân sách quốc phòng và doanh số bán khí tài quân sự cho nước ngoài như là khía cạnh thứ tư trong chiến lược của TT Trump nhằm hỗ trợ cơ sở công nghiệp Hoa Kỳ.
Ông Navarro cho biết: “Sự gia tăng ngân sách quốc phòng sẽ trực tiếp làm gia tăng sản xuất tại Hoa Kỳ vì phần lớn các sản phẩm trong ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ tuân thủ rất chặt chẽ quy tắc ‘Mua hàng Hoa Kỳ’”.
Tòa Bạch Ốc ước tính rằng ngân sách quốc phòng và doanh số tăng sẽ “hỗ trợ 1.1 triệu việc làm và đóng góp khoảng 1/4 tăng trưởng GDP mỗi năm”.
Ông Navarro cũng đề cập đến Đạo luật Jones và việc cải tiến công nghiệp đóng tàu dưới thời chính phủ TT Trump. Được thông qua vào năm 1920, Đạo luật Jones yêu cầu bất kỳ tàu nào vận chuyển hàng hóa giữa hai điểm ở Hoa Kỳ đều phải do Hoa Kỳ chế tạo, có ít nhất 75% thuộc sở hữu của Hoa Kỳ và ít nhất 75% thủy thủ đoàn là công dân Hoa Kỳ.
Ông Navarro cho biết Hoa Kỳ đang cạnh tranh với Trung Quốc, nước “cung cấp các khoản trợ cấp rất cực đoan cho ngành đóng tàu của họ”.
Ông nói, chính phủ TT Trump đã bắt đầu xoay chuyển tình trạng sụt giảm trong ngành đóng tàu.
“Trong 8 năm dưới thời chính phủ Obama-Biden, số lượng tàu chiến của Hoa Kỳ giảm 22% và tổng trọng tải giảm 13%. Hiện tại, chúng tôi đã vượt xa Obama và chỉ còn ở mức giảm 10%, và trọng tải lên tới 7.3 triệu tấn.”