Nhà thờ Đức Bà nhắc nhở chúng ta hãy bảo vệ di sản của chính mình
Nơi tôi sinh ra cách Nhà thờ Đức Bà Paris khoảng 30 phút đi bộ. Trong tôi là hình ảnh nhà thờ nằm yên bình bên bờ sông Seine, luôn mang vẻ vững chãi và bền bỉ như vật liệu đá xây dựng nên công trình.
Với hơn 850 năm tuổi, nhà thờ không chỉ là trái tim của Paris mà còn của chính nước Pháp. Nó đã chứng kiến lễ đăng quang của một vị Hoàng đế và các lễ phong thánh. Trải qua chiến tranh trăm năm, cách mạng Pháp, công xã Paris và cuộc tấn công khủng bố, nhà thờ vẫn đứng vững.
Và sau trận hỏa hoạn ngày 15/04/2019, công trình này vẫn sừng sững, ngay cả khi bị cháy đen và không còn ngọn tháp. Khi những người lính cứu hỏa đến chiến đấu và ngọn lửa dần tàn, những người xung quanh tụ tập lại, âm thanh nhẹ nhàng của những bài hát và lời cầu nguyện ngân vang suốt đêm.
Từ khắp nơi trên thế giới, mọi người chung tay ủng hộ. Điều gì ở vụ cháy Nhà thờ Đức Bà khiến chúng ta xúc động đến vậy? Đối với nhiều người, Nhà thờ Đức Bà đại diện cho vẻ đẹp siêu việt, biểu tượng của một quốc gia, và sự kết nối tâm linh.
Marion Sigaut, một nhà sử học người Pháp tại Paris, cho biết: “Không chỉ có linh hồn của Paris, mà linh hồn của cả nước Pháp đều rung động. Các vị vua của nước Pháp đã đến cầu nguyện tại Nhà thờ Đức Bà. Họ đăng quang tại Saint-Denis nhưng cầu nguyện ở Nhà thờ Đức Bà. … Đây là nơi họ hát bài Thánh ca ‘Te deum’, nơi họ tạ ơn Chúa.”
Đối với bất cứ ai đã có cơ hội đến thăm nhà thờ, tin tức về vụ cháy gợi lại những ký ức sống động.
Skye Sherman, một nhà văn ở West Palm Beach, Florida chuyên viết về du lịch, đã ghi dấu vẻ đẹp kỳ thú của nhà thờ trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên cùng chồng. “Tôi nhớ mình đang bước đi vô định qua tòa tháp tráng lệ, tối om thì bất thình lình tiếng chuông vang lên, dội khắp tòa nhà và khắc sâu thêm ấn tượng của tôi về khung cảnh đẹp đến ám ảnh,” cô chia sẻ trong một email.
“Đó là lần đầu tiên hai vợ chồng tôi nhìn nhau kinh ngạc trước những gì chúng tôi đang chứng kiến, ngập tràn sự kỳ diệu trong đôi mắt của cả hai. Âm nhạc vang vọng khắp thánh đường, và bạn có thể cảm nhận nó xuyên thấu tâm can mình. Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất tôi có được từ các chuyến đi.”
Kiến trúc sư Kobi Karp tại Miami đã đến thăm Nhà thờ Đức Bà khi còn là sinh viên vào năm 1986. Ông nói, các công trình kiến trúc không chỉ là những tòa nhà. Nhà thờ cũng là “ngôi nhà của cộng đồng – nơi mọi người đi về trong những dịp kỷ niệm, nơi tiễn biệt người thân, khoảng thời gian chiến tranh, nơi để chia sẻ.”
Ông đã suy nghĩ về cách Nhà thờ Đức Bà trường tồn qua các thời đại, và qua hai cuộc chiến tranh thế giới. “Có ý kiến cho rằng người Pháp đã từ bỏ Paris để nhà thờ không bị đánh bom,” ông nói.
“Thật là điều kỳ diệu của một công trình, nó được thiết kế để bạn có thể quỳ gối trước Chúa, theo đúng nghĩa đen, đặt Chúa vào trái tim, linh hồn và tâm trí của bạn. Vì vậy, nếu bạn không tôn kính Chúa, hãy đoán xem? Bạn sẽ phải xem xét lại khi bước vào không gian này.”
“Âm thanh của nhà thờ tách biệt khỏi thành phố bên ngoài. Nó yên tĩnh, bình lặng, thân quen. Nó mang đến cơ hội để tĩnh tâm, suy ngẫm và xa rời cuộc sống thường nhật.”
Tiểu thuyết cứu nhà thờ
Nhà thờ có vẻ ngoài bền bỉ với tuổi đời gần 900 năm, đã bị hư hại và phải tu sửa nhiều lần. Cũng như ngày nay, nó luôn cần những người bảo hộ.
Tiểu thuyết gia Victor Hugo là một trong số đó. Ông ca ngợi phong cách Gothic, vốn được coi là lỗi thời vào thời điểm đó. Cuốn “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà” (The Hunchback of Notre Dame) được xuất bản năm 1831, dành hơn 3,000 từ để miêu tả về nhà thờ, gợi lại vẻ đẹp và mô tả chi tiết sự tàn lụi của công trình dưới bàn tay của thời gian và con người.
Quyển Ba, Chương I, bắt đầu như vậy:
“Nhà thờ Đức Bà Paris rõ ràng là một công trình kiến trúc uy nghi và thiêng liêng. Nhưng, như vẻ đẹp được gìn giữ trong sự già nua, thật khó để không thở dài, không phẫn nộ, trước sự xuống cấp không kể xiết và sự tàn phá mà thời gian và con người đã bắt tượng đài đáng kính này phải chịu đựng. Họ không có sự tôn trọng nào dành cho Charlemagne, người đã đặt viên đá đầu tiên, hoặc cho Philip Augustus, người đã đặt viên đá cuối cùng.”
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, người đánh chuông Quasimodo, bị coi thường và dị dạng về thể chất, là một phép ẩn dụ cho chính nhà thờ. Đại thi hào Hugo đã khơi gợi sự đồng cảm của công chúng đối với cả hai hình tượng:
“Nhà thờ vừa đủ cho anh ta. Nơi đó tràn ngập các nhân vật bằng đá cẩm thạch – các vị vua, các vị Thánh, giám mục – những người không cười nhạo anh, chỉ nhìn anh với vẻ yên bình và tử tế. Những bức tượng khác, những con quái vật và ác quỷ, không hề căm thù anh, Quasimodo. Anh ta trông giống chúng. Chúng dường như đang chế giễu những người khác. Các vị Thánh là bạn của anh, và ban phước cho anh; những con quái vật là bạn bè và bảo vệ anh. Vì vậy, anh chỉ giao thiệp với họ. Đôi khi anh dành cả vài giờ đồng hồ để cúi mình trước một trong những bức tượng, trong một cuộc hội thoại đơn độc. Nếu có ai đến, anh chạy trốn như một người tình ngỡ ngàng trong chính dạ khúc của mình.”
Sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết đã nâng tầm vóc của Nhà thờ Đức Bà; và vào năm 1844, Vua Louis Philippe đã ra lệnh khôi phục lại công trình, trong đó có ngọn tháp nặng 750 tấn đã bị cháy và sụp đổ trong trận hỏa hoạn năm 2019.
Một dòng người nối tiếp
Nhờ những người lính cứu hỏa đã tạo thành một dòng người nối tiếp, họ đã cứu được những tạo tác vô giá, bao gồm áo choàng của Vua Louis IX đáng kính và vương miện gai, được cho là Chúa Giê-su đã đội.
Một số người nói rằng đó là một điều kỳ diệu khi những món đồ này còn nguyên vẹn. Và chỉ vài ngày trước trận hỏa hoạn, 16 bức tượng đồng đại diện cho 12 vị tông đồ và 4 nhà truyền giáo đã được di dời khỏi đỉnh ngọn tháp để gửi đến trùng tu ở phía Tây Nam nước Pháp. Điện thờ và tác phẩm điêu khắc Pietà (Đức mẹ sầu bi) của Nicolas Coustou, được vua Louis XIV ủy nhiệm, cũng được bảo toàn.
Có lẽ một điều kỳ diệu khác, trong bối cảnh tình trạng bất ổn và bi quan đang đeo bám nước Pháp thời gian đó, trái tim của tất cả mọi người trong sự đoàn kết đã chuyển thành hành động.
Chưa hết, thiệt hại đối với Nhà thờ Đức Bà, theo một nghĩa nào đó, không chỉ là về vật chất. Như Karp đã chỉ ra, nó nhắc nhở chúng ta rằng có những công trình kiến trúc đáng được bảo tồn trên khắp thế giới. Chúng là một kho tàng lịch sử giá trị. Vì không được bảo tồn, một số bị hao mòn theo thời gian. Một số thì đổ nát dưới sự tàn phá của chiến tranh.
Một người bạn của tôi, cựu chiến binh Hải quân và cộng tác viên của The Epoch Times, Amanda Burrill, đã từng được điều động đến Vịnh Ba Tư. Khi nghe những âm thanh gào thét của tên lửa Tomahawk trên đầu, cô ấy nói, “lúc ấy tôi nghĩ đến những người sắp bị tổn hại, và tôi cũng lo về những bảo tàng và cổ vật sắp bị phá hủy. Những suy nghĩ đó khiến tôi rơi nước mắt.”
Nhiều năm sau, cô sống ở Marais, gần Nhà thờ Đức Bà. Khi ngọn lửa bùng lên vào ngày 15/04/2019, cô cảm thấy nhẹ nhõm khó tả khi những người lính cứu hỏa kịp thời bảo vệ được các cổ vật quý giá.
Dù là thế hệ nào, chúng ta phải tự quyết định liệu các tác phẩm mang vẻ đẹp bất hủ và ý nghĩa thiêng liêng có đáng để cứu giữ hay không — cho dù là một tòa nhà hay các đồ vật.
Cũng giống như một dòng người nối tiếp, việc bảo tồn đòi hỏi không gì hơn là sự truyền tải, từ người này sang người khác, về lòng quý trọng đối với di sản của chúng ta — dù là di sản thiêng liêng và tôn giáo, hay mang tính quốc gia và lịch sử.
Ở một vùng ngoại ô cách trung tâm Paris khoảng 5 dặm về phía bắc, Vương cung thánh đường St. Denis tráng lệ, đã bị phá hoại. Sự cố này là dấu hiệu của một hiện tượng nghiêm trọng hơn nhưng thường bị đánh giá thấp. Vào tháng Ba, một tờ báo độc quyền của Pháp Le Figaro đã đề cập đến một thống kê từ cảnh sát quốc gia Pháp: 877 nhà thờ Pháp đã bị phá hoại trong năm 2018. Liệu sự quan tâm đối với Nhà thờ Đức Bà có giúp tăng cường thêm biện pháp bảo vệ cho những nhà thờ khác?
Và liệu các công trình kiến trúc khác trên khắp thế giới, giàu tính di sản và lịch sử, có được nhìn nhận theo cách khác?
Xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà
Martin Soler, một cư dân của Paris, đã tìm thấy hy vọng khi hàng loạt công dân Pháp tài trợ cho việc trùng tu nhà thờ.
“Trong vòng chưa đầy 48 giờ, hơn 1 tỷ euro đã được đóng góp để tu sửa. … Rất nhiều người coi cái đẹp và sự tồn tại của di sản văn hóa trên toàn thế giới quan trọng hơn lợi nhuận của chính họ hoặc thậm chí nhu cầu thiết yếu của họ, điều đó chứng tỏ rằng mọi người thực sự quan tâm đến việc làm cho thế giới đẹp hơn một chút,” ông nói.
Karp nói, việc xây dựng lại nhà thờ không phải là một vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, nó sẽ tốn nhiều thời gian, do các cuộc trao đổi và tranh luận xảy ra sau đó để quyết định xem nó nên được xây dựng lại theo cách nào.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố một cuộc thi thiết kế để xây dựng lại “một ngọn tháp mới phù hợp với kỹ thuật và những thách thức của thời đại chúng ta.”
Karp nhìn thấy cơ hội để bổ sung các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ, nhưng ông tin rằng “một công trình kiến trúc lịch sử nên được xây dựng lại và tái hiện như trước khi đám cháy xảy ra, chứ không nên thay đổi hình dạng hoặc mục đích sử dụng của nó.”
Ông cho biết: “Chúng ta đủ thông minh, chúng ta có các bức ảnh và bản ghi hình kỹ thuật số về cấu trúc để cho phép chúng ta làm điều đó,” mặc dù sẽ phải có “sự thỏa hiệp về một số hình dạng hoặc cấu trúc.”
“Nhà thờ Đức Bà sẽ không bao giờ hoàn toàn giống như trước, nó sẽ luôn khác quá khứ và cả tương lai. Các tòa nhà cũng thay đổi, con người cũng vậy.”
Nhà thờ Đức Bà, mặc dù bị cháy một phần, nhưng vẫn tồn tại. Và sau khi đánh thức trái tim người dân Pháp và thế giới, nhà thờ sẽ tiếp tục hiện diện.
Nhà sử học Sigaut phát biểu: “Kể từ khi Pháp là Pháp, trái tim của nàng ấy đã đập nơi Nhà thờ Đức Bà.”
Channaly Philipp là một biên tập viên cấp cao của The Epoch Times.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.
Do Channaly Philipp thực hiện
Phóng viên David Vives của Epoch Times tại Pháp đã đóng góp cho báo cáo này.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: