Nhà tài phiệt Hồng Kông Jimmy Lai bị từ chối bảo lãnh
Tòa án cao cấp nhất của Hồng Kông hôm thứ Ba (09/02) đã từ chối bảo lãnh tại ngoại cho ông trùm truyền thông đồng thời là nhà phê bình Bắc Kinh Jimmy Lai (Lê Trí Anh), nhân vật nổi tiếng nhất bị buộc tội theo luật an ninh quốc gia của thành phố này.
Ông Lai đã bị giam giữ kể từ ngày 03/12/2020, ngoại trừ thời điểm ông được bảo lãnh tại ngoại khoảng một tuần cuối năm ngoái (2020). Ông đã được một tòa án cấp dưới cho phép nộp bảo lãnh tại ngoại với 10 triệu HKD (1.3 triệu USD) hôm 23/12/2020 chỉ để Tòa thượng thẩm đưa ông trở lại giam giữ hôm 31/12/2020 cho một phiên xét xử khác sau khi chính quyền kháng cáo.
Việc đưa ông trở lại tình trạng bị giam giữ liên hệ đến một phần của Điều 42 của Luật An ninh Quốc gia, trong đó quy định rằng “bảo lãnh tại ngoại sẽ không được cấp cho một nghi phạm hoặc bị cáo trừ khi thẩm phán có đủ các cơ sở để tin rằng nghi phạm hoặc bị cáo sẽ không tiếp tục có những hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
Hôm thứ Ba (09/02), trong một phán quyết bằng văn bản, năm thẩm phán của Tòa thượng thẩm cho biết tòa án cấp dưới đã áp dụng “lập luận sai” và “diễn giải sai” Điều 42. Quyết định này đã được nhất trí thông qua.
Các thẩm phán cho biết nhóm của ông Lai có thể đưa ra một “đơn yêu cầu mới” xin được bảo lãnh tại ngoại, vì quyết định hôm thứ Ba có “tính chất hạn chế,” tập trung vào cách tòa án cấp dưới đưa ra quyết định hơn là vào việc liệu ông Lai có nên được bảo lãnh hay không.
Ông Lai, mặc một bộ đồ màu xám đậm và hãnh diện để kiểu tóc húi cua thương hiệu của mình, đứng trong khu vực dành cho bị cáo một cách thản nhiên khi các thẩm phán đọc quyết định của họ.
Bên ngoài tòa án, một số ít người biểu tình ủng hộ Trung Cộng đã hét lên qua một cái loa rằng “Bỏ tù chung thân Jimmy Lai… bảo vệ hòa bình của Hồng Kông.” Bên trong, những người ủng hộ ông Lai đã hô lớn “Cố gắng lên” và “Cố lên” (“Add oil”), một lời khích lệ được sử dụng thường xuyên ở Hồng Kông.
Ông Lai bị bắt hồi tháng 8 năm ngoái (2020), khi đó đã có khoảng 200 cảnh sát đột kích vào tòa soạn của tờ báo khổ nhỏ Apple Daily của ông.
Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia nhất loạt đối với thuộc địa cũ của Anh này kể từ tháng 6 năm ngoái (2020), sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài nhiều tháng. Luật này trừng phạt bất cứ điều gì mà Trung Cộng cho là lật đổ, ly khai, khủng bố, hoặc cấu kết với các thế lực nước ngoài với mức án tù có thể lên tới chung thân.
Các nhà phê bình nói rằng luật này nhằm dập tắt chính kiến bất đồng và nó làm xói mòn các quyền tự do ở thành phố bán tự trị do Trung Cộng cai trị này.
Các công tố viên đã buộc tội ông Lai vi phạm pháp luật vì những tuyên bố mà ông đưa ra vào ngày 30/07 và ngày 18/08 năm ngoái, trong đó họ cáo buộc ông yêu cầu nước ngoài can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông.
Ông Lai là một vị khách quen của Hoa Thịnh Đốn, người thường xuyên gặp gỡ các quan chức, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, để vận động ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông, khiến Bắc Kinh gán cho ông là “kẻ phản bội.”
Theo luật mới này, nghĩa vụ chứng minh thuộc về bị đơn–họ phải chứng minh rằng mình sẽ không trở thành một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nếu muốn được bảo lãnh tại ngoại. Theo hệ thống pháp luật dựa trên thông luật của Hồng Kông, thì nghĩa vụ đó theo truyền thống thuộc về cơ quan công tố–phải chứng minh rằng bị cáo có tội.
“Chúng tôi đã mất quyền được cho là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội,” ông Avery Ng, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đang trong phòng xử án, cũng là người mà bản thân phải đối mặt với các cáo buộc tụ tập bất hợp pháp liên quan đến các cuộc biểu tình lớn năm 2019, cho biết.
Năm ngoái, ông Lai đã từ chức chủ tịch của Next Digital-công ty xuất bản tờ Apple Daily, một tờ báo khổ nhỏ nổi tiếng được biết đến với những bài đưa tin chỉ trích Trung Quốc gay gắt.
Bản tin do James Pomfret (Reuters) thực hiện
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: