Nhà sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc không thể mua được thiết bị và công nghệ sản xuất vi mạch tiên tiến
Trong bối cảnh khan hiếm vi mạch trên toàn cầu, nhà sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc—nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ—vật lộn để mua được thiết bị và công nghệ sản xuất vi mạch tiên tiến, và để đáp ứng nhu cầu cao trên toàn cầu, công ty này đang nhanh chóng mở rộng dây chuyền sản xuất hiện có nhưng cắt giảm đầu tư và nhân sự cho R&D.
Hôm 03/09, Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) thông báo rằng ông Zhou Zixue, chủ tịch của công ty, đã từ chức với lý do sức khỏe cá nhân. Cùng ngày, SMIC cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Thượng Hải để mở rộng năng lực sản xuất.
Theo thông báo, ông Zhou Zixue sẽ tiếp tục giữ chức vụ giám đốc điều hành của công ty. Trong khi đó, giám đốc tài chính của SMIC Gao Yonggang đã đảm nhận thêm vai trò quyền chủ tịch. Theo hồ sơ của công ty, SMIC nhấn mạnh rằng ông Zhou không có bất đồng với công ty hoặc hội đồng quản trị của công ty và rằng các cổ đông của công ty không nên lo lắng.
Ông Zhou trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành của SMIC vào tháng 03/2015. Vào tháng 10/2017, ông Zhou đã chiêu mời được ông Liang Mong-song, cựu giám đốc R&D cấp cao của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), gia nhập SMIC. TSMC hiện là nhà sản xuất vi mạch tiên tiến và lớn nhất thế giới. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Zhou đã tiếp tục thúc đẩy SMIC chạy nước rút cho các quy trình sản xuất Mạch Tích hợp (IC) tiên tiến dưới 14nm.
Trong chế tạo chất bán dẫn, công nghệ [thiết kế] càng nhỏ, thì vi mạch càng tiên tiến. [Thường thì] kích thước theo công nghệ thiết kế (technology node) càng nhỏ, mật độ [mạch] bán dẫn (transistor density) càng cao và mức tiêu thụ điện năng của vi mạch càng thấp, dẫn đến hiệu suất cao hơn. Tuy nhiên, quy trình sản xuất nhỏ hơn đòi hỏi vật liệu và công nghệ sản xuất tiên tiến hơn và chi phí R&D và dây chuyền sản xuất lớn hơn.
Hiện tại, chỉ TSMC, Samsung, và Intel sở hữu quy trình sản xuất dưới 10 nanomet. Sau khi ông Zhou săn mời được ông Liang vào tháng 10/2017, SMIC đã công bố sản xuất vi mạch 14 nm qui mô lớn vào quý 4 năm 2019, trở thành công ty đầu tiên ở Trung Quốc sở hữu quy trình sản xuất IC 14 nm tiên tiến.
Danh sách đen của Hoa Kỳ giới hạn sự tiến bộ công nghệ của SMIC
Hôm 12/11/2020, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp (pdf) cấm tất cả các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty được chính phủ Hoa Kỳ xác định là “các công ty quân sự của Trung Quốc”. Hôm 03/12/2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đưa SMIC vào danh sách đen. Hành động này trực tiếp dẫn đến việc SMIC rút khỏi thị trường mua bán tự do (OTCQX) của Hoa Kỳ hôm 29/01 năm nay.
Hôm 18/12/2020, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa SMIC và một số công ty con của SMIC vào “Danh sách Thực thể” kiểm soát xuất cảng, hạn chế khả năng có được các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ. [Chính sách] hạn chế này yêu cầu các nhà xuất cảng Hoa Kỳ phải xin giấy phép bán sản phẩm cho SMIC. Khi nộp đơn xin giấy phép, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ áp dụng chính sách phê duyệt “từ chối giả định” để xem xét bất kỳ sản phẩm và công nghệ nào cần thiết để sản xuất các sản phẩm bán dẫn có kích thước (process node) dưới 10 nanomet.
Trong báo cáo tài chính quý 1 năm 2021 của SMIC, Giám đốc Tài chính Gao Yonggang của SMIC cho rằng SMIC được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng vào năm 2020 cho đến khi bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen. Do nguyên nhân này, công ty cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro khác trong nửa cuối năm 2021. Báo cáo cũng cho biết SMIC có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất trong nửa cuối năm 2021.
Trong báo cáo quý II năm 2021, ông Zhao Haijun và ông Liang Mengsong, đồng Giám đốc điều hành của SMIC, cũng thừa nhận rằng SMIC đã rơi vào tình cảnh khó khăn kể từ khi bị đưa vào Danh sách Thực thể của Hoa Kỳ vào năm ngoái. Họ nói thêm rằng SMIC có thể không chỉ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm đối với các công nghệ và thiết bị cao cấp. Tại hội nghị kết quả quý 3 năm 2020 của công ty, ông Zhao nói rằng hầu hết các loại thiết bị cần được nhập cảng từ Hoa Kỳ, bao gồm dây chuyền sản xuất các lát nền bán dẫn (wafer) 8 inch và 12 inch, các công nghệ [sản xuất vi mạch loại] node hoàn thiện (28 nanomet trở lên), và các công nghệ node tiên tiến (14 nanomet trở xuống).
Đối mặt với nhiều hạn chế và bất ổn khác nhau, SMIC đã mở rộng năng lực sản xuất vi mạch loại node hoàn thiện (28 nanomet trở lên) kể từ năm ngoái thay vì phát triển vi mạch loại node tiên tiến (14 nanomet trở xuống).
Mở rộng nhanh chóng bằng cách sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước
Hôm 03/09, SMIC thông báo rằng họ có kế hoạch hợp tác với các tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc để xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải, tập trung vào sản xuất mạch tích hợp (IC) với các quy trình [sản xuất vi mạch] loại node hoàn thiện (mature-node). Theo thông báo, hôm 02/09, SMIC đã ký thỏa thuận khung hợp tác với Ủy ban Hành chính Tiểu khu Mới Lingang của Thượng Hải. Dự án dây chuyền sản xuất tập trung vào các vi mạch loại node hoàn thiện từ 28 nanomet trở lên.
Vốn đăng ký dự kiến của liên doanh là 5.5 tỷ USD, trong đó SMIC dự kiến đóng góp không dưới 51% và Chính phủ Nhân dân Thành phố Thượng Hải dự kiến đóng góp không quá 25%.
Liên doanh này là lần thứ ba SMIC đầu tư vào dây chuyền sản xuất mạch tích hợp (IC) loại node hoàn thiện kể từ năm ngoái. Vào tháng Ba năm nay, SMIC thông báo rằng họ sẽ làm việc với Chính quyền Nhân dân Thành phố Thâm Quyến để xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch 12 inch ở Thâm Quyến với công suất sản xuất hàng tháng khoảng 40,000 vi mạch. Đầu tư của dự án theo kế hoạch là 2.35 tỷ USD.
Vào tháng 07/2020, SMIC đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Quản lý Khu vực Phát triển Công nghệ-Kinh tế Bắc Kinh (BDAC) để xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch 12 inch ở Bắc Kinh, một dây chuyền sản xuất mạch tích hợp (IC) loại node hoàn thiện khác. Giai đoạn đầu của dự án có vốn đầu tư theo kế hoạch là 7.6 tỷ USD, và mục tiêu là đạt được công suất sản xuất hàng tháng là 100,000 vi mạch trước khi chuyển sang giai đoạn hai.
Tăng số lượng đối thủ cạnh tranh mạnh hơn
Sự thiếu hụt vi mạch toàn cầu đã gia tăng kể từ nửa cuối năm 2020. Nhiều nhà sản xuất vi mạch đã bắt đầu mở rộng năng lực sản xuất mạch tích hợp loại node hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các nhà sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới như TSMC của Đài Loan và UMC (United Microelectronics Corp.) có lợi thế đáng kể so với SMIC do các cơ sở sản xuất và công nghệ đã được thiết lập sẵn của họ.
Để đối phó với tình trạng thiếu vi mạch ô tô trên toàn cầu, Bộ Kinh tế Đài Loan hôm 28/07 đã phê duyệt kế hoạch của TSMC nhằm mở rộng công suất [sản xuất loại vi mạch] 28 nanomet của nhà máy Nam Kinh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, TSMC không cần tăng vốn cho việc mở rộng này; họ sẽ chỉ sử dụng các nhà máy hiện có và các quy trình [sản xuất loại vi mạch] 28 nanomet đã được thiết lập để mở rộng sản xuất. Do đó, họ dự kiến sẽ phát hành sản phẩm của mình vào nửa cuối năm 2022 và đạt sản lượng hàng tháng là 40,000 vi mạch vào giữa năm 2023. Theo Yaxiang Integration, nhà thầu của dự án, công suất sản xuất mở rộng của nhà máy TSMC Nam Kinh sẽ được tăng từ 40,000 vi mạch lên 100,000 vi mạch mỗi tháng.
Hôm 28/04, UMC của Đài Loan cũng thông báo rằng họ sẽ hợp tác với khách hàng để mở rộng năng lực sản xuất vi mạch 28nm của nhà máy vi mạch 12 inch ở Đài Nam, Đài Loan, để đạt được công suất sản xuất hàng tháng là 27,500 sản phẩm.
Ngoài ra, SMIC cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối tác trong nước trên thị trường [vi mạch] loại node hoàn thiện. Vào giữa tháng Tám, Hua Hong Semiconductor cũng thông báo rằng họ sẽ tăng công suất của dây chuyền sản xuất [vi mạch] 12 inch tại nhà máy Wuxi từ 48,000 sản phẩm mỗi tháng lên 65,000 sản phẩm vào cuối năm nay.
Hậu quả tiềm tàng của việc ưu tiên lợi nhuận hơn là phát triển
Trong khi SMIC đang mở rộng năng lực sản xuất các vi mạch loại node hoàn thiện để tăng doanh thu, thì đầu tư cho R&D và nhân sự của họ đang bị thu hẹp.
Theo Báo cáo Tạm thời năm 2021 của SMIC được công bố hôm 07/09, trong nửa đầu năm 2021, đầu tư cho R&D của SMIC giảm 7.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng đầu tư vào R&D trên tổng doanh thu cũng giảm từ 17.6% năm ngoái xuống 12.2% năm nay.
Ngoài ra, số lượng nhân sự R&D của hãng cũng bị cắt giảm đáng kể. Trong nửa đầu năm 2020, SMIC có 2,419 nhân viên R&D, so với 1,785 trong nửa đầu năm 2021, giảm 634.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: