Nhà sản xuất vi mạch bán dẫn HiSilicon ngừng sản xuất và cắt giảm do các lệnh trừng phạt liên tiếp
Sau khi chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong hai năm rưỡi, Huawei đã chứng kiến nhà sản xuất vi mạch bán dẫn HiSilicon của mình cũng gặp căng thẳng — không chỉ việc sản xuất vi mạch bán dẫn cao cấp của nhà sản xuất này bị ngừng lại mà các lô hàng bộ xử lý ứng dụng di động (AP) của họ cũng đã thu hẹp lại.
Theo một báo cáo của Strategy Analytic hôm 23/12/2021, một tổ chức nghiên cứu thị trường, các lô hàng cho nhà sản xuất vi mạch bán dẫn HiSilicon của Huawei đã giảm 96% trong quý 3 năm 2021 sau khi công ty này không thể sản xuất vi mạch bán dẫn cao cấp sau các lệnh trừng phạt liên tiếp của Hoa Kỳ từ năm 2019 đến năm 2020.
Báo cáo này cho biết thị trường điện thoại thông minh AP toàn cầu đã tăng 17% lên 8.3 tỷ USD trong quý 3 năm 2021, với Qualcomm, Apple, MediaTek, Samsung LSI và Unisoc chiếm 5 thị phần cao nhất.
Nhà sản xuất vi mạch bán dẫn HiSilicon vào năm 2020 là khách hàng lớn thứ hai của TSMC (Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan) — xưởng đúc bán dẫn độc lập chuyên dụng lớn nhất thế giới— nhưng đã bị loại khỏi danh sách 10 khách hàng hàng đầu của TSMC vào năm 2021. Ngoài ra, IC Insights cho thấy HiSilicon đã bị loại khỏi 15 nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới vào năm 2021.
Vào tháng 05/2019, Hoa Kỳ đã đưa Huawei vào danh sách các công ty bị trừng phạt, ngăn chặn các công ty Hoa Kỳ cung cấp sản phẩm cho Huawei mà không được Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép. Do đó, Google đã ngừng hợp tác với Huawei, và Huawei đã bị từ chối quyền truy cập vào các bản cập nhật Android.
Hoa Kỳ cũng đã cấm Huawei nhập cảng các sản phẩm của Hoa Kỳ có hàm lượng công nghệ hơn 25%.
Tuy nhiên, hôm 23/05/2019 TSMC đã cho biết, các sản phẩm mà họ cung cấp cho Huawei đến từ công nghệ của Hoa Kỳ, nhưng không có đến 25% hàm lượng công nghệ nên họ sẽ tiếp tục cung cấp vi mạch bán dẫn cho Huawei.
Vào tháng 05/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra các quy định mới yêu cầu bất kỳ vi mạch bán dẫn nào được sản xuất bằng công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ trước tiên phải được Hoa Kỳ chấp thuận trước khi có thể bán cho Huawei.
Hầu hết các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn thế giới, bao gồm cả xưởng đúc hàng đầu của Trung Quốc SMIC và TSMC của Đài Loan, đều mua thiết bị từ các công ty Mỹ như Applied Materials, Lam Research, và KLA.
TSMC tiết lộ với công chúng hôm 16/07/2020 rằng họ đã ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei từ ngày 15/05 do ảnh hưởng của lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, đã viết hôm 28/09/2020: “Ý tưởng là để cho các nhà sản xuất ngoại quốc như TSMC và Samsung có sự lựa chọn,” lưu ý việc [cựu] Tổng thống Donald Trump hạn chế xuất cảng chất bán dẫn và thiết bị. “Để tiếp cận được các công cụ do Mỹ sản xuất dùng để chế tạo chất bán dẫn, các công ty đó cần phải đồng ý không bán cho Huawei”.
Vi mạch bán dẫn Kirin 9000 5 nanomet của Huawei được sản xuất bởi công ty ASML của Hà Lan, công ty sở hữu kỹ thuật in thạch bản cho phép sản xuất hàng loạt vi mạch bán dẫn cấp 5nm. Nhưng ASML, với các liên kết tài chính và kỹ thuật với Hoa Kỳ, bị hạn chế — và trên phạm vi mở rộng toàn bộ các công ty sử dụng máy in thạch bản của ASML cũng bị hạn chế — bởi lệnh cấm của Hoa Kỳ.
Ngoài những hạn chế về sản xuất vi mạch bán dẫn, bộ phận thiết kế vi mạch bán dẫn HiSilicon của Huawei cũng bị cắt giảm. Vì thiết kế vi mạch bán dẫn yêu cầu sử dụng các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), lĩnh vực này đã được thống trị bởi các công ty Hoa Kỳ như Synopsys, Cadence, Mentor Graphics, và Ansys, những công ty kiểm soát 90% thị trường toàn cầu cho các công cụ EDA.
Hoa Kỳ từ lâu đã cáo buộc Huawei tham gia vào hoạt động gián điệp, với các quan chức Hoa Kỳ cảnh báo vào đầu năm 2020 rằng thiết bị do Huawei sản xuất bí mật giữ quyền truy cập của Huawei vào các mạng di động trên toàn thế giới thông qua các cửa sau được thiết kế để cơ quan thực thi pháp luật sử dụng mà nhà mạng không hề hay biết.
Kể từ khi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các xưởng đúc phải chấm dứt sản xuất vi mạch bán dẫn cho Huawei vào tháng 9/2020, Huawei đã cạn kiệt vi mạch bán dẫn cao cấp.
Thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc, nơi Huawei đặt trụ sở, vào năm 2021 đã giảm từ vị trí số 1 xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các thành phố công nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, với doanh thu hàng năm giảm mạnh từ 130 tỷ nhân dân tệ (20.38 tỷ USD) xuống 69.7 tỷ nhân dân tệ ( 10.93 tỷ USD).
Bà Jenny Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2010. Bà đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền và quan hệ Mỹ – Trung. Bà đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và ngoại quốc.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: