Nhà sản xuất phim tiết lộ nội tình đằng sau cuộc thanh trừng các ngôi sao giải trí của Trung Cộng
Việc Bắc Kinh thanh trừng những người nổi tiếng trong ngành giải trí đã khiến các hãng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Weibo, cũng như các trang web truyền hình và điện ảnh lớn, gỡ bỏ nội dung liên quan của các nghệ sĩ bị trừng phạt.
Hôm 26/08/2021, các nhà chức trách đã đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc một danh sách được gọi là “nghệ sĩ đạo đức kém,” sau đó đã được lan truyền mạnh mẽ. Bài đăng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra và thanh tẩy các nghệ sĩ, bao gồm Hoắc Tôn, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Triệu Vy, và Phạm Băng Băng.
Nhà sản xuất phim Trung Quốc Thạch Vũ Ca (Shi Yuge, một người từng tham gia vào biểu tình dân chủ hiện sống ở Hoa Kỳ theo diện tị nạn chính trị) nói với The Epoch Times về các phe phái chính trị hỗn loạn đằng sau cuộc thanh trừng trong ngành giải trí này.
Một trò chơi hình ảnh của các thái tử đảng
Ông Thạch giải thích rằng sự việc bắt đầu khi cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân khuyến khích các ‘thái tử đảng’ Trung Cộng (princeling, tầng lớp con cháu của các quan chức thành lập Trung Cộng và cựu chiến binh Hồng Quân) tham gia vào ngành giải trí, mặc dù bị chỉ trích vì “các hành vi suy đồi đạo đức và làm các việc hoang dâm” vào thời điểm đó. Ông Giang tin rằng việc Trung Cộng kiểm soát ngành công nghiệp này là có lợi.
Ông Thạch cho hay kể từ đó trở đi, bất kỳ ai có nền tảng chính trị nhất định ở Bắc Kinh đều sở hữu một studio mà sau này sẽ trở thành một công ty giải trí. Sở hữu một công ty giải trí trở thành biểu tượng cho địa vị xã hội của một vị thái tử Đảng.
Ông Thạch nói: “Khi tôi ở Bắc Kinh [2013–2015], bạn bè của tôi đã bàn tán về số lượng studio do các sinh viên trong làng giải trí Bắc Kinh thành lập trong hai năm đó. Có khoảng 700 hoặc 800 studio, và một nửa trong số đó thuộc sở hữu của những thái tử đảng này.”
Ông Thạch cũng tiết lộ rằng các hãng phim như thế này thường dính líu vào hoạt động rửa tiền cho các thái tử đảng, những người nhận được nhiều lợi ích khác nhau cuối cùng phải được tẩy trắng thông qua các kênh khác nhau. Đó là “một sự đồng thuận trong giới này,” ông Thạch nói thêm.
Động cơ tối cao của cuộc đàn áp: Thịnh vượng chung
Ông Thạch tin rằng việc thần tượng người nổi tiếng thường được coi là điều kiêng kỵ đối với Trung Cộng. Ông nói, “Hành động hủy hoại danh tiếng của các ngôi sao là đang xóa bỏ đi tên tuổi và sự tồn tại của họ cũng như sẽ loại bỏ đi ảnh hưởng của họ. … [một hành động] khủng bố nhà nước”
Theo ông Thạch, việc này giống như sự tái diễn của Cách mạng Văn hóa (một phong trào chính trị xã hội ở Trung Quốc từ năm 1966 đến năm 1976). Ông nói, “Những người bị thanh trừng đều là các minh tinh, bao gồm các tỷ phú Pony Ma, Jack Ma, những minh tinh trong giới kinh doanh. Họ từng được thế hệ trẻ coi là thần tượng của những người khởi nghiệp, hình mẫu doanh nghiệp, và biểu tượng của sự giàu có. Họ là những người nổi tiếng với ánh hào quang.”
Ông tin rằng những gì đằng sau hàng loạt cuộc đàn áp trong giới kinh doanh và giải trí là một cái gì đó phức tạp hơn so với vẻ bề ngoài.
Phân tích về các cuộc đàn áp này, nhà bình luận Vương Hách (Wang He) cho rằng sự nổi tiếng của các ngôi sao đóng vai trò như một tế phẩm tuyệt vời cho hành động được tính toán trước của nhà cầm quyền — [để] thực hiện chính sách “thịnh vượng chung” của họ.
Trung Cộng đang sắp cạn túi tiền
Sự thịnh vượng chung gần đây đã được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi vì ông tin rằng có một sự chênh lệch giàu nghèo đe dọa đến cả nền kinh tế lẫn gọng kìm quyền lực của Trung Cộng.
Do đó, ngành kinh doanh giải trí hiện đã trở thành mục tiêu của chính sách thịnh vượng chung này.
Theo phân tích của ông Vương, cuộc đả kích nặng nề vào ngành công nghiệp này có vẻ chính nghĩa và chính đáng bởi vì, một mặt là đang trừng phạt những cáo buộc trốn thuế của các ngôi sao, nhưng mặt khác lại chuyển trọng tâm ra khỏi căng thẳng xã hội do sự suy giảm kinh tế ngày càng nghiêm trọng và đại dịch COVID-19.
Ông Vương nói: “Đầu tiên họ [Trung Cộng] gây ra xung đột nội bộ trong quần chúng bằng cách kích động lòng căm thù đối với người giàu, sau đó thu hoạch và phân phối của cải thông qua các chính sách quốc gia, trong quá trình này, tất cả các ngôi sao và doanh nhân đều sẽ bị đàn áp.”
Đối với chính sách quốc gia “thịnh vượng chung,” một nhà kinh tế Trung Quốc đã đưa ra lời giải thích này vào năm 1994: Phân phối thu nhập đạt được thông qua thị trường là “phân phối thứ nhất;” phân phối thông qua quy định của chính phủ là “phân phối thứ hai;” sự đóng góp tự nguyện của cá nhân — dưới ảnh hưởng của thói quen và đạo đức — phần dư ra hoặc phần lớn thu nhập là “phân phối thứ ba.”
Phân phối thứ ba là điều Trung Cộng nhắm vào trong chính sách mới nhất, theo cách diễn giải được các hãng thông tấn nhà nước của nhà cầm quyền này đưa tin.
Ông Thạch nói, “Trung Cộng thực sự quá thiếu tiền mặt … vì vậy họ kêu gọi thịnh vượng chung, thực tế chính là chính sách ‘đánh địa chủ cường hào để phân lại ruộng đất’ vốn được khai triển dưới thời Mao.”
Ông nói thêm, “Nhắm vào những người rất giàu có và có ảnh hưởng là một đặc điểm của các chế độ độc tài. Trong nhiều trường hợp, khi nhà cầm quyền không thể giải quyết một vấn đề nào đó từ gốc rễ, họ sẽ đuổi theo những người được cho là đã gây ra vấn đề. Khi những người này biến mất, người ta cho rằng vấn đề cũng sẽ biến mất. Đây là thói quen của Trung Cộng và là tình hình hiện tại ở Trung Quốc.”
Chang Chun và Li Yun
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: