Nhà phân tích: Trung Quốc thiếu điện do các chính sách hạn chế năng lượng của Bắc Kinh
Phần lớn Trung Quốc đang trong bối cảnh khủng hoảng cung cấp điện ngày càng gia tăng buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng và gây ra những gián đoạn lớn cho cuộc sống hàng ngày.
Trong khi các nhà chức trách vẫn giữ im lặng về nguyên nhân của sự thiếu hụt nguồn cung, các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng điện, đã ảnh hưởng đến hơn 10 tỉnh ở phía đông của Trung Quốc, là kết quả của việc nước này phụ thuộc vào than, lệnh cấm nhập cảng than của Úc và việc Bắc Kinh thắt chặt tiêu thụ năng lượng và tiêu chuẩn khí thải trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu.
Kể từ tháng 12 năm ngoái, các nhà máy ở các trung tâm công nghiệp của đất nước, bao gồm cả tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, đã phải đối mặt với lệnh của chính quyền địa phương ngừng sản xuất trong giờ cao điểm.
Nhưng tờ Global Times của Trung Cộng đưa tin, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong tuần qua, với ba tỉnh đông bắc bị cắt điện “bất ngờ và chưa từng có” hôm thứ Hai (27/09). Cát Lâm, Liêu Ninh, và Hắc Long Giang đã thực hiện phân chia điện năng kể từ hôm thứ Năm tuần trước (23/09).
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã hôm thứ Tư (29/09) đưa tin, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, một trung tâm công nghiệp và vận tải biển, gần đây đã yêu cầu các nhà máy đóng cửa tới 5 hoặc 6 ngày mỗi tuần để giảm mức sử dụng điện.
Việc mở rộng phân bổ điện năng và buộc phải cắt giảm đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung cho các công ty toàn cầu lớn như Apple và Tesla, cũng như các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Dakota Micro ở Bắc Dakota.
Hạn chế tiêu thụ năng lượng
Ông Su Tzu-yun, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính phủ Đài Loan tài trợ, nói lý do chính đằng sau những rắc rối về điện năng của Trung Quốc là các nhà chức trách đã “quá lạc quan” trong mục tiêu hạn chế tiêu thụ.
Đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm 13.5% tiêu thụ năng lượng quốc gia trên một đơn vị GDP so với năm 2020 và 18% lượng khí thải. Vào tháng Tám, 9 tỉnh đã nhận được “cảnh báo cấp độ đầu tiên” từ nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước, cảnh báo mức tiêu thụ gia tăng trong nửa đầu năm và những thách thức nghiêm trọng để đạt được mục tiêu của năm nay.
Ông Su nói, các mục tiêu năng lượng do chính quyền trung ương đưa ra là quá khắc nghiệt, khiến các quan chức địa phương phải “hy sinh” ngành công nghiệp và người dân để tránh bỏ lỡ mục tiêu của họ.
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Cộng, trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 26/09, đã chỉ trích một số chính quyền địa phương “đóng cửa các ngành công nghiệp tiêu thụ cao hoặc thậm chí cắt điện” để đáp ứng mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng.
Thiếu than
Ông Su nói, quyết định cấm nhập cảng than của Úc vào năm ngoái của Bắc Kinh cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng hiện nay. Chuyên gia này cho biết, lệnh cấm được đưa ra vì lý do ngoại giao đã “phản tác dụng” đối với Trung Quốc.
Sau khi Thủ tướng Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch vào tháng Tư năm ngoái, Trung Cộng đã san bằng một loạt các mức thuế và hạn chế thương mại đối với nước này, bao gồm lệnh cấm nhập cảng than vào tháng 12. Các quan chức phương Tây đã mô tả các hành động của Bắc Kinh là “hành động ép buộc kinh tế” nhằm đe dọa Canberra làm dịu lập trường của mình đối với Trung Cộng.
Khoảng 2/3 sản lượng điện của Trung Quốc là do đốt than. Ông Su lưu ý, trong khi hơn 90% nhiên liệu được khai thác trong nước, nguồn cung trong nước đã giảm trong bối cảnh việc kiểm tra chặt chẽ các mỏ than.
Trung Quốc kể từ đó đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn than từ ngoại quốc, nhưng việc nhập cảng đã không thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung.
Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ và nhiệt độ giảm đã đẩy giá hợp đồng tương lai than nhiệt ở Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 213 USD/tấn hôm thứ Tư (29/09), gây thêm áp lực lên các công ty điện lực không thể bù đắp chi phí nhiên liệu tăng thêm.
Các hạn chế đã được áp dụng đối với việc sử dụng điện tại gia đình ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc và hai tỉnh lân cận, nơi sinh sống của gần 100 triệu người. Một số cư dân ở tỉnh Liêu Ninh xác nhận với The Epoch Times rằng họ đã bị cắt điện không báo trước gần đây.
Hôm 26/09, quan chức cấp cao nhất của tỉnh cho biết rằng việc phân phối nguồn điện cho nhu cầu sử dụng công nghiệp, chiếm khoảng 70% lượng điện tiêu thụ của cả nước, vẫn không thể lấp đầy khoảng cách “lớn” giữa cung và cầu điện. Trong khi đó, tỉnh Cát Lâm lân cận tuyên bố sẽ cung cấp thêm than để sưởi ấm trong gia đình khi mùa đông đến gần.
‘Con tin’ của tình trạng cắt điện
Dakota Micro, một công ty có trụ sở tại Bắc Dakota chuyên sản xuất các hệ thống camera và thiết bị giám sát siêu bền cho nông nghiệp, nằm trong số nhiều doanh nghiệp ngoại quốc đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn sản xuất khi các nhà cung cấp Trung Quốc của họ phải đối mặt với việc bị cắt điện.
Nhà sản xuất Trung Quốc của công ty này nói với Dakota Micro rằng các nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo về việc cắt điện, nhưng không cung cấp thời gian cụ thể. Sự không chắc chắn này đã đẩy Dakota Micro phải tăng gấp đôi số lượng đơn đặt hàng để đảm bảo có đủ hàng tồn kho trong tay.
Bà Charissa Rubey, Giám đốc điều hành của công ty, nói với NTD, một chi nhánh của The Epoch Times: “Đó là một con dao hai lưỡi vì để có nhiều… tiền của công ty [chúng tôi] bị ngâm trong hàng tồn kho là một canh bạc lớn. Nhưng tăng tồn kho đáng giá đối với chúng tôi vì giờ đây chúng tôi đang trở thành một trong những công ty duy nhất thực sự có trong tay một số hàng tồn kho đó.”
Bà Rubey nói và cho biết thêm, “Thật là điên rồ,” công ty chưa bao giờ nghe các nhà cung cấp gặp vấn đề như vậy trước đây.
Bà Rubey hy vọng bà có thể tìm thấy các nhà sản xuất ở các quốc gia khác nếu tình trạng mất điện tiếp tục. Sản phẩm chính mà họ đặt hàng từ Trung Quốc là tấm nền màn hình tinh thể lỏng (LCD), trong đó các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng tốc sản xuất hàng loạt trong những năm gần đây.
Với sự đóng góp của Do Luo Ya, Cathy He, và Reuters
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: