Nhà phân tích: Tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc ‘là tương lai’
Theo một chuyên gia, giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ phải làm việc với khu vực tư nhân để tách rời việc phát triển công nghệ quan trọng khỏi Trung Quốc đại lục.
Ông Arthur Herman, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “Forbidden News” của EpochTV: “Một trong những lỗ hổng chính mà chúng tôi ngày càng nhận thấy rõ hơn là mức độ mà các công ty Wall Street, các ngân hàng Mỹ và các công ty đầu tư tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường tuyệt vời hoặc là cơ hội đầu tư tuyệt vời.”
“Tách khỏi Trung Quốc là tương lai và chúng ta cần thiết lập các mốc thời gian mà điều đó có thể được hoàn thành. Chúng ta cần giải thích điều đó cho cả những công ty tư nhân như Apple, chẳng hạn, và cả với Wall Street.”
Các nhà lập pháp và chiến lược gia diều hâu ngày càng kêu gọi tách khỏi Trung Quốc cộng sản, trong đó lợi ích kinh tế và nghiên cứu của Mỹ sẽ bị cắt đứt hoàn toàn khỏi quốc gia này. Họ nói rằng hành động như vậy là cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng các nghiên cứu và tài chính của Mỹ để thúc đẩy việc tiếp tục xuất cảng chủ nghĩa độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, để đạt được sự tách biệt đó sẽ đòi hỏi dỡ bỏ rất nhiều mối quan hệ đan xen đối với các chuỗi cung ứng của Mỹ, và ông Herman tin rằng giới lãnh đạo chính trị nên bắt đầu làm việc ngay lập tức với khu vực tư nhân để biến điều đó thành hiện thực.
Ông Herman hỏi: “Làm thế nào để chúng ta tránh xa sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng, các cơ sở sản xuất, và đầu tư vào ngành công nghiệp và các công ty Mỹ? Làm thế nào để chúng ta rút lui bản thân khỏi những loại kết nối đó, để xây dựng kho vũ khí công nghệ cao hiện đại của mình, sao cho vừa an toàn, lại vừa bảo mật và đáng tin cậy trong tay chúng ta?”
Với suy nghĩ đó, các tập đoàn công nghệ và công ty đầu tư lớn của Mỹ đã tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc, dẫu nhà cầm quyền này sử dụng lao động cưỡng bức và có chính sách quản lý dữ liệu cá nhân cho các mục đích quân sự.
Tuy nhiên, ông Herman tin rằng các tập đoàn Mỹ cuối cùng sẽ hoạt động vì lợi ích của Mỹ nếu giới lãnh đạo chính trị làm việc để giải thích mức độ nghiêm trọng của tình hình đối với họ.
Ông Herman nói về đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc: “Họ đã làm điều đó bởi vì không ai nói rằng ‘đừng làm điều đó.’ Vì vậy, những gì chúng ta cần làm là thay đổi cuộc đối thoại đó thành một cuộc đối thoại mà trong đó Hoa Thịnh Đốn đứng lên vì lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta và vì lợi ích quốc gia của chúng ta, đồng thời vì sự tăng trưởng của nền kinh tế và củng cố quốc phòng của chúng ta.”
“Sau đó, tôi nghĩ, các công ty và giám đốc điều hành sẽ thức tỉnh và nhận ra rằng họ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kho vũ khí tương lai của các nền dân chủ và trong việc thúc đẩy công nghệ cao để nó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.”
Công nghệ lượng tử
“Kho vũ khí của các nền dân chủ” mới đó, một cách chơi chữ của cụm từ có nguồn gốc từ sự thống trị công nghiệp trong Đệ nhị Thế chiến của Mỹ (năm 1940, cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt trong một bài diễn văn đã nói về cụm từ này. Khi đó Hoa Kỳ hứa giúp Anh chống lại Đức Quốc Xã bằng cách cung cấp vũ khí nhưng không tham chiến). Cách nói này ám chỉ niềm tin của ông Herman rằng Hoa Kỳ cần dẫn đầu thế giới phương Tây trong việc trở thành nhà sáng tạo ưu việt của công nghệ thế hệ tiếp theo trên toàn cầu, chẳng hạn như thiết bị tính toán lượng tử.
Người ta tin rằng liên lạc bằng lượng tử, sử dụng cơ học lượng tử để cho phép truyền không dây an toàn qua không gian dường như là không giới hạn, sẽ định hình lại bản chất của bảo mật viễn thông.
Bất cứ ai hướng dẫn sự xuất hiện của một công nghệ như vậy, cũng có thể sẽ định hướng hình dạng tương lai của trật tự quốc tế.
Ông Herman nói, “Trong lĩnh vực điện toán lượng tử, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu, tôi thậm chí có thể nói một sự dẫn đầu thoải mái vì chúng ta có các công ty lớn như IBM, Microsoft, Intel và Google, đang theo đuổi con đường phát triển công nghệ lượng tử. Và, mặc dù người Trung Quốc đang chạy nước rút rất nhanh để bắt kịp, nhưng hiện tại họ không có kiểu phổ biến sáng kiến và bí quyết tư nhân mà Hoa Kỳ có thể tận hưởng trong lĩnh vực đó.”
“Tuy nhiên, trong lĩnh vực liên lạc lượng tử, tôi phải nói rằng Hoa Kỳ đi sau và Trung Quốc đã hiểu được ý nghĩa chiến lược cũng như tầm quan trọng về công nghệ của việc có các mạng lưới không thể thâm nhập tức thời như một cách để bảo vệ dữ liệu và mạng.
Ông Herman lưu ý rằng Trung Quốc đã phóng vệ tinh liên lạc lượng tử đầu tiên trên thế giới vào năm 2016 và nỗ lực giành ưu thế trong lĩnh vực đó gắn trực tiếp với tham vọng bá chủ toàn cầu.
Các quan hệ đối tác tiếp tục
Tuy nhiên, có một vấn đề sâu hơn khởi tác dụng, khiến ông Herman và những người khác thúc đẩy việc tách rời khỏi ĐCSTQ. Đó là thực tế rằng các công ty Mỹ đang hỗ trợ mạnh mẽ cho ĐCSTQ thông qua công việc của họ ở Trung Quốc đại lục.
Điều này là do luật an ninh của Trung Quốc quy định rằng bất kỳ dữ liệu nào được thu thập hoặc lưu trữ trong biên giới của họ phải được cung cấp cho chính quyền Trung Quốc nếu nó được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Hơn nữa, chính sách lưỡng dụng của nhà cầm quyền này, trong đó mọi công nghệ dân sự được kỳ vọng cũng sẽ phục vụ cho một chức năng quân sự, có nghĩa là ngay cả những công nghệ thô sơ nhất được tạo ra ở đó cũng có thể bất ngờ đóng một vai trò quân sự.
Một ví dụ về điều này là màn hình cảm ứng do Google phát triển, sau đó được đề nghị sử dụng để cải thiện màn hình nhắm bắn của chiến đấu cơ Trung Quốc.
Ông Herman nói, “Những gì chúng tôi thấy là kết quả đáng tiếc của tâm lý [doanh nghiệp] đó là nhiều công ty công nghệ tốt nhất và sáng giá nhất của chúng ta đã rất sẵn lòng làm việc với Trung Quốc về những công nghệ này.”
“Chúng tôi đã thấy [các công ty] cũng làm việc với [Trung Quốc] về công nghệ, khoa học và các dự án nghiên cứu và phát triển, theo những cách không tính đến mức độ mà Trung Quốc muốn đạt được với những công nghệ này. Và điều mà bản thân Hoa Kỳ và các công ty này muốn đạt được là hai điều hoàn toàn khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.”
Do đó, ông Herman cho rằng giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ cần thúc đẩy sự thay đổi nhận thức trong giai tầng doanh nhân Hoa Kỳ, và khuyến khích sự hiểu biết chủ động về an ninh quốc gia trong việc phát triển sản phẩm.
Ông Herman nói, “Nguyên tắc căn bản là bất cứ điều gì quý vị làm, bất cứ điều gì quý vị tạo ra, bất cứ điều gì quý vị phát triển với tư cách là một công ty thương mại, đều trở thành tài sản của cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc.”
“Không có sự lựa chọn nào với tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc. Những gì quý vị làm với tư cách là một công ty thương mại tự động trở thành tài sản và công nghệ mà quân đội và dịch vụ tình báo có thể sử dụng khi họ không thấy quý vị phù hợp với họ.”
Do đó, ông Herman nói, nếu Hoa Kỳ muốn thành công trong việc phát triển kho vũ khí dân chủ của thế kỷ 21 và dẫn đầu phương Tây trong việc phát triển các công nghệ tân tiến, thì Hoa Kỳ sẽ phải khai thác hiệu quả khu vực tư nhân và tích hợp nó với các ưu tiên an ninh quốc gia.
Theo đó, ông Herman hy vọng, một trật tự quốc tế tự do và công bằng hơn có thể được bảo đảm.
“Kho vũ khí của các nền dân chủ cho thế kỷ 21, theo tôi, có thể coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt, không chỉ trong lịch sử Hoa Kỳ, mà còn trong lịch sử của nền tự do và cuộc đấu tranh bất tận chống lại chế độ chuyên chế và toàn trị của Hoa Kỳ.”
Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, tập trung vào các vấn đề quốc phòng, quân sự và an ninh quốc gia. Ông có bằng thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Ông Gary Bai là một phóng viên tự do hiện có trụ sở tại New York, đưa tin về Trung Quốc cho The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: