Nhà phân tích pháp lý: Ông Trump có quyền giữ các hồ sơ tổng thống trong vụ án hình sự liên bang
Theo nhà phân tích pháp lý Mike Davis, cựu Tổng thống Donald Trump có quyền giữ các hồ sơ từ thời còn làm tổng thống mặc dù các công tố viên liên bang cho rằng hành động này tạo thành việc cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng.
Ông Davis — người từng là cố vấn pháp lý cho Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa), với tư cách là lục sự cho thẩm phán liên bang và hiện là người đứng đầu dự án Article III Project — cho biết bản cáo trạng liên bang gồm 37 cáo buộc truy tố ông Trump có thiếu sót về mặt pháp lý khi mâu thuẫn với những án lệ trước đó về hồ sơ tổng thống.
Ông Davis cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư (14/06) với “Capital Report” của NTD, “Các cựu tổng thống được phép sở hữu các hồ sơ tổng thống của họ khi họ rời nhiệm sở, cho dù những hồ sơ đó có phải là mật hay không, và điều đó nằm trong Đạo luật Hồ sơ Tổng thống. Và đó là lý do tại sao Quốc hội cung cấp cho các cựu tổng thống khu vực văn phòng an toàn, nhân viên được liên bang tài trợ, và sự bảo vệ của Cơ quan Mật vụ trong văn phòng được bảo vệ nghiêm ngặt của cựu tổng thống.”
Ông Davis cho rằng Bộ Tư pháp của Tổng thống Joe Biden, Tổng Chưởng lý Merrick Garland, và Biện lý Đặc biệt Jack Smith đã bỏ qua cách diễn đạt này và án lệ mà lẽ ra phải liên quan đến Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (PRA) thì lại buộc tội ông vi phạm Đạo luật Gián điệp.
Bản cáo trạng gồm 37 cáo buộc (pdf) truy tố ông Trump có 31 cáo buộc cố ý lưu giữ thông tin mật, theo đó vi phạm Đạo luật Gián điệp.
Ông Davis khẳng định: “Họ không thể buộc tội gián điệp đối với thứ mà một cựu tổng thống được phép sở hữu theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Ông Davis cho biết bản cáo trạng này không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump tìm cách gây tổn hại cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ với các tài liệu mà các công tố viên liên bang tìm thấy.
Ông Davis nói, “Không có bằng chứng nào cho thấy ông ấy đã cố gắng gây tổn hại nước Mỹ bằng [những hồ sơ này], hơn nữa ông ấy được phép sở hữu những tài liệu đó theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, vậy làm sao quý vị có thể buộc tội một tổng thống vì đã giữ lại hồ sơ tổng thống của mình theo Đạo luật Gián điệp và cố tống ông ấy vào tù đến mãn đời?”
Tiêu chuẩn ngăn kéo đựng vớ
PRA thiết lập một hệ thống theo đó một tổng thống phải phân loại các hồ sơ từ thời ông còn tại chức là hồ sơ tổng thống hay hồ sơ cá nhân.
Kể từ khi có bản cáo trạng này, ông Trump và một số người ủng hộ ông đã khẳng định rằng các phiên tòa trước đây đã chứng minh rằng một tổng thống có “thẩm quyền không hạn chế để đưa ra quyết định liên quan đến việc quản lý tài liệu” và “cả [Cơ quan Lưu trữ NARA] và Quốc hội đều không có thẩm quyền bác bỏ một đánh giá của tổng thống.”
Ông Trump cũng đã nêu ra một vụ kiện hồi năm 2012, trong đó tổ chức Judicial Watch đã tìm cách buộc NARA phải thu thập và sau đó tiết lộ các bản ghi âm mà cựu Tổng thống Bill Clinton đã giữ lại từ thời ông còn đương nhiệm. Ông Clinton được cho là đã giữ hàng chục cuộn băng này trong ngăn kéo đựng tất của mình. Thẩm phán Amy Berman Jackson, người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, đã ra phán quyết ủng hộ việc cho phép ông Clinton giữ lại các đoạn ghi âm trong một phán quyết năm 2012 (pdf).
“Thẩm phán được ông Obama bổ nhiệm này phán quyết rằng cựu Tổng thống Clinton có thể sở hữu các cuộn băng tuyệt mật được ghi âm trong tám năm nhiệm kỳ tổng thống của ông, kể cả các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo ngoại quốc — rõ ràng là tuyệt mật — trong ngăn kéo của ông,” ông Davis nói. “Đã không có cuộc đột kích nào. Đã không có vụ truy tố nào.”
Động cơ chính trị đằng sau các cáo buộc
Ông Davis, giống như ông Trump và một số chính trị gia Đảng Cộng Hòa khác, đã mô tả sự kiện chính phủ ông Biden quyết định truy tố ông Trump về việc ông lưu giữ các tài liệu là có động cơ chính trị.
Ông Davis nói: “Đây là một đòn chính trị phi lý của ông Biden nhằm truy đuổi ông Trump vì họ sợ rằng ông sẽ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.”
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với “Capitol Report,” Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) cho biết, “Tôi nghĩ mọi người đều đồng ý rằng vụ án này là khác hẳn và có động cơ chính trị.”
Ông Biggs lưu ý rằng các quan chức chính trị khác chưa bị liên bang buộc tội mặc dù vẫn giữ các tài liệu mật, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và chính ông Biden.
Ông Biden đã phủ nhận có bất kỳ sự liên quan nào đến quyết định truy tố ông Trump — đối thủ cũ của ông trong cuộc bầu cử năm 2020 và đang dẫn đầu cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 của Đảng Cộng Hòa.
Ông Garland cũng bảo vệ việc ông Smith quyết định buộc tội ông Trump hôm thứ Tư, nói rằng công tố viên này “đã tập hợp một nhóm gồm các công tố viên và đặc vụ có kinh nghiệm và tài năng, những người đã cùng ông Garland cam kết về sự liêm chính và pháp quyền.”
Mối nguy hại của các hành vi phạm tội vì can thiệp vào các thủ tục và thực thi công lý
Giống như ông Davis, cựu Trợ lý Biện lý Hoa Kỳ John O’Connor, đã bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi pháp lý của các cáo buộc truy tố ông Trump theo Đạo luật Gián điệp.
“Ngay cả với Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, tổng thống vẫn có một khoảng thời gian không xác định để bàn giao những tài liệu,” ông O’Connor nói. “Vì vậy, việc một cựu tổng thống chỉ sở hữu các tài liệu mật không phải là bất hợp pháp, không nên bị xem là bất hợp pháp. Và vì vậy, đúng, đó là một căn cứ rất kém thuyết phục để nói rằng việc ông sở hữu các tài liệu mật có bất cứ điều gì sai trái. Tôi không nghĩ như vậy.”
Tuy nhiên, ông O’Connor đã bày tỏ lo ngại rằng hành vi được cho là của ông Trump khi đối mặt với một trát yêu cầu bàn giao các tài liệu của ông có thể mang lại mối nguy pháp lý thực sự cho cựu tổng thống này. Ngoài 31 cáo buộc cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng vi phạm Đạo luật Gián điệp, ông Trump còn bị buộc tội giữ lại tài liệu hoặc hồ sơ, che giấu tài liệu hoặc hồ sơ “một cách sai trái,” che giấu một tài liệu trong một cuộc điều tra liên bang, âm mưu cản trở công lý, âm mưu che giấu tài liệu, và khai man.
Bản cáo trạng liên bang cáo buộc rằng vào tháng Năm năm ngoái (2022), các quan chức liên bang đã ban hành một trát đòi hầu tòa yêu cầu ông Trump giao nộp các tài liệu mà ông sở hữu có đánh dấu mật. Theo các cáo buộc, ông Trump đã thảo luận với các luật sư của mình về việc ông không muốn bất kỳ ai xem xét hồ sơ của ông. Ông Trump bị cáo buộc đã hỏi các luật sư của mình rằng liệu sẽ tốt hơn nếu họ đơn giản là phủ nhận việc sở hữu các tài liệu được yêu cầu và đề cập đến việc các đại diện của bà Hillary Clinton đã xóa hàng ngàn thư điện tử từ một máy chủ riêng do bà điều hành sau khi bà nhận được trát yêu cầu cung cấp nội dung trong chiếc máy chủ đó hay không.
Bản cáo trạng này còn nêu rõ rằng vào ngày 23/05/2022, một luật sư nói với ông Trump rằng ông sẽ đến để xem xét các tài liệu mà ông Trump sở hữu vào ngày 02/06/2022. Từ hôm 23/05 đến hôm 02/06, ông Trump bị cáo buộc đã chỉ thị đồng bị đơn Waltine Nauta di chuyển 64 thùng ra khỏi một phòng lưu trữ tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump. Ông Trump bị cáo buộc đã gọi điện lại với ông Nauta hôm 02/06 và sau đó ông Nauta đã chuyển 30 thùng tài liệu trở lại phòng lưu trữ này, nơi luật sư của ông Trump sau đó đã xem xét. Một trong những luật sư của ông Trump đã tiết lộ phòng lưu trữ này là nơi chứa các tài liệu của ông Trump, mặc dù ông Trump đặt các thùng tài liệu khác ở chỗ khác trong dinh thự của mình.
Ông O’Connor cho biết ông Trump lẽ ra đã có thể thách thức trát đòi tài liệu này một cách hợp pháp, “nhưng quý vị hoàn toàn không được khai man với chính phủ, quý vị không thể đệ trình hoặc yêu cầu người khác đệ trình một tuyên bố gian dối. Vì vậy, tôi phải nói rằng, mặc dù đây là các hành vi phạm tội vì can thiệp vào các thủ tục và thực thi công lý (process crimes) nhưng lại là những hành vi phạm tội quan trọng.
Cơ hội của ông Trump với bồi thẩm đoàn
Ông Davis lập luận rằng các công tố viên sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục các bồi thẩm viên kết tội ông Trump trong vụ án tài liệu này, hầu như là do họ không thể chứng minh rằng ông ấy tìm cách gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
Ông Biggs đã nêu ra một quan điểm khác. Ông cho biết các cáo buộc diễn ra nhiều năm đối với ông Trump vốn là cơ sở cho các cuộc điều tra trước đây, một vụ truy tố hình sự khác, và hai thủ tục đàn hặc khiến cơ hội được xét xử công bằng của ông Trump đã trở nên phức tạp.
Ông Biggs nói: “Tôi nghĩ rằng cánh tả đã thực sự đã làm được việc là bao phủ bầu không khí ngờ vực lên nhóm người có khả năng được chọn vào bồi thẩm đoàn và đó là một trong những lý do khiến vụ án này, theo ý kiến của tôi, thực sự hết sức bất công.”
Ông Biggs cũng cho biết việc ông Trump phải đối mặt với 37 cáo buộc khác nhau, vậy nên có nhiều cơ hội để tuyên bố ông Trump phạm ít nhất một tội danh.
Ông O’Connor cũng cho biết ông Trump có thể bị kết án về ít nhất một số cáo buộc. Tuy nhiên, ông nêu ra rằng thẩm phán phụ trách vụ án này, Thẩm phán Aileen Cannon, có thể đồng ý khoan hồng cho cựu tổng thống.