Nhà phân tích chính sách ngoại giao: Nếu dự án Tesla Trung Quốc của Elon Musk thành công, thì ‘ông ấy sẽ là ngoại lệ’
Cổ phiếu Tesla đã tăng vọt sau khi có thông tin cho rằng chính quyền Trung Quốc đã chấp thuận sơ bộ việc sử dụng công nghệ phần mềm tự lái cho xe Tesla trên toàn quốc.
Chính quyền Trung Quốc dường như đã quyết định phê chuẩn phần mềm tự lái hoàn toàn (Full Self-Driving, FSD) cho xe điện Tesla, nhưng quyết định này có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích như CEO Tesla kiêm doanh nhân tỷ phú Elon Musk mong đợi.
Ông Musk đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tuần qua, và cổ phiếu Tesla đã tăng vọt hôm thứ Hai (29/04) sau khi có thông tin cho rằng chính quyền Trung Quốc đã chấp thuận sơ bộ việc khai triển công nghệ FSD cho xe Tesla trên cả nước.
Bất chấp tin tức này, Tiến sĩ Gabriel Scheinmann không cho rằng việc chấp thuận FSD sẽ cải thiện được triển vọng dài hạn cho Tesla.
Ông Scheinmann là một nhà phân tích chính sách ngoại giao và giám đốc điều hành của Hiệp hội Alexander Hamilton (AHS). Ông phỏng đoán rằng ông Musk có thể xem việc công nghệ FSD được chấp thuận ở Trung Quốc là một bước tiến “quan trọng” sau khi Tesla thông báo doanh số bán hàng sụt giảm và thu nhập không đạt được như dự kiến trước đó trong tháng này.
Tuy nhiên khi chia sẻ trên chương trình “Trung Quốc Tiêu Điểm” (China in Focus) của NTD, ông Scheinmann nói rằng các công ty Mỹ khác từng hy vọng gặt hái được thành công tại thị trường Trung Quốc đã mạo hiểm mất tài sản trí tuệ và quyền tự chủ của công ty mà không nhận được nhiều lợi ích để biện minh cho sự đánh đổi đó.
Nhà phân tích chính sách ngoại giao này cho biết: “Nếu ông Musk thành công, thì ông ấy sẽ là ngoại lệ đối với rất nhiều điều chúng ta đã từng chứng kiến trước đây.”
Ông Scheinmann cho biết Trung Quốc thường thu hút các công ty Mỹ thông qua cơ hội giảm chi phí sản xuất và bán sản phẩm ở một thị trường lớn hơn thường thấy ở quê nhà.
“Lần nào cũng vậy, điều mà chúng tôi phát hiện ra là những công ty này — và bây giờ tôi nghĩ rằng chúng ta có ngày càng nhiều ví dụ minh chứng về các công ty như vậy và những nỗ lực trong quá khứ của họ — về căn bản, các công ty này cho biết rằng họ đã bị lợi dụng, rằng trên thực tế họ đã đánh mất bản chất độc quyền về công nghệ của mình, và đặc biệt là họ bị ép phải thực hiện một số thỏa hiệp và quyết định kinh doanh nhất định làm hạn chế lợi nhuận của chính họ theo những cách mà họ sẽ không bao giờ phải tiến hành ở Hoa Kỳ, hoặc ở các nền dân chủ phương Tây khác,” ông Scheinmann nói.
Cổ phiếu của Tesla đã tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều thứ Hai (29/04), kết thúc ngày với mức giá tăng hơn 15% — mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 02/2020. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Tesla đã giảm 22%.
Các vấn đề của Tesla ‘đan xen’ với những lo ngại khác về chính sách
Ông Scheinmann lưu ý rằng những nỗ lực của ông Musk nhằm giữ Tesla trong danh sách ưu ái của các cơ quan quản lý Trung Quốc có thể tạo ra một bức tranh phức tạp cho nhiều dự án kinh doanh khác của doanh nhân tỷ phú này. Ông Scheinmann cũng lưu ý về sự phản đối gần đây của ông Musk đối với đạo luật buộc công ty mẹ Trung Quốc Bytedance phải thoái vốn khỏi ứng dụng mạng xã hội TikTok.
Đồng quan điểm với những lo ngại do Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) nêu lên, ông Musk lập luận trong một bài đăng ngày 12/03 trên nền tảng truyền thông xã hội X của mình rằng luật yêu cầu thoái vốn khỏi TikTok không chỉ là về việc quản lý một nền tảng mà nói rộng ra còn xoay quanh sự kiểm duyệt và kiểm soát của chính phủ Hoa Kỳ.
Một số người chỉ trích luật này đã bày tỏ lo ngại về cách thức luật này xác định thời điểm một ứng dụng truyền thông xã hội có thể được xem là “bị địch thủ ngoại quốc kiểm soát” và buộc phải thoái vốn khỏi quyền sở hữu hiện tại của địch thủ đó.
Luật quy định rõ rằng một ứng dụng có thể bị buộc phải thoái vốn khỏi chủ sở hữu nếu ứng dụng đó có trụ sở, trụ sở chính, hoặc được tổ chức theo luật trong nước của Trung Quốc, Nga, Iran, hoặc Bắc Hàn — hoặc nếu một công ty trong đó một cá nhân, tổ chức hoặc một nhóm các cá nhân hoặc tổ chức thuộc các quốc gia kể trên có tổng tỷ lệ sở hữu từ 20% trở lên trong ứng dụng đó.
Tuy nhiên, luật cũng quy định rằng một ứng dụng có thể bị buộc phải thoái vốn khỏi chủ sở hữu nếu được xem là “nghe theo sự chỉ huy hoặc kiểm soát của một cá nhân hoặc tổ chức ngoại quốc.” Một số nhà phân tích pháp lý xem đây là một tiêu chuẩn ít rõ ràng hơn.
Trong một cuộc trao đổi vào tháng 11/2022, Tổng thống Joe Biden đã nhận xét rằng thương vụ mua lại Twitter của ông Musk là “đáng bị xem xét”, sau khi được một phóng viên hỏi rằng liệu mối quan hệ hợp tác của ông Musk với các chủ doanh nghiệp ngoại quốc để thực hiện thương vụ mua lại này có làm gia tăng bất kỳ lo ngại nào về an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ hay không.
Trong khi ông Musk có thể có những lo ngại về tác động của đạo luật yêu cầu thoái vốn khỏi TikTok đối với quyền tự do ngôn luận và sự tiếp tục hoạt động của X, thì ông Scheinmann cho biết chủ nhân của Tesla và X có thể có những động cơ phức tạp hơn.
Trước khi mua lại Twitter, ông Musk đã chỉ trích sự kiểm duyệt nội dung của nền tảng này đồng thời bày tỏ rằng nỗ lực giành quyền kiểm soát Twitter của ông là một chiến thắng về tự do ngôn luận. Tuy nhiên, ông Scheinmann cho rằng ông Musk có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ một nền tảng truyền thông xã hội đối thủ, nếu X là hoạt động kinh doanh duy nhất mà ông đang cân nhắc.
Ông Scheinmann nói, “luật này có thể thực sự đi ngược lại lợi ích kinh doanh của chính ông ấy nếu như X hoặc Twitter phải thoái vốn, nhưng tôi e rằng bởi vì các doanh nghiệp có liên quan với nhau, nên nếu như ông ấy ủng hộ dự luật này, thì điều đó có thể gây ra một hậu quả tiêu cực cho hoạt động kinh doanh của ông tại Tesla.”
Ông Scheinmann lưu ý đến các dự án kinh doanh khác của ông Musk như là SpaceX, công ty có các hợp đồng với chính phủ và quân đội Hoa Kỳ, đồng thời dự đoán ông Musk có thể sẽ ngày càng phải cân nhắc nhiều hơn về những hoạt động kinh doanh cùng nguyên tắc nào mà ông sẽ ủng hộ và những hoạt động kinh doanh cùng nguyên tắc nào mà ông sẽ thỏa hiệp.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ một phần của vấn đề mà chúng ta gặp phải ở đây là rất nhiều thứ trong những yếu tố này là đan xen với nhau.”
Vấn đề BYD của Tesla
Một thách thức khác mà ông Musk và Tesla có thể phải đối mặt là sự trỗi dậy của các đối thủ Trung Quốc có giá cả cạnh tranh. Ông Musk và các nhà sản xuất xe điện khác của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự phản đối trước ý tưởng về việc các sản phẩm thay thế của Trung Quốc sẽ trở nên sẵn có trong thị trường Hoa Kỳ.
“Quan sát chung của chúng tôi là các công ty xe hơi Trung Quốc là những công ty xe hơi cạnh tranh nhất trên thế giới, vì vậy tôi nghĩ họ sẽ đạt được thành công đáng kể bên ngoài Trung Quốc, tùy thuộc vào loại thuế quan hoặc rào cản thương mại nào được thiết lập,” ông Musk nói trong cuộc họp công bố lợi nhuận hồi tháng Một của Tesla. “Thành thật mà nói, tôi nghĩ nếu không có rào cản thương mại nào được thiết lập, thì họ sẽ phá hủy hầu hết các công ty xe hơi khác trên thế giới, vì họ hết sức ưu tú.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng Hai, ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của Stellantis NV — một công ty con của Chrysler — cho biết việc xe điện Trung Quốc giá rẻ thâm nhập thị trường quốc tế kết hợp với nỗ lực loại bỏ dần dần các loại xe động cơ đốt trong truyền thống, sẽ đặt ra “một vấn đề sống còn” đối với những nhà sản xuất xe hơi chưa phát triển các phương án sản xuất xe điện có giá cạnh tranh.
Một nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, tên là “Build Your Dreams” hay BYD, đang tiếp thị một mẫu xe điện mang tên Seagull với giá khoảng 11,000 USD. Để so sánh, mẫu sedan Model 3 rẻ nhất hiện nay của Tesla có giá cơ bản khoảng 39,000 USD.
Ông Scheinmann nói, “Thị trường xe điện ở Hoa Kỳ — tôi không muốn nói rằng thị trường đang gặp khó khăn — nhưng chắc chắn thị trường này đã có kết quả hoạt động thấp hơn kỳ vọng, đó là lý do tại sao quý vị thấy cuộc chiến giảm giá này diễn ra giữa các công ty xe điện của Hoa Kỳ, bao gồm cả Tesla.”
Thuế quan của Hoa Kỳ vẫn có thể giúp các nhà sản xuất xe điện trong nước cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc, nhưng ông Scheinmann cho biết BYD và các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc khác có thể sẽ sớm vượt qua những rào cản thương mại đó bằng cách lập ra các cơ sở sản xuất ở Mexico. Thỏa thuận Hoa Kỳ–Mexico–Canada (USMCA) năm 2018 đã giảm bớt nhưng không loại bỏ hoàn toàn thuế quan giữa các quốc gia tham gia.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times