Nhà phân tích: Bị tách khỏi với phần còn lại của thế giới là ‘nỗi sợ hãi lớn nhất’ của ĐCSTQ
“Nỗi sợ hãi lớn nhất” đối với nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình là khiến đất nước bị tách khỏi phần còn lại của thế giới. Nhưng theo ông Gordon Chang, tác giả và là thành viên cao cấp của Viện Gatestone, thì điều này đang xảy ra.
Khi nói trên chương trình “China Insider” gần đây trên EpochTv, ông Chang lưu ý rằng các công ty toàn cầu đã bắt đầu chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc, vì họ hy vọng xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.
Ông Chang nói: “Thế giới vì lý do kinh tế – không phải chính trị, không phải địa chính trị, vì lý do kinh tế mà đang làm điều đó.”
Các công ty đang trải qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng khi phương pháp tiếp cận “zero-COVID” của chính phủ đã khiến Thượng Hải và các thành phố khác của Trung Quốc phải ngừng hoạt động. Hàng triệu người bị giam giữ trong nhà của mình khi chính phủ áp đặt phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt ở các khu vực được ghi nhận có các ca nhiễm. Cách tiếp cận nặng tay này đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất của nhà máy và làm đình trệ quá trình vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, không chỉ có các biện pháp kiểm soát COVID nghiêm ngặt đã khiến các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ông Chang cho biết mối bang giao của chính quyền Trung Quốc với Nga cũng khiến các chuỗi cung ứng hiện tại trở nên không đáng tin cậy.
“Nó sẽ không đáng tin cậy vì Trung Quốc đang ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đang thúc đẩy sự chia rẽ trong hệ thống quốc tế.”
Trung Quốc, nước mà ĐCSTQ cầm quyền đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga trước cuộc xâm lược nói trên, đã thu hút ngày càng nhiều sự chỉ trích về sự ủng hộ ngầm của họ đối với Moscow trong suốt cuộc khủng hoảng này. Cho đến nay, chính quyền này đã từ chối lên án sự xâm lược của Nga, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng từ Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và các quốc gia khác.
Theo ông Chang, mặc dù các chính sách của ĐCSTQ đã góp phần vào việc tách biệt [Trung Quốc khỏi thế giới], nhưng xu hướng này không đem lại lợi ích cho Bắc Kinh.
Ông nói: “Đó không phải là tình huống mà Trung Quốc nên mắc phải vì Trung Quốc [là] người hưởng lợi lớn nhất trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống quốc tế do Mỹ bảo trợ.”
“Điều đó được thúc đẩy bởi một số tác nhân. Nhưng ông Tập Cận Bình chính là tác giả của quá trình phi toàn cầu hóa này.”
Ông Chang cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc này đã cảnh báo thế giới không nên tách rời khỏi quốc gia này trong một bài diễn văn qua video tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao hàng năm.
Hôm 21/04, ông Tập đã đề nghị cái mà ông gọi là “sáng kiến an ninh toàn cầu” mới do Trung Quốc dẫn dắt, đề cao các nguyên tắc bao gồm “tính không thể chia cắt về an ninh,” một khái niệm chính mà Nga sử dụng để biện minh cho cuộc tấn công của mình vào Ukraine. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, “các quốc gia trên thế giới giống như những hành khách trên cùng một con tàu, những người cùng chung số phận … ý nghĩ ném bất kỳ ai ra khỏi tàu đơn giản là không thể chấp nhận được.”
Ông Chang nói, “Khi ông ấy [Tập Cận Bình] nói về an ninh không thể chia cắt [điều này] thực sự để lộ ra nỗi sợ hãi lớn nhất của ông ấy, và đó là việc thế giới tách rời khỏi Trung Quốc.”
Ông ta nói thêm: “Thực sự, những gì ông ấy đang nói là thế giới không nên ném Trung Quốc ra khỏi tàu.”
Theo ông Chang, mặc dù sợ bị tách biệt [khỏi thế giới], nhà lãnh đạo Trung Quốc này vẫn sẽ tăng cường các chính sách hiện tại đang diễn ra, ví dụ như Zero-Covid và liên kết đối tác của Bắc Kinh với Moscow, nếu ông ta đạt được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại hội nghị quan trọng của Đảng vào mùa thu này.
“Tôi nghĩ rằng sau đó ông ấy sẽ tăng cường các chính sách, rõ ràng là không tốt cho đất nước này, không tốt cho nền kinh tế, và điều đó có nghĩa là một kết cục tồi tệ cho Trung Quốc.”
‘Giai đoạn nguy hiểm nhất’
Ông Chang cho rằng thế giới nên tách khỏi ĐCSTQ, mặc dù điều đó rất khó khăn do nền kinh tế lớn của Trung Quốc.
Ông Chang nói: “Tôi tin rằng thế giới cần bắt đầu tự bảo vệ chính mình khỏi sự thâm độc của Trung Quốc, nghĩa là cắt đứt quan hệ, không thương mại, không đầu tư, không hợp tác kỹ thuật, cắt đứt quan hệ ngoại giao.
“Tôi biết điều đó nghe có vẻ mạo hiểm… [nhưng] con đường nguy hiểm và rủi ro nhất là tiếp tục với những chính sách đã đưa chúng ta vào mớ hỗn độn này ngay từ đầu.”
Ông Chang nói: “Chúng ta có thể đã đi từ thời điểm tốt nhất trong lịch sử đến thời điểm tồi tệ nhất, nhưng đó là bởi vì chúng ta đã có những đánh giá sai lầm về Trung Quốc, điều này đã chuyển thành chính sách, khiến Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn và làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính chúng ta.”
“Ngoài chiến tranh thực sự, tôi không thể nghĩ đến một tình huống nào nguy hiểm hơn tình huống hiện tại của chúng ta.”
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Âu Châu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: