Nhà phân tích an ninh mạng: Các công ty Mỹ sẽ phải ‘chọn một bên’ trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Ông Rosenzweig cảnh báo, việc theo đuổi lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc sẽ không chỉ là ‘một điều tồi tệ về mặt nguyên tắc, mà còn tồi tệ về mặt kinh tế.’
Theo nhà phân tích nội địa và an ninh mạng Paul Rosenzweig, các công ty công nghệ Hoa Kỳ sẽ ngày càng bị đẩy vào tình thế buộc phải quyết định xem lợi ích của họ nên là phù hợp với an ninh quốc gia Hoa Kỳ hay là xoay quanh việc tối đa hóa lợi nhuận của họ tại thị trường Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Capitol Report” của NTD hôm thứ Hai (23/10), ông Rosenzweig cho biết chính sách của Hoa Kỳ đang ngày càng buộc phải “tách rời” giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (tên chính thức của Trung Quốc) để giảm thiểu rủi ro an ninh. Ông Rosenzweig, người từng giữ chức phó trợ lý bộ trưởng về chính sách của Bộ An ninh Nội địa, và hiện vẫn đang tiếp tục tư vấn và giảng dạy về an ninh mạng và công nghệ, cho biết các công ty Hoa Kỳ sẽ càng ngày càng phải đánh giá lại mô hình kinh doanh của mình để phù hợp với tình hình mối bang giao luôn biến động giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Càng ngày, tôi càng nghĩ các công ty Mỹ sẽ thấy rằng họ cần phải chọn một lá cờ, hoặc có thể nói là chọn một bên, không phải vì nguyên tắc, mà là vì luật pháp ngày càng yêu cầu họ phải tách rời và hầu hết các công ty công nghệ Mỹ đều vẫn chưa thực sự hiểu rõ điều đó. Họ vẫn chưa thực hiện đánh giá rủi ro về những gì họ nên làm hiện nay,” ông nói. “Họ vẫn chưa hiểu họ đã gắn bó sâu sắc như thế nào với Trung Quốc và sẽ tổn thương đến mức nào khi một sự kiện nào đó buộc họ phải tách rời.”
Ông Rosenzweig cho biết các lệnh trừng phạt kinh tế tiếp diễn của Hoa Kỳ có thể gây chia rẽ giữa các công ty Hoa Kỳ và các đối tác Trung Quốc của họ, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc hoặc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Đài Loan tự quản lý như một quốc gia độc lập, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và đang ngày càng kêu gọi “thống nhất” với Đài Loan, gồm cả thông qua vũ lực quân sự. Hoa Kỳ duy trì chính sách tương đối mơ hồ về quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan, nhưng thường xuyên chấp thuận chuyển giao vũ khí cho Đài Loan và có thể thay mặt Đài Loan can thiệp nếu hòn đảo này bị tấn công.
Nhà phân tích an ninh nội địa này cho biết ông không trách các công ty Hoa Kỳ vì muốn tối đa hóa lợi nhuận của họ tại Trung Quốc, nhưng cảnh báo rằng việc theo đuổi lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc cuối cùng sẽ chứng tỏ không chỉ là “một điều tồi tệ về nguyên tắc mà còn tồi tệ về mặt kinh tế.”
Tổng thống Biden tăng cường các quy định về vi mạch AI
Năm ngoái (2022), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đề ra một quy tắc nhằm hạn chế các cá nhân và công ty Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Quốc một số loại vi mạch cao cấp có thể được sử dụng trong các ứng dụng quân sự hoặc phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo (AI). Quy tắc năm 2022 này đã quy định cụ thể việc xuất cảng linh kiện máy điện toán có tốc độ truyền dữ liệu từ 600 gigabyte mỗi giây trở lên.
Khi quy định mới có hiệu lực, công ty công nghệ NVIDIA của Hoa Kỳ đã bắt đầu tiếp thị vi mạch máy điện toán A800 của mình như một giải pháp thay thế cho những người mua Trung Quốc, loại vi mạch này đã cung cấp khả năng tính toán mạnh mẽ trong khi vẫn ở dưới ngưỡng tốc độ truyền dữ liệu 600Gbps.
Một phát ngôn viên của NVIDIA đã nói với Reuters năm ngoái rằng, “GPU Nvidia A800, được đưa vào sản xuất vào quý 3, là một sản phẩm thay thế khác cho GPU Nvidia A100 dành cho khách hàng ở Trung Quốc. A800 đáp ứng bài kiểm tra rõ ràng của Chính phủ Hoa Kỳ về việc kiểm soát xuất cảng giảm bớt và không thể được lập trình để vượt quá ngưỡng kiểm soát.”
Tuần trước (16-22/10), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các quy định sửa đổi liên quan đến vi mạch máy điện toán cao cấp, mà Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết sẽ “ngăn chặn các con đường né tránh các hạn chế của chúng tôi.” Bà Raimondo cho biết các biện pháp kiểm soát xuất cảng có thể sẽ phải được cập nhật hàng năm để phản ánh các giải pháp và thay đổi về công nghệ.
Ông Rosenzweig hoan nghênh việc thắt chặt các hạn chế xuất cảng nhưng nêu ra những lo ngại về những thức cách khác mà Trung Quốc có thể tiếp tục mở rộng công nghệ AI ngay cả khi không có công nghệ xuất cảng từ Hoa Kỳ.
“Chúng ta hiện đang ở thời điểm bắt đầu của một quá trình. Tôi nghĩ rằng quyết định hạn chế xuất cảng hơn nữa của chính phủ Tổng thống Biden là một điều tốt,” ông Rosenzweig nói với NTD News. “Một trong những vấn đề vẫn chưa được giải quyết là bản chất của sự tương tác giữa các công ty công nghệ Mỹ ở Trung Quốc, vốn dĩ không liên quan đến xuất cảng công nghệ mà liên quan đến các liên doanh hợp tác với Trung Quốc.”
Ông Rosenzweig cho biết giá trị của các chính sách của chính phủ Tổng thống Biden sẽ phụ thuộc vào việc những chính sách này được khai triển và thực thi tốt đến mức nào.