Nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc: Thỏa thuận Saudi Arabia-Iran được bảo đảm nhờ sự can thiệp cá nhân từ phía ông Tập
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình được cho là đã đóng một vai trò tích cực trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia và Iran giải quyết các mối bang giao ngoại giao.
Theo một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Tập đã chủ động làm trung gian cho thỏa thuận giữa hai quốc gia Trung Đông này.
Hôm 30/04, hãng truyền thông Hoa Nam Tảo báo (South China Morning Post ) có trụ sở tại Hồng Kông đã đưa tin rằng ông Vương Đích (Wang Di), Vụ trưởng Vụ Tây Á và Bắc Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nêu ra trong một cuộc phỏng vấn với Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, rằng Trung Quốc đã sẵn sàng hành động như một nhà trung gian quan trọng trong khu vực này.
Ông Vương ngầm chỉ trích một số quốc gia lớn bên ngoài khu vực này, nói rằng việc họ theo đuổi lợi ích cá nhân đã dẫn đến sự bất ổn dai dẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, ông đã kiềm chế không nêu tên trực tiếp Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đó.
Năm 2016, Riyadh cắt đứt bang giao với Tehran sau khi những người biểu tình Iran tấn công các phái đoàn ngoại giao của Saudi Arabia sau vụ hành quyết giáo sĩ người Saudi Shiite Nimr al-Nimr. Sự kiện này là một trong nhiều điểm nóng giữa hai địch thủ lịch sử đó.
Hồi đầu tháng Tư, các nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia và Iran đã đến thăm Bắc Kinh để ký kết thỏa thuận mở lại đại sứ quán của họ, nối lại các chuyến bay trực tiếp giữa hai quốc gia, và khôi phục các thỏa thuận an ninh và thương mại. Diễn biến này làm nổi bật tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc và tham vọng của họ là hơn cả trở thành một cường quốc trong khu vực.
Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, tự hào với công suất sản xuất hàng ngày từ 10 triệu đến 12 triệu thùng dầu. Ngoài ra, quốc gia này còn có hơn 26 tỷ thùng dầu, khiến họ trở thành quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới. Những con số này phản ánh vai trò quan trọng của quốc gia này trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của họ như là một bên tham gia quan trọng trong ngành năng lượng.
Với lượng mua mỗi ngày hơn 10 triệu thùng dầu, Trung Quốc là nước nhập cảng dầu lớn nhất thế giới và là khách hàng mua dầu chính từ Iran và Saudi Arabia. Do đó, họ sẽ thu được nhiều lợi ích nhất từ sự ổn định trong thị trường năng lượng Trung Đông.
Mối bang giao tốt đẹp của Trung Quốc với Iran và Saudi Arabia đã giúp họ đưa hai nước này đạt được thỏa thuận nối lại bang giao ngoại giao. Thỏa thuận này đã dọn đường cho Bắc Kinh mở rộng ngoại giao ở Trung Đông và đảm nhận một vai trò dẫn dắt giải quyết các căng thẳng khác trong khu vực, chẳng hạn như ở Yemen và Syria.
Ông Aryeh Lightstone, cựu đặc phái viên của Hiệp định Abraham và cố vấn cao cấp của đại sứ Hoa Kỳ tại Israel, nói với chương trình “Trung Quốc Tiêu điểm” trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng “Giữa Iran và Saudi Arabia, và mối bang giao của họ với Nga hiện giờ, thì trong tương lai không xa Trung Quốc nắm rất chắc nguồn cung cấp năng lượng … và bởi vì Trung Quốc tự đặt mình vào một vị thế quyền lực với Iran, Nga, và Saudi Arabia, nên Trung Quốc đang tự bảo đảm khả năng tiếp thêm nhiên liệu theo đúng nghĩa đen cho sự mở rộng trong tương lai trong khi tự đặt mình vào vị trí ngăn chặn những kẻ thách thức hoặc kẻ thù của họ, ngay cả như là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có thể có nhiên liệu và năng lượng mà chúng ta có thể cần.”
ĐCSTQ ‘không đáng tin cậy’
Những người chỉ trích của nước Cộng hòa Hồi giáo, cả trong và ngoài Iran, tin rằng chính quyền Trung Quốc thiếu minh bạch trong các giao dịch với Iran và đang can thiệp vào vấn đề này. Họ cũng lập luận rằng các thỏa thuận mơ hồ của Bắc Kinh với nước Cộng hòa Hồi giáo này là không đáng tin cậy, nói rằng bang giao ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc là không đáng tin cậy.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Ba Tư của The Epoch Times, ông Bijan Kian, một cựu nhân vật chính trị và là doanh nhân người Mỹ gốc Iran, đã chia sẻ quan điểm của mình về ĐCSTQ, nói rằng “tất cả sáu nghị quyết chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo [này] đều được Trung Quốc, Trung Quốc cộng sản, xác nhận. Vì vậy, không hợp lý khi cho rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các tuyên bố của họ hoặc hành động của họ là vì lợi ích tốt nhất của người dân Iran, hay thậm chí là nước Cộng hòa Hồi giáo này.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times