Nhà máy năng lượng ‘xanh’ ở Tân Cương bị đóng cửa vì xả nước thải ô nhiễm
Công ty TNHH Điện lực Thượng Hải dự định sẽ chấm dứt một dự án được cho là cung cấp năng lượng “xanh” ở vùng Tân Cương của Trung Quốc nhưng thay vào đó lại xả nước thải ô nhiễm.
Trong một hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải hôm 28/12, công ty này cho biết do sự cố của hệ thống lọc khí thải, hoạt động của dự án Điện Khí Hami Xuanli của họ đã xả không đúng cách một lượng đáng kể nước thải có chứa phenol, hoặc acid carbolic.
Công ty tiện ích quốc doanh này cho biết họ đã quyết định đóng dự án và loại bỏ các thiết bị liên quan.
Hami Xuanli được khởi công với mục đích “tận dụng khí thải từ nhựa than đá trong một Khu Công Nghiệp, và thông qua các tuabin khí kết hợp hơi nước để tạo ra điện,” theo bản giới thiệu chính thức về dự án năm 2014.
Công ty cho biết sau khi kiểm tra thực địa năm 2021, một nhóm chuyên gia bên ngoài đã kết luận rằng các cơ sở lọc cần được cải tạo quy mô lớn để đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, họ kết luận rằng “việc này tốn kém, và hiệu quả vẫn không chắc chắn.”
Hồ sơ chứng khoán cho biết, các tổn thất của dự án sẽ khiến Công ty Điện lực Thượng Hải phải trả 91 triệu USD dự phòng thiệt hại. Ngoài khoản thiệt hại 47 triệu USD cho Công ty TNHH Sản xuất Điện Khí Hami Xuanli (Hami Xuanli Gas Power Generation Co. Ltd.), còn có khoản thiệt hại 44 triệu USD cho một công ty con khác, Nhà máy Điện Tuabin Khí La Kinh (Luojing Gas Turbine Power Plant).
Nhà máy Điện La Kinh cho thuê các cơ sở liên quan đến dự án này. Các cơ sở của nhà máy này sẽ bị tháo dỡ vì chúng không đạt tiêu chuẩn và không thể sử dụng trong các nhà máy điện cùng loại trong nước.
Cổ phiếu của công ty niêm yết tại Thượng Hải này đã giảm mạnh hôm 29/12, ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021.
Dự án này đã được Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, hay còn gọi là XPCC hoặc Bingtuan (“Binh đoàn”), chấp thuận hồi năm 2014.
“Mục tiêu chính của dự án này là tận dụng tối đa khí thải từ các ngành sản xuất trong khu công nghiệp, đồng thời lọc khí để đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường,” giám đốc dự án Từ Kế Huy (Xu Jihui) cho biết [trong một bài báo] hồi tháng 05/2020, theo bingtuan.com.
Trong bài báo đó, kênh truyền thông do nhà nước điều hành này đã đề cập đến một buổi lễ động thổ do XPCC tổ chức cho trạm xăng thứ hai của Hami Xuanli, nói thêm rằng dự án này là nhằm “giảm bớt tình trạng ô nhiễm của khu công nghiệp, và tiến tới phát triển chất lượng cao trong khi bảo tồn hiệu quả và môi trường xanh của khu công nghiệp.”
Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Chính quyền Trung Quốc nói rằng lượng khí thải carbon của nước này sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2030, và sau đó bắt đầu giảm xuống, với mục tiêu đạt được trung hòa carbon vào năm 2060. Chính quyền này đã lập luận rằng Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển và không nên bị áp đặt theo các tiêu chuẩn tương tự như các nước phát triển về cắt giảm lượng khí thải carbon.
XPCC là một tổ chức kinh tế và bán quân sự quốc doanh duy nhất ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Năm 2020, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã trừng phạt tổ chức này vì vi phạm nhân quyền.
Hôm 23/12, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký luật cấm tất cả hàng hóa nhập cảng từ khu vực Tân Cương vì lo ngại lao động cưỡng bức.
Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ là một phần trong phản hồi của Hoa Kỳ trước cách Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, mà Hoa Thịnh Đốn gọi là tội ác diệt chủng.
Năm 2020, Công ty Điện lực Thượng Hải đã thanh toán khoản thiệt hại tài sản 66 triệu USD cho dự án Hami Xuanli vì ô nhiễm, theo trang tin tức địa phương Time-Weekly.com.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: