Nhà lập pháp: Nếu Ukraine nhượng đất, Nga sẽ tấn công các quốc gia này
Hôm thứ Hai (21/03), một nghị sĩ Ukraine tuyên bố rằng, Nga sẽ tấn công các nước láng giềng khác ở Âu Châu nếu chính phủ Ukraine nhượng đất cho Moscow.
Ông Oleksiy Goncharenko – một nhà lập pháp nói với hãng thông tấn CNBC rằng ông cho là chính phủ Nga sẽ nhắm mục tiêu vào các quốc gia Baltic như Lithuania, Latvia, và Estonia nếu Ukraine nhượng đất. Ba quốc gia Baltic này — có chung biên giới với Nga — là thành viên của NATO, và một cuộc tấn công đáng kể vào bất kỳ quốc gia nào trong số đó có thể sẽ kích hoạt Điều khoản số 5 của NATO, và làm leo thang trầm trọng cuộc xung đột này.
Ông Goncharenko đã đưa ra câu trả lời này khi được hỏi về việc liệu Ukraine có phải nhường thêm khu vực cho Moscow như năm 2014 khi Nga thôn tính Crimea và giúp thành lập các nhóm ly khai ở Donbas hay không.
Người dẫn chương trình đã hỏi ông Goncharenko rằng, “Để ngăn chặn sự đổ máu này, liệu trả bằng giá đó có đáng hay không?”
“Vấn đề là điều đó sẽ không ngăn chặn được sự đổ máu mà còn khá phản tác dụng,” nhà lập pháp này đáp lại khi được phỏng vấn từ một khu vực trên sân thượng. Nga vẫn “không lý giải được những thỏa hiệp,” ông nói, và cho biết thêm rằng đây là một “bài giáo huấn từ lịch sử.”
Ông nói: “Nếu điều gì đó như thế này được thực hiện, [Nga] sẽ tiến xa hơn nữa” tới “các quốc gia vùng Baltic”, “tới Ba Lan,” và “tới Georgia.” Moscow “sẽ không dừng lại,” ông Goncharenko tiếp tục nói, và cho biết thêm rằng “đó không phải là giải pháp.”
Hai ngày trước khi bắt đầu cuộc xâm lược hôm 24/02, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát hành một video hợp lý hóa cuộc xung đột này và trích dẫn về các quốc gia Baltic, Ba Lan, và một số quốc gia từng thuộc Khối Warszawa (Hiệp Ước Hữu Nghị, Hợp Tác, và Tương Trợ) đang gia nhập NATO trong những năm qua. Ông Putin cáo buộc rằng sự mở rộng về phía đông của NATO gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với Nga, đồng thời yêu cầu Ukraine không tham gia vào khối quân sự này.
Giới lãnh đạo NATO đã bác bỏ thông tin rằng sự mở rộng của khối này gây ra mối đe dọa đối với Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một liên minh phòng vệ.
Cùng lúc đó, một đội quân lớn hơn của Hoa Kỳ và NATO đã được khai triển ở các nước Baltic, Ba Lan, và Slovakia. Các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot, chiến đấu cơ, và các loại vũ khí khác do Hoa Kỳ sản xuất cũng đã được gửi đến các quốc gia này trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cho đến nay đã gặt hái được rất ít kết quả, theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, người đã cáo buộc các nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraine tấn công lực lượng Nga trong cuộc hội đàm này.
“Quý vị thấy đấy, việc tạm dừng chiến dịch quân sự này, bất kỳ sự tạm dừng nào, đều bị các đơn vị theo chủ nghĩa dân tộc tận dụng để tái tổ chức, để tiếp tục các cuộc tấn công chống lại quân đội Nga,” ông Peskov nói, theo truyền thông nhà nước.
Hôm thứ Hai, các quan chức Ukraine cũng đã bác bỏ một yêu cầu của Nga rằng các lực lượng của họ ở Mariupol phải hạ vũ khí và giương cờ trắng để đổi lấy một lối đi an toàn ra khỏi thành phố cảng bị bao vây này.
Khi Nga tăng cường nỗ lực buộc Mariupol phải phục tùng, cuộc tấn công trên bộ của họ ở các khu vực khác của Ukraine đã trở nên sa lầy. Các quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng cuộc xung đột này đang trở thành một cuộc chiến tranh thê thảm làm tiêu hao [tinh lực], với việc Nga bắn phá các thành phố.
“Không có chuyện đầu hàng, hạ vũ khí,” Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk nói với hãng thông tấn Pravda của nước này.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: