Nhà lập pháp Hoa Kỳ đề xuất dự luật buộc các công ty đại chúng phải công khai quan hệ với Bắc Kinh
Hạ nghị sĩ Andy Barr (Cộng Hòa-Kentucky) đã đề xuất một dự luật yêu cầu các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ phải tiết lộ nếu họ có quan hệ với Trung Cộng.
“Luật này sẽ đem tới sự minh bạch chưa từng có cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ về các khoản đầu tư của Trung Cộng vào các công ty giao dịch đại chúng”, ông Barr cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 5/8.
“Đầu tư của Trung Cộng vào các công ty Hoa Kỳ thường dẫn đến việc Trung Cộng thao túng các công ty này và nhà đầu tư Hoa Kỳ – dưới hình thức ép buộc chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ”.
Có 172 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Hoa Kỳ tính đến tháng 9/2019, theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung. Nhiều công ty trong số đó là của nhà nước hoặc nhận tài trợ từ chính quyền Trung Cộng.
Các công ty Trung Quốc được niêm yết không cần chịu kiểm toán bởi Hoa Kỳ. Bắc Kinh không cho phép Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán hay các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ kiểm tra hồ sơ của họ, đồng thời tuyên bố rằng sổ sách của họ là “bí mật quốc gia” không thể chia sẻ ra bên ngoài.
Dự luật, có tên là Đạo luật Minh bạch trong Đầu tư của Chính phủ Trung Quốc năm 2020 (H.R.7924), sẽ bổ sung cho Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1943 để yêu cầu các công ty giao dịch đại chúng phải tiết lộ bất kỳ hỗ trợ tài chính nào nhận được từ Trung Cộng, chẳng hạn như trợ cấp, thưởng, các khoản vay, bảo đảm cho vay, giảm thuế, ưu đãi thuế, hoặc bất kỳ ưu đãi liên quan đến chính sách mua bán của nhà nước, theo thông cáo báo chí nói trên.
Một trong những yêu cầu lâu nay của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra là Bắc Kinh phải chấm dứt các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ dành cho các công ty Trung Quốc, điều mà các công ty Hoa Kỳ nói rằng khiến họ khó cạnh tranh công bằng tại thị trường Trung Quốc.
Bắc Kinh trợ cấp cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty được coi là “chiến sĩ quốc gia”, để đạt các mục tiêu kinh tế, chẳng hạn như quảng bá sự phát triển công nghệ hoặc khả năng cạnh tranh công nghiệp của nước này.
Theo thông cáo báo chí, dự luật yêu cầu các công ty phải công khai việc nhân viên hoặc giám đốc của họ có giữ hoặc từng giữ các vị trí trong Trung Cộng, chính phủ Trung Quốc hay các “cơ quan khác của Trung Quốc”.
Các giám đốc điều hành cấp cao tại các công ty lớn của Trung Quốc thường là đảng viên hoặc cựu quan chức trong chế độ Trung Cộng. Ví dụ, hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc, hiện bị nhiều quốc gia bao gồm Hoa Kỳ cấm tham gia xây dựng mạng 5G, được thành lập bởi Ren Zhengfei, một cựu giám đốc nghiên cứu viễn thông của bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc.
Nếu được ban hành, dự luật cũng sẽ yêu cầu các công ty phải tiết lộ bất kỳ mối liên hệ nào với các chương trình chiến lược của Trung Quốc, chẳng hạn như “Made in China 2025” hoặc “Kế hoạch Phát triển Trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”.
Trung Quốc đã triển khai kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025” vào năm 2015, với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong 10 lĩnh vực công nghệ vào năm 2025. Các lĩnh vực này bao gồm công nghệ thông tin tiên tiến, robot và xe chạy bằng năng lượng mới.
Bắc Kinh đã dần loại bỏ mọi đề cập đến “Made in China 2025” do sự giám sát chặt chẽ từ các quan chức Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách để có thể thống trị về công nghệ với một kế hoạch mới có tên “Chuẩn Trung Quốc 2035”, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật và dữ liệu lớn.
Năm 2017, Trung Quốc triển khai “Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”, một lộ trình đặt ra các mục tiêu chiến lược vào năm 2020, 2025 và 2030 để đạt được những đột phá lớn trong các lý thuyết về AI như trí tuệ dữ liệu lớn và trí tuệ lai máy – người. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là biến Trung Quốc thành một cường quốc về AI vào năm 2030.
Dự luật này sẽ phơi bày “các công ty Trung Quốc đang huy động vốn tại các thị trường Hoa Kỳ có tham gia các chương trình chiến lược của Trung Cộng nhằm làm suy yếu an ninh quốc gia Hoa Kỳ và tiến hành những hoạt động nguy hại nhất của Trung Cộng”, ông Barr nói.
Ông Barr hiện là thành viên của Ban chuyên trách Trung Quốc, được thành lập bởi các dân biểu Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa vào đầu tháng 5 để đặc biệt giải quyết các mối đe dọa đến từ Trung Cộng.
Tác giả: Frank Fang