Nhà lập pháp: Chính sách ‘yếu nhược’ của TT Biden không hề làm thay đổi lập trường của Trung Quốc
Theo Dân biểu Greg Steube (Cộng Hòa-Florida), lời cảnh báo của Tổng thống (TT) Joe Biden đối với Trung Quốc về việc hỗ trợ Nga là mềm mỏng và đã làm rất ít để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc trên trường thế giới.
“Tổng thống Biden mềm mỏng với Trung Quốc giống như cách ông ấy đã đối xử với mọi đối thủ của chúng ta trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy. Có vẻ như cuộc nói chuyện của ông Biden không làm thay đổi lập trường của Trung Quốc chút nào,” ông Steube nói với The Epoch Times.
Ông đang đề cập đến cuộc gọi qua video của TT Biden với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 18/03 cho thấy ông Biden đưa ra “những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga” giữa chiến sự đang diễn ra ở Ukraine.
“Đây là cơ hội của Chính phủ Tổng thống Biden để thể hiện sức mạnh đối với Trung Quốc. Một lần nữa, Tòa Bạch Ốc này đã gửi đi thông điệp không rõ ràng,” ông Steube nói.
Các quan chức chính phủ đã rất kín tiếng về các chi tiết hoặc tiến độ đạt được trong cuộc họp này, vốn kết thúc với việc TT Biden không nhận được bất kỳ sự bảo đảm nào từ phía Trung Quốc.
Trong các cuộc họp báo, các quan chức đã không cho biết liệu có “lằn ranh đỏ” nào sẽ kích hoạt các hành động chống lại nhà cầm quyền Trung Quốc hay không, cũng như Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh đã đồng thuận về bất kỳ hậu quả nào nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga về mặt kinh tế hoặc quân sự trong cuộc chiến ở Ukraine hay chưa.
Ông Steube nói: “Theo tôi thấy, lẽ ra tất cả điều này nên được quyết định trước khi có một cuộc gọi quan trọng với Chủ tịch Tập.”
Nhà lập pháp này cho hay Bắc Kinh đã tỏ rõ thái độ thách thức của mình ngay từ trước khi cuộc gặp diễn ra.
Không lâu trước cuộc gọi này, Bắc Kinh đã điều một hàng không mẫu hạm đi qua eo biển Đài Loan, một tuyến đường thủy rộng 100 dặm chia cắt Trung Quốc đại lục với đảo Đài Loan tự quản, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần coi là một tỉnh ly khai để một ngày nào đó sẽ chiếm lại.
“Việc Trung Quốc cử một chiến hạm đến eo biển Đài Loan chỉ vài giờ trước khi có cuộc gặp mặt đối mặt với Tổng thống Biden cho chúng ta thấy rằng Trung Quốc dường như không bị chính phủ yếu nhược này đe dọa,” ông Steube nói. “Ai mà bị đe dọa chứ?”
‘Yếu nhược sinh hung hăng’
Trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc gọi kéo dài hai giờ tập trung chủ yếu vào cuộc chiến, thì Đài Loan là một ưu tiên rõ ràng trong tâm trí của Bắc Kinh. Số phận của hòn đảo này đã chiếm gần một nửa trong bản tóm tắt dài một trang của Trung Quốc. Ngược lại, Ukraine chỉ được đề cập trong một đoạn văn.
Tương tự, trong một cuộc phỏng vấn diễn ra lúc ông Biden gọi ông Tập, Dân biểu Lisa McClain (Cộng Hòa-Michigan) đã chỉ ra việc chiến hạm Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan, gọi đó là “điều đáng lo ngại”.
Dân biểu Lisa McClain nói với Đài truyền hình NTD thuộc Epoch Media Group: “Tôi không thích sự trùng hợp ngẫu nhiên.”
Bà mô tả hành động trên như một “thông điệp được tính toán từ trước”.
Bà nói: “Tôi không biết làm cách nào để bất cứ ai có thể suy nghĩ tích cực về điều đó.”
“Điều đó rất đúng: yếu nhược sinh hung hăng,” bà nói thêm. “Trung Quốc đang gửi cho chúng ta một thông điệp, và đó không phải là một thông điệp tích cực.”
Kêu gọi trừng phạt Trung Quốc
Tại Capitol Hill, những lời kêu gọi trừng phạt Trung Quốc vì đứng về phía Nga đang ngày càng gia tăng.
“Rõ ràng là ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin là cùng một loại người và cùng một giuộc với nhau, và chúng ta cần bắt đầu áp dụng các loại quy tắc giống nhau cho cả hai,” Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) nói với The Epoch Times.
Ông nói: “Hoa Kỳ phải áp đặt các hậu quả đối với bất kỳ sự hỗ trợ nào của CHND Trung Hoa đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cho dù đó là dưới hình thức hỗ trợ quân sự, hỗ trợ tài chính, giúp né tránh lệnh trừng phạt, hoặc đưa ra thông tin sai lệch,” ông nói, khi sử dụng tên viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
TT Biden bắt đầu cuộc nói chuyện với ông Tập sau khi một bức điện ngoại giao bị rò rỉ cáo buộc Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ quân sự và tài chính cho Moscow, mặc dù cả Trung Quốc và Nga đều bác bỏ cáo buộc này.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Ukraine là “quang minh lỗi lạc” và “không thể chê trách”, nhưng sự ràng buộc của nhà cầm quyền này với Nga rất khó bỏ sót.
Ông Tập đã gặp lãnh đạo Nga Vladimir Putin và tuyên bố quan hệ đối tác của họ là “không giới hạn” chưa đầy ba tuần trước khi ông Putin tiến hành xâm lược. Kể từ đó, nhà cầm quyền Trung Quốc đã từ chối sử dụng từ xâm lược hoặc tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Hôm thứ Ba (15/03), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc “không muốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt”.
“Chúng ta biết rằng khi Chủ tịch Tập bật đèn xanh cho ông Putin về cuộc xâm lược này, ông ấy đã yêu cầu Nga trì hoãn cho đến sau Thế vận hội Mùa Đông,” Thượng nghị sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska), một thành viên của Ủy ban Đặc biệt Thượng viện về Tình báo, nói với The Epoch Times.
Ông nói rằng ông Tập coi vụ tấn công này “như một lần do thám cho cuộc xâm lược Đài Loan của mình, và ông ấy muốn thấy Hoa Kỳ bị bẽ mặt cũng như Âu Châu bị bất ổn.”
Nhưng sự phản kháng gay gắt bất ngờ của Ukraine đã làm tiêu tan mọi hy vọng của ông Putin về một chiến thắng nhanh chóng, và hàng loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây sau đó đã bóp nghẹt nền kinh tế của đất nước ông.
Ông Sasse cho hay những nỗi đau mà nước Nga đang phải trải qua sẽ là một bài học cho ông Tập.
“Chủ tịch Tập không muốn lựa chọn giữa ông Putin và sự ổn định quốc tế, nhưng ĐCSTQ đã thể hiện thiện cảm của họ,” ông nói. “ĐCSTQ nên lường trước rằng thế giới tự do sẽ buộc họ chịu trách nhiệm hoàn toàn về bất kỳ hỗ trợ vật chất nào mà họ cung cấp cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.”
Ba nhà lập pháp đã thực hiện luôn các bước để tiến hành các biện pháp trừng phạt như vậy.
Hôm 17/03, các thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), và Todd Young (Cộng Hòa-Indiana) đã giới thiệu một dự luật để xử phạt các tổ chức tài chính Trung Quốc nếu họ giao dịch với bất kỳ ngân hàng Nga nào bị cắt khỏi hệ thống SWIFT, mạng trao đổi thông điệp tài chính toàn cầu. Các nhà lập pháp cho biết những hành vi kiểu này, nếu được bỏ qua, sẽ có tác dụng như một ngân hàng dự phòng để vượt qua các lệnh trừng phạt dành cho các công ty Nga.
“Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc trở thành một nơi trú ẩn an toàn cho các công ty Nga đang tìm cách tránh các lệnh trừng phạt quốc tế,” ông Rubio cho biết trong một tuyên bố. Sau cuộc gọi của ông Biden với ông Tập, ông Rubio đã lên Twitter để cảnh báo rằng nhà cầm quyền này không có động cơ để thấy Nga suy yếu. Nga là một sự đánh lạc hướng cần thiết để chuyển hướng sự chú ý của Hoa Kỳ khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc và làm suy yếu Hoa Kỳ.
Ông Scott cũng không tin tưởng vào Bắc Kinh.
Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần chứng minh rằng họ không có ý định chơi theo luật.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: