Nhà kinh tế Stephen Moore dự báo khủng hoảng tài chính sẽ diễn ra trong vòng 18 tháng tới
Hôm 28/07, nhà kinh tế Stephen Moore cảnh báo rằng chi tiêu quá mức và nợ quốc gia ngày càng tăng của chính phủ có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trong vòng 18 tháng tới.
Ông Moore nói với The Epoch Times trong cuộc họp thường niên của Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ (ALEC) tại Thành phố Salt Lake: “Đây là thời điểm rất bấp bênh về mặt kinh tế đối với quốc gia.”
Ông Moore cho biết, “Có một gánh nặng nợ nần lớn sắp đến. Và nếu chúng ta tiếp tục đi trên con đường mà chính phủ Tổng thống Biden muốn chúng ta đi, tôi tin rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính khác.”
Bình luận của ông đã được đưa ra sau khi một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng và Tòa Bạch Ốc công bố thỏa thuận về một gói cơ sở hạ tầng với 550 tỷ USD chi tiêu mới của liên bang. Ngay sau khi thông báo, Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 67 phiếu thuận và 32 phiếu chống để bắt đầu tranh biện về biện pháp [chi tiêu] này, trong đó 17 đảng viên Cộng Hòa đã ủng hộ [quan điểm của] Đảng Dân Chủ.
Nhiều người theo phái bảo tồn truyền thống bao gồm ông Moore tin rằng cuộc bỏ phiếu cho dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng trên thực tế là một cuộc bỏ phiếu cho gói chi tiêu xã hội [quy mô] lớn hơn trị giá 3.5 ngàn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden nhằm kêu gọi tăng thuế và chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc trẻ em, biến đổi khí hậu, và mở rộng Medicare.
Ông Moore cho biết: “Tôi nghĩ rằng trong vòng 18 tháng tới sẽ có một sự điều chỉnh lớn.”
Theo ông, bên cạnh việc gia tăng nợ, “sự phân bổ sai các nguồn lực lớn” đang gây ra rắc rối, với một ví dụ dẫn chiếu về các khoản trợ cấp hào phóng của liên bang làm mất đi động lực làm việc [của người lao động].
Nhiều chủ doanh nghiệp trên khắp đất nước đã phàn nàn rằng họ không thể cạnh tranh nổi với các khoản trợ cấp do chính phủ liên bang cung cấp. Trợ cấp thất nghiệp bổ sung được thực thi trong thời kỳ đại dịch được xem là một trong những yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu lao động đáng kể trong nước.
Ông Moore cho biết những chương trình này đi ngược lại với cuộc cải cách phúc lợi vào giữa những năm 1990 yêu cầu những người nhận phúc lợi phải làm việc để nhận được trợ cấp.
Theo một báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ được công bố vào tuần trước (19-25/07), trong khi Đảng Dân Chủ tiếp tục kêu gọi chi tiêu nhiều hơn, hơn một ngàn tỷ USD cứu trợ do đại dịch COVID của liên bang đã được Quốc hội phê chuẩn vẫn chưa được sử dụng.
“Tại sao chúng ta không lấy những ngàn tỷ dollar đó,” ông Moore đặt câu hỏi, “và sử dụng số tiền này cho đường xá, đường cao tốc và không chi thêm một ngàn tỷ dollar nào khác ngoài những gì chúng ta đã vay?”
Ông Moore cũng cho biết rằng lạm phát đang tăng nhanh do các chính sách của ông Biden và Cục Dự trữ liên bang (Fed).
“Chúng ta đang đặt rất nhiều hy vọng và lời cầu nguyện vào ý tưởng rằng lạm phát sẽ biến mất. Nhưng nếu chúng ta thông qua một dự luật chi tiêu trị giá 4 ngàn tỷ USD khác, tôi bảo đảm với quý vị là lạm phát sẽ tăng lên.”
Ông Moore cũng phản ứng với các lệnh đeo khẩu trang bắt buộc của chính phủ liên bang. Hôm 27/07, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang cho các khu vực có khả năng lây truyền cao cho cả người đã chích ngừa và chưa chích ngừa.
Ông Moore nói rằng các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đang lo lắng về các đợt phong tỏa mới.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều người đang bối rối không biết tất cả tình hình này đang đi đến đâu. Và từ góc độ kinh tế, nó thực sự có thể kìm hãm đà phục hồi này.”
Hàng ngàn nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương từ hai đảng đã tập trung tại hội nghị thượng đỉnh ALEC năm nay để thảo luận và giải quyết các vấn đề chính sách lớn của chính phủ.
Ông Moore, người từng làm cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump vào năm 2016, là đồng tác giả của ấn phẩm ALEC “Tiểu Bang Giàu, Tiểu Bang Nghèo” xếp hạng các tiểu bang dựa trên khả năng cạnh tranh kinh tế của họ mỗi năm.
Trong một tweet hôm 28/07, ông Biden đã giới thiệu về thỏa thuận cơ sở hạ tầng của mình, gọi đó là “dự luật cơ sở hạ tầng lớn nhất trong một thế kỷ.”
TT Biden viết: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về cơ sở hạ tầng, thưa các quý vị. Nó sẽ phát triển nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm được trả lương cao và đưa Hoa Kỳ đi trên con đường giành chiến thắng trong tương lai.”
Trong một báo cáo công bố hôm 21/07, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody dự báo về các chính sách được đề xướng của ông Biden, bao gồm dự luật điều chỉnh trị giá 3.5 ngàn tỷ USD để hỗ trợ một loạt các khoản đầu tư xã hội sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và tạo thêm 14.4 triệu việc làm trong nhiệm kỳ của ông.
Ông Zandi viết trong báo cáo: “Lo lắng rằng kế hoạch này sẽ gây ra lạm phát cao không thể tránh khỏi và một nền kinh tế phát triển quá nóng là thái quá.”
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) ca ngợi phân tích của ông Zandi và kêu gọi các nhà lập pháp đọc báo cáo này.
Ông Schumer nói tại Thượng viện hồi tuần trước (19-25/07) rằng, “Báo cáo của Moody’s sẽ tạo động lực cho tất cả chúng ta.”
Nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers dưới thời của cựu Tổng thống Clinton, đã chỉ trích mạnh mẽ các gói kích thích chi tiêu quá mức, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế phát triển quá nóng và tạo ra lạm phát có hại. Các nhà kinh tế cũng lo ngại rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có thể chờ đợi quá lâu trước khi phanh gấp để kiềm chế lạm phát.
Do Emel Akan thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: