Nhà kinh tế lao động: Không phải người dân Hoa Kỳ, mà là các tổ chức được lợi từ vị thế tiền dự trữ của USD
Theo nhà kinh tế lao động đồng thời là người sáng lập kiêm chủ tịch của Viện Chiến lược Kinh tế Clyde Prestowitz, việc đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới chỉ mang lại lợi ích cho các tổ chức Mỹ chứ không phải cho người lao động thông thường.
Ông Prestovitz từng là cố vấn cho các các Tổng thống Ronald Reagan, George HW Bush, Bill Clinton và Barack Obama, và cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại dưới thời chính phủ cố Tổng thống Reagan.
Ông đã nói chuyện với người dẫn chương trình Paul Greaney của NTD tại hội nghị Chủ nghĩa Bảo tồn truyền thống Quốc gia 2022 hôm 13/09, nơi ông giải thích những mặt trái của việc đồng USD giữ vị thế như là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Tiền tệ dự trữ là những loại tiền được nắm giữ rộng rãi bởi các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính lớn khác, bao gồm cả chính phủ và các tổ chức tư nhân, và được sử dụng cho các khoản đầu tư lớn, giao dịch, và thương mại quốc tế.
Cùng với USD, các loại tiền khác có cùng trạng thái gồm đồng euro, yên Nhật, franc Thụy Sĩ, bảng Anh, USD Canada và Úc, và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (RMB).
Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, USD là phổ biến nhất, chiếm khoảng 60% tổng dự trữ ngoại hối của tất cả các ngân hàng trung ương, do thực tế là USD được tin cậy rộng rãi trên toàn cầu do sự ổn định chính trị và kinh tế nói chung của Hoa Kỳ.
Ông Prestovitz lưu ý rằng khi người dân trên khắp thế giới đang vay và giao dịch bằng USD, điều này có nhiều lợi ích.
Ông nói, “Tôi nghĩ ông Charles de Gaulle là người đã nói về đặc quyền rất lớn của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Và ông ấy đã đúng khi hiểu rằng, nếu quý vị có đồng tiền chung của thế giới, quý vị có thể tích lũy sức mạnh và quý vị có thể làm những điều mà các quốc gia khác không thể làm được.”
Nhưng những thách thức cũng hiện hữu do các chính phủ thao túng thị trường tiền tệ. “Vấn đề là thị trường tiền tệ không tự do, thị trường tiền tệ bị thao túng,” ông giải thích. “Các bộ phận ngân khố hoặc bộ phận tài chính của nhiều chính phủ lớn đang can thiệp vào thị trường, họ bán USD hoặc mua USD, hoặc theo một cách nào đó, họ đang hạn chế dòng vốn ra vào quốc gia của họ.”
Sự thao túng này đã khiến đồng USD thường được định giá cao hơn so với các loại tiền tệ khác do mức độ đáng tin cậy của nó như một loại tiền tệ dự trữ. Nhưng điều này, trong những thập niên gần đây, đã chứng kiến sản xuất trong nước chuyển ra nước ngoài gây bất lợi cho người Mỹ.
Ông nói, “Trung Quốc là một ví dụ điển hình, quý vị không thể chỉ gửi tiền vào Trung Quốc, quý vị không thể chỉ lấy tiền ra khỏi Trung Quốc. Vì vậy, đồng tiền của Trung Quốc bị định giá thấp một cách giả tạo. Và điều đó tất nhiên là kích thích xuất cảng từ Trung Quốc.”
Trong khi đó, những thứ như chứng khoán Hoa Kỳ, chứng khoán kho bạc Hoa Kỳ, hoặc các tài sản tài chính khác đã được đầu tư đáng kể nhưng tài sản nói chung vẫn tập trung ở các tổ chức của quốc gia.
Điều này đã khiến Mỹ thiếu cơ sở hạ tầng căn bản, vì có ít lợi ích từ việc là một đồng tiền dự trữ đến tay người Mỹ bình thường.
Giải quyết vấn đề định giá quá cao
Bất chấp đại dịch COVID-19 và lạm phát tăng vọt, vốn đã giảm nhẹ xuống mức 8.3% trong tháng Tám so với 8.5% trong tháng Bảy, đồng USD vẫn tiếp tục tăng sức mạnh.
Để làm chậm sự định giá quá cao của đồng USD, ông Prestovitz đã đề nghị cái gọi là một khoản đóng góp tiếp cận thị trường (MAC). Thông qua MAC, một khoản phí sẽ được áp dụng đối với khoản đầu tư vào Hoa Kỳ vào những thứ như trái phiếu kho bạc, bất động sản hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
“Mức phí có thể thay đổi nhưng giả sử chúng ta đã tính phí 4%. Vì vậy, khoản phí 4% đó thực sự sẽ là giảm lãi suất phải trả cho khoản đầu tư và tiền tích lũy từ nó có thể được đưa vào quỹ tái thiết cơ sở hạ tầng để tài trợ cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ.”
Ông Prestovitz cho biết: “Loại chính sách đó sẽ có xu hướng chống lại sự định giá quá cao của đồng USD và cũng tài trợ cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ.”
Khoản phí đề xuất đối với đầu tư vào Mỹ cũng sẽ có xu hướng đẩy giá trị của Nhân dân tệ lên và “khiến Trung Quốc khó vận hành các cỗ máy xuất cảng hơn”, nhà kinh tế này lưu ý.
Đồng tiền dự trữ của Trung Quốc?
Ông Prestovitz cũng cho biết ông không phản đối việc nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ nhiều hơn.
Ông nói: “Mặc dù tôi phản đối nhiều chính sách của Trung Quốc, nhưng tôi hy vọng rằng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền dự trữ nhiều hơn vì khi đó nó không thể được định giá thấp một cách dễ dàng.”
Một lợi ích khác là sự cạnh tranh sẽ buộc chính phủ Hoa Kỳ tự chủ nhiều hơn.
“Bởi vì chúng ta có đồng tiền của thế giới, chúng ta dễ dàng tích lũy nợ,” ông nói về thói quen điều hành với thâm hụt ngân sách mà không tăng thuế cần thiết để phù hợp với chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ. “Nếu chúng ta định siết chặt kỷ luật đối với bản thân, thì chúng ta sẽ phải tăng đáng kể, ý tôi là như tăng gấp đôi thuế, đặc biệt là đối với những người giàu và người có thu nhập trung bình ở Mỹ. Tôi không thấy có bất kỳ chính trị gia Mỹ nào hiện đang kêu gọi một đợt tăng thuế mạnh, nên tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra.”
Ông nói, với tư cách là đồng tiền dự trữ, “Quý vị có thể vay nhiều hơn hoặc ít hơn vô thời hạn, quý vị có thể tích lũy thâm hụt thương mại, điều đó không quan trọng.”
“Nhưng điều đó thật ra rất quan trọng,” ông nói về chính sách tài chính hiện hành. “Điều đó quan trọng trong dài hạn. “Khi tôi còn trong chính phủ Tổng thống Reagan vào những năm 1980, phần còn lại của thế giới nợ tiền của Hoa Kỳ. Ngày nay, Hoa Kỳ nợ phần còn lại của thế giới 20 ngàn tỷ USD, nhiều hơn GDP của nền kinh tế Hoa Kỳ một năm. Và số nợ đó sẽ tích lũy; số nợ đó sẽ tăng trong năm nay thêm một ngàn tỷ USD nữa.”
“Chúng ta hiện đang mắc nợ phần còn lại của thế giới ở mức ngàn tỷ USD mỗi năm. Rồi thì, rốt cuộc điều này không thể hỗ trợ được và cần phải có một số hình thức kỷ luật. Lý tưởng nhất là bản thân Hoa Kỳ sẽ nhận ra điều này là không khả thi trong dài hạn và sẽ thực hiện các bước để rút lui. Nhưng lịch sử cho chúng ta biết có lẽ đất nước này sẽ không làm được điều đó. Vì vậy, có một nhà nước [khác] cạnh tranh có thể là một cách buộc Hoa Kỳ phải cẩn thận hơn về tình hình nợ quốc tế của mình.”
Ông nói thêm rằng ông không lo lắng về việc Trung Quốc thay thế đồng USD, bởi vì “Trung Quốc đang bắt đầu cạn kiệt động lực” — họ đang hết những thứ để sao chép, bây giờ có những nơi khác sản xuất rẻ hơn, và họ yếu về nhân khẩu học.
“Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề mà một câu hỏi về hệ thống chính trị là trọng tâm; rốt cuộc thì, mọi người tin tưởng đồng USD trên toàn cầu,” ông nói. “Họ tin tưởng vào đồng tiền này bởi vì họ biết rằng có pháp quyền ở Hoa Kỳ. Và họ biết rằng chính phủ Hoa Kỳ không thể chỉ tùy tiện thực hiện các hành động có thể gây hại cho lợi ích của họ.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times