Nhà kinh tế: Khảo sát doanh nghiệp nhỏ cho thấy nhiều dấu hiệu của lạm phát
Một số nhà theo dõi lạm phát đã để ý đến các dấu hiệu của lạm phát đỉnh điểm, dự đoán rằng chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ cuối cùng sẽ bắt đầu có xu hướng thấp hơn sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng Ba.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất đã khiến họ thất vọng.
Nhà kinh tế và chiến lược thị trường Ed Yardeni của Yardeni Research cảnh báo trong một báo cáo gần đây, rằng một cuộc khảo sát doanh nghiệp nhỏ gần đây và giá bán buôn cao ngất ngưởng đã “báo hiệu lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn trong môi trường lạm phát đình trệ đang suy yếu.”
Ông viết cho khách hàng: “Chúng tôi vẫn đang kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy, nhưng lạm phát cao hơn trong thời gian dài là những gì mà loạt chỉ báo dành cho giá cả mới nhất đang cho thấy.”
Lạm phát đình trệ được định nghĩa là sự kết hợp của tăng trưởng kinh tế chậm cùng với lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Theo ông Yardeni, cuộc khảo sát hồi tháng Ba về các chủ doanh nghiệp nhỏ do Hiệp hội Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) thực hiện đã phát hiện ra một loạt các xu hướng lạm phát đình trệ.
Lạm phát đã vượt qua “chất lượng lao động” để trở thành vấn đề cấp bách nhất mà các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ phải đối mặt, với 31% cho rằng giá cả tăng là mối quan tâm hàng đầu của họ — tăng 5% so với tháng Hai và là mức đọc cao nhất trong 41 năm.
Cuộc khảo sát cho thấy kỷ lục 72% chủ doanh nghiệp nhỏ tăng giá bán, trong khi một nửa trong số họ dự định tiếp tục tăng giá.
Tăng giá phổ biến nhất ở bán buôn, xây dựng, nông nghiệp, và bán lẻ.
Tỷ lệ người được hỏi mong muốn tăng lương cho người lao động vẫn ở mức cao kỷ lục 28%.
Trong khi đó, tỷ lệ chủ doanh nghiệp mong đợi điều kiện kinh doanh tốt hơn thay vì tồi tệ hơn trong sáu tháng tới giảm từ 14 điểm phần trăm xuống mức âm 49%, con số thấp nhất từng được ghi nhận trong cuộc khảo sát đã được 48 năm này.
Các chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn lo lắng về điều kiện kinh doanh trong tương lai của họ, do lạm phát, tình trạng thiếu lao động dai dẳng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Điều này có thể giải thích, ông Yardeni nói, tại sao tỷ lệ chủ sở hữu doanh nghiệp muốn phát triển lực lượng lao động của họ đã giảm kể từ tháng Tám năm ngoái (2021).
Ông nói thêm: “Một từ xuất hiện trong đầu để mô tả viễn cảnh kinh tế chua chát này: ‘lạm phát đình trệ.’”
Dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) mới nhất cũng không cho thấy bằng chứng nào về việc lạm phát đạt đỉnh.
Dùng để theo dõi những thay đổi trong giá hàng hóa do các nhà sản xuất bán ra và đóng vai trò là chỉ báo hàng đầu về lạm phát giá tiêu dùng, chỉ số trên đã tăng 11.2% hàng năm vào tháng trước. Đây là tốc độ nhanh nhất trong lịch sử của chuỗi dữ liệu, bắt đầu vào năm 2010.
Theo ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của Bank of the West, việc giá sản xuất tăng mạnh đã làm tan vỡ hy vọng rằng lạm phát có thể vừa phải trong những tháng tới.
Ông cảnh báo trong một báo cáo gần đây: “Đây là mức tăng kỷ lục hàng tháng lớn nhất đối với giá sản xuất trên diện rộng, cho thấy áp lực lạm phát dai dẳng ở giai đoạn đầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.”
Điều này có thể làm tăng nhu cầu cho Cục Dự trữ Liên bang có hành động mạnh mẽ để giảm lạm phát, ông nói thêm.
Wall Street đã xôn xao với những lời bàn tán về suy thoái trong những tuần gần đây, khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm gia tăng những dự đoán về tốc độ tăng trưởng chậm lại. Các nhà kinh tế đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2023.
Theo cuộc khảo sát thực hiện trên các nhà quản lý quỹ toàn cầu được theo dõi chặt chẽ trong tháng Tư của Bank of America, lạm phát đình trệ là một nguyên nhân gây lo ngại không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới. Kỳ vọng lạm phát đình trệ đã tăng lên 66%, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trong vài tháng tới, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức “cao một cách khó chịu”, theo ông Desmond Lachman, là nhà kinh tế học và là thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Ông nói với The Epoch Times, giá dầu cao có thể giảm bớt, đặc biệt là nếu chiến tranh Nga kết thúc và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do các biện pháp phong tỏa “zero COVID”. Nhưng áp lực tiền lương hiện tại và độ trễ về thời gian để giá thuê cao hơn xuất hiện trong thành phần nhà ở của chỉ số giá tiêu dùng, vốn có tỷ trọng khoảng 30%, sẽ khiến lạm phát ở mức cao.
Ông Lachman nói rằng nền kinh tế Mỹ có thể “ở trong tình trạng lạm phát đình trệ đáng sợ” vào cuộc bầu cử vào tháng Mười Một.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: