Nhà kinh tế học El-Erian: Chiến tranh Nga-Ukraine có thể đẩy lạm phát lên trên 10%
Theo trưởng cố vấn kinh tế của Allianz, ông Mohamed El-Erian, xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy lạm phát của Hoa Kỳ lên mức hai con số. Ông đã viện dẫn tác động gây gián đoạn của cuộc chiến tranh lên chuỗi cung ứng, vận chuyển, và giá cả hàng hóa.
Ông El-Erian, người cũng là chủ tịch của trường Queens College, Cambridge, nói với chương trình “Face the Nation” của CBS trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ông tin rằng lạm phát ở Hoa Kỳ sẽ có nhiều khả năng tăng hơn trước khi nó đạt đỉnh vào mùa hè.
Ông El-Erian cho biết: “Tôi ước tính rằng ở mức 7.9%, chúng ta có thể sẽ tiến rất gần hoặc trên 10% trước khi giảm xuống. Tất cả sự khác biệt đó là do sự gián đoạn mà cuộc chiến của ông Putin tác động đến giá cả hàng hóa, chuỗi cung ứng và vận chuyển.”
Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát ở Hoa Kỳ tăng với tốc độ phi mã ở mức 7.9% trong năm tính đến hết tháng Hai – tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm.
Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen dự đoán lạm phát sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2022. Kể từ đó, bà đã thay đổi dự đoán của mình, viện dẫn các tác động của chiến tranh.
“Chiến tranh đang làm tình hình trầm trọng thêm,” bà nói về cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong nhận xét tuần trước trên chương trình “Closing Bell” của CNBC. “Tôi nghĩ không có gì phải nghi ngờ về điều đó. Chúng ta đã thấy giá xăng tăng đáng kể và tôi đoán là vào tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến thêm bằng chứng về tác động lên lạm phát tại Hoa Kỳ từ cuộc chiến của ông Putin với Ukraine.”
Giờ đây, bà Yellen tin rằng sự bất ổn kinh tế do chiến tranh Nga-Ukraine thúc đẩy có nghĩa là người Mỹ nên sẵn sàng vì lạm phát sẽ phát tiếp tục ở mức “cao một cách khó chịu” trong suốt cả năm.
Điều mà Điện Kremlin gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine đã khiến các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong khi một loạt các thương hiệu lớn đã cắt đứt quan hệ kinh doanh với Moscow.
Giá dầu đã tăng vọt lên khoảng 130 USD/thùng sau cuộc xâm lược, mặc dù sau đó đã giảm xuống còn khoảng 100 USD/thùng. Giá các mặt hàng khoáng sản, phân bón và thực phẩm quan trọng như lúa mì cũng tăng mạnh. Giá urê, một loại phân đạm quan trọng, đã tăng hơn 3 lần trong vòng 12 tháng qua.
Các cảng của Ukraine đã không thể xuất cảng ngũ cốc kể từ khi xung đột bùng phát, trong khi các lệnh trừng phạt đối với Moscow đang khiến các nhà kinh doanh thực phẩm tránh mua hàng từ Nga, đẩy giá lên cao.
Liên Hiệp Quốc gần đây đã cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy giá lương thực và thực phẩm quốc tế lên tới 22%.
Cả Nga và Ukraine chiếm 19% nguồn cung lúa mạch và 14% lúa mì của thế giới. Nga cũng là nước xuất cảng phân bón hàng đầu.
Lạm phát và các tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga-Ukraine chắc chắn sẽ là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang khi họ gặp nhau vào thứ Ba trong phiên họp hai ngày mà các thị trường dự kiến sẽ đưa ra đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019.
Nhà phân tích tài chính trưởng của Bankrate, Greg McBride nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email: “Tất cả các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất một phần tư điểm khi cuộc họp của họ kết thúc vào thứ Tư (16/03).”
Ông nói thêm: “Các câu hỏi xoay quanh việc có bao nhiêu lần tăng nữa sẽ đến và tốc độ ra sao. Cuộc chiến ở Đông Âu cho Fed lý do để hành động thận trọng hơn, nhưng họ vẫn sẽ làm việc để khắc phục tình trạng lạm phát đã cao nhất trong 40 năm qua.”
Mặc dù việc Fed thắt chặt các điều kiện tiền tệ sẽ có tác dụng hạ nhiệt đối với nhu cầu và do đó đối với lạm phát, nhưng việc tăng lãi suất sẽ không có tác dụng gì để giải quyết các tắc nghẽn từ phía cung hoặc các yếu tố như lệnh cấm nhập cảng đối với năng lượng của Nga.
Ông McBride cho biết: “Giá dầu tăng cao sẽ gây thêm áp lực lạm phát, nhưng đó không phải là kiểu lạm phát do nhu cầu mà Fed có thể khắc phục.”
Ông nói thêm: “Giá dầu tăng sẽ hút nhiều tiền hơn từ túi tiền của người tiêu dùng và làm chậm nền kinh tế, có tác động tương tự như việc tăng lãi suất nhưng tức thời hơn.”
Theo một cuộc khảo sát do Cục Dự trữ Liên bang New York công bố hôm thứ Hai, kỳ vọng lạm phát đã tăng lên ở người Mỹ, những người đã nâng dự đoán của họ về mức lạm phát trong một năm kể từ bây giờ và trong thời gian 3 năm tới.
Người tiêu dùng Hoa Kỳ dự đoán lạm phát sẽ ở mức 6.0% một năm kể từ bây giờ và 3.8% trong ba năm tới, và họ dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn đáng kể cho thực phẩm, xăng, và tiền thuê nhà trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, giá bán buôn, phản ánh chi phí phát sinh của các doanh nghiệp có khả năng được chuyển đến người tiêu dùng cuối dưới dạng lạm phát giá tiêu dùng, đã tăng trong tháng Hai với tốc độ nhanh nhất theo tháng, đồng thời khớp với mức cao nhất theo năm của tháng Một.
Theo Cục Thống kê Lao động, Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) trong tháng Hai đã tăng 2.4% hàng tháng và 10% hàng năm .
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: