Nhà kinh tế Đại học Thanh Hoa: Bang giao Trung-Mỹ là thách thức lớn nhất của ĐCSTQ
Nhà kinh tế Tiết Lan (Xue Lan), hiệu trưởng Trường Cao đẳng Schwarzman thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho biết, thách thức lớn nhất mà ĐCSTQ phải đối mặt là mối bang giao Trung-Mỹ.
Trong bài diễn văn tại một diễn đàn được tổ chức hôm 23 và 24/04, ông Tiết cho biết, nền tảng để cải thiện mối bang giao là tăng cường đối thoại và thu hẹp sự cách biệt về nhận thức giữa hai quốc gia.
Ông Tiết cho biết thách thức lớn thứ hai mà ĐCSTQ phải đối mặt là vấn đề già hóa dân số và mức sinh dưới mức thay thế hoặc tỷ lệ sinh giảm.
Thách thức thứ ba liên quan đến việc điều chỉnh thâm hụt nguồn cung cấp thực phẩm và an ninh năng lượng cộng với nợ tài chính.
Thách thức thứ tư đề cập đến các vấn đề về sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập.
Cuối cùng, ông nói, áp lực phải đạt được sự cân bằng hợp lý giữa việc vừa bảo đảm thành công kinh tế vừa bảo vệ môi trường, tức là giảm lượng khí thải carbon một cách có trách nhiệm.
Ngoài năm thách thức nói trên, ông Tiết nhấn mạnh rằng ĐCSTQ phải chuẩn bị cho sự “tách rời” của thế giới khỏi Trung Quốc, nơi cộng đồng toàn cầu giảm bớt sự phụ thuộc vào các sản phẩm và chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Ông Tiết cho rằng những khó khăn về kinh tế và chuỗi cung ứng của thế giới do đại dịch và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ sẽ khiến các nước khác “tách rời” khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Biết rằng ông Tiết là một nhà kinh tế Trung Quốc, nhà sử học người Úc kiêm nhà phân tích các vấn đề thời sự Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) nói với The Epoch Times rằng, bài diễn văn này là một dấu hiệu khác cho thấy ĐCSTQ đang thể hiện sự yếu kém của mình trước Hoa Kỳ.
Ông Lý nói, đánh giá của ông Tiết phù hợp với sự lặp lại gần đây về “Tình hữu nghị Trung-Mỹ” của Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tần Cương và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên.
Ông Lý cho biết ông tin rằng những ý kiến được chia sẻ của ông Tiết, ông Tần, và ông Triệu phản ánh Đạo luật AXIS (tên gọi chính thức là “Đạo luật Đánh giá Sự Can thiệp và Lật đổ của ông Tập”) được đưa ra tại Hạ viện Hoa Kỳ. Đạo luật này được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm 27/04 và được đưa ra Thượng viện hôm 04/05.
Đạo luật AXIS yêu cầu cơ quan hành pháp Hoa Kỳ theo dõi và báo cáo bằng chứng về sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Nhà bảo trợ của dự luật, Dân biểu Andy Barr (Cộng Hòa-Kentucky) cho biết liên minh giữa hai quốc gia này là một trục tà ác mới đe dọa Hoa Kỳ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Hoa Kỳ là chướng ngại lớn nhất đối với mục tiêu bá quyền của ĐCSTQ
Khi nói chuyện với The Epoch Times, ông Lý Chính Tu (Lee Jung-soo), một chuyên gia quân sự và cộng sự nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, cho rằng Hoa Kỳ là chướng ngại lớn nhất đối với mục tiêu trở thành cường quốc thế giới của Trung Quốc vào năm 2049, kỷ niệm một trăm năm ĐCSTQ cầm quyền.
Ông Lý nói: “Cựu Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Donald Trump đã đặt ra chướng ngại để kiềm chế tham vọng thống trị của ĐCSTQ.”
Ông nói, “Từ năm 1971, khi Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc, đến khi ông Trump nhậm chức, bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tương đối ổn định trong hơn 40 năm. Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ hy vọng ĐCSTQ thông qua việc kết giao với phương Tây, học hỏi về trật tự quốc tế và phát triển nền kinh tế của mình, sẽ cải biến thể chế độc tài toàn trị của mình.”
“Ông Trump đã cố gắng kiềm chế, kiểm soát, và thậm chí bao vây ĐCSTQ thông qua các cuộc chiến kinh tế, thương mại, công nghệ, và tài chính. Điều này khiến ĐCSTQ khó có thể vượt qua Hoa Kỳ và đạt được mục tiêu thống trị thế giới. Đó là lý do tại sao ĐCSTQ e sợ và thù ghét ông Trump.”
Các quốc gia Tây phương ngày càng không tín nhiệm ĐCSTQ
Trong phần trình bày của ông Tiết, ông nói rằng nền tảng để cải thiện mối bang giao Trung-Mỹ là thúc đẩy giao tiếp và thu hẹp khoảng cách nhận thức song phương. Trong khi nền tảng này có thể làm tăng sự hiểu biết về Trung Quốc của Hoa Kỳ, ông Tiết cho biết Trường Cao đẳng Schwarzman sẽ tiến thêm một bước nữa. Trường này nhằm mục đích đào tạo “các nhà lãnh đạo toàn cầu trong tương lai, những người có kiến giải sâu sắc về Trung Quốc.”
Ông Lý Chính Tu cho biết kế hoạch cải thiện mối bang giao Trung-Mỹ của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình là để “kể tốt câu chuyện của Trung Quốc”.
Ông Lý nói tiếp rằng Trường Cao đẳng Schwarzman đang sử dụng những nguồn lực rất lớn về tài chính, nhân lực, và vật lực để chuyển vận hệ tư tưởng cộng sản ra thế giới bên ngoài. Nhưng kết quả mong muốn đã trở nên khó nắm bắt vì thế giới ngày càng không tín nhiệm sự lãnh đạo của ĐCSTQ và thể chế chính trị cộng sản, ông cho biết và nói thêm rằng sự thiếu tin tưởng này đã trở thành “gót chân Achilles (điểm yếu chí mạng) lớn nhất của ĐCSTQ.”
Ông Lý nói, “Thành thật mà nói, không chỉ cả thế giới này không tin tưởng vào chế độ cộng sản mà chính người dân Trung Quốc cũng vậy.”
“Việc Thượng Hải bị phong tỏa là bằng chứng rõ nhất về điều này. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nhà cầm quyền này phải đối mặt cho đến nay. Đoạn video trên mạng internet ‘Tiếng nói tháng Tư’ đã lan truyền mạnh mẽ, đang chứng tỏ một điều rằng người dân Trung Quốc giống như những con kiến trong mắt các nhà lãnh đạo ĐCSTQ.”
“Tiếng nói tháng Tư” là một đoạn phim ngắn dài sáu phút được công bố hôm 22/04 là sự tổng hợp của những lời giãi bày được ghi lại trong thời gian phong tỏa ở Thượng Hải, mô tả cảnh ngộ của người dân. Video này đã được tải lên và bị xóa ngay sau đó, nhưng đã kịp lan truyền nhanh chóng.
Ông nói, “Đối với tôi, mong ước của nhà tài phiệt người Mỹ Stephen Schwarzman là tốt vì ông ấy muốn thế giới này lý giải được Trung Quốc. Nhưng mọi người càng hiểu về Trung Quốc bao nhiêu, thì họ càng cảm thấy nhà cầm quyền cộng sản này không thể tồn tại lâu dài bấy nhiêu.”
“Nói cách khác, mọi người sẵn sàng làm bằng hữu với nhân dân Trung Quốc, nhưng họ phát hiện ra rằng chế độ chuyên quyền này cần phải bị lật đổ, nếu không thì Trung Quốc sẽ không còn hy vọng, và hiện tại có rất nhiều người đang cân nhắc tới việc rời khỏi Trung Quốc, không còn dính líu một chút nào nữa.”
Trường Cao đẳng Schwarzman
Ông Stephen Schwarzman là người sáng lập, chủ tịch, giám đốc điều hành của Blackstone Group và Trường Cao đẳng Schwarzman được đặt theo tên của ông.
Năm 2013, ông Schwarzman đã đóng góp 100 triệu USD để thành lập học bổng thạc sĩ toàn phần với Đại học Thanh Hoa. Chương trình một năm này được mô phỏng theo Học bổng Rhodes của Oxford ở Vương quốc Anh.
Chương trình học bổng Thanh Hoa này chính thức được thành lập vào tháng 10/2015 và 110 người đầu tiên nhận học bổng đã bắt đầu học vào tháng 09/2016. Trong số này, 20% đến từ Trung Quốc, 40% đến từ Hoa Kỳ, và 40% từ các khu vực và quốc gia khác.
Mỹ Quốc, Anh Quốc, và Trung Quốc đã cung cấp thêm 435 triệu Mỹ kim tài trợ cho quỹ học bổng này. Các nhà tài trợ của quỹ này bao gồm British Petroleum (BP) và Delta Air Lines.
Theo một số nhà quan sát, ông Schwarzman đã thành lập trường cao đẳng này và các quỹ học bổng để tạo cơ hội kết nối hơn nữa với giới tinh hoa cộng sản của Trung Quốc. Những người khác đã dẫn chứng rằng vào năm 2007, ĐCSTQ đã mua 3 tỷ USD cổ phần của Tập đoàn Blackstone.
Theo tờ Tuần báo Thời Đại (The Time Weekly) của truyền thông Trung Quốc, Trường Cao đẳng Schwarzman thu hút những sinh viên ngoại quốc xuất sắc, những người “được kỳ vọng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh đẳng cấp thế giới.”
Giống như các Viện Khổng Tử của Trung Quốc đặt tại 134 quốc gia, ông Schwarzman đã bị chỉ trích là một đầu mối quan trọng giúp ĐCSTQ mở rộng ảnh hưởng quốc tế của mình.
Ông Schwarzman cho biết ông không lo lắng về việc ĐCSTQ can thiệp vào quyền tự do học thuật của sinh viên tại trường cao đẳng này vì dự án được các quan chức hàng đầu của đảng hỗ trợ.
Nhưng ĐCSTQ vẫn có những quy định nghiêm ngặt về nội dung giảng dạy trong các trường cao đẳng và đại học. Những quy luật đó quy định nội dung các bài học về lịch sử và chính trị. Đặc biệt các nội dung liên quan đến giá trị phổ quát, nhân quyền và các nguyên lý của nền dân chủ Tây phương phải được loại bỏ khỏi giáo án và sách giáo khoa.
Tên tiếng Trung của Cao đẳng Schwarzman là “Thư viện Schwarzman” (Schwarzman Shuyuan). “Thư viện” có nghĩa là nơi đọc sách, nghe giảng, học tập.
Ông Lý Nguyên Hoa nói rằng bản chất của nền giáo dục của ĐCSTQ là chủ nghĩa độc tài, trong khi “Thư viện”, vốn phổ biến vào thời Nam Tống ở Trung Quốc, vốn có đặc trưng là “tự do giảng thuyết”. Triều đại nhà Tống (960-1270) có lẽ là thời đại cởi mở nhất và hoàng kim nhất về trí tuệ trong lịch sử Trung Quốc.
Ông Lý cho biết ĐCSTQ đang che giấu bản chất thực sự của hệ tư tưởng độc tài đối với sinh viên bằng cách gọi Trường Cao đẳng Schwarzman là “Thư viện Schwarzman.”
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Joyce Liang
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: