Nhà hoạt động và ngôi sao nhạc pop người Canada Hà Vận Thi được tại ngoại
Ca sĩ nhạc pop tiếng Quảng Đông Hà Vận Thi (Denise Ho) đã được tại ngoại sau khi bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ tùy tiện trong cuộc đàn áp của chính quyền thành phố này đối với một kênh truyền thông ủng hộ dân chủ.
Cô Hà, một công dân Canada, đã bị áp giải từ nơi cư ngụ của cô ở Hồng Kông vào sáng sớm ngày 29/12, theo trang Facebook của cô. Cùng ngày, lực lượng cảnh sát an ninh quốc gia đã đột kích trụ sở của tờ Lập Trường Tân Văn (Stand News), một kênh truyền thông ủng hộ dân chủ địa phương, và bắt giữ sáu thành viên hội đồng quản trị tiền nhiệm và đương nhiệm của tờ báo này vì “âm mưu xuất bản các ấn phẩm xúi giục nổi loạn.” Cô Hà là cựu thành viên hội đồng quản trị của tờ báo này.
Hôm 30/12, cô Hà cùng bốn cựu thành viên khác của Lập Trường Tân Văn đã được tại ngoại.
“Cảm ơn tất cả những lời nhắn nhủ quan tâm mà các bạn đã dành cho tôi, tôi đã được tại ngoại và trở về nhà an toàn,” ca sĩ Hà Vận Thi viết trên Twitter.
Cô Hà đã tham gia Phong trào Dù Vàng năm 2014 và các cuộc biểu tình đòi dân chủ quy mô lớn phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2019 và 2020, được châm ngòi bởi một dự luật dẫn độ gây tranh cãi do chính quyền Hồng Kông đưa ra nhằm mở rộng quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với khu tự trị này.
Cựu tổng biên tập của Lập Trường Tân Văn là ông Chung Phái Quyền (Chung Pui-kuen), và ông Lâm Thiệu Đồng (Patrick Lam), người đang giữ chức quyền tổng biên tập trước khi quyết định từ chức vào ngày 29/12 sau khi bị bắt, đã bị từ chối tại ngoại.
Ông Chung và ông Lâm dự kiến sẽ ra điều trần vào ngày 25/02/2022. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với hai năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 5,000 HKD (khoảng 810 CAD hay 641.35 USD).
Bà Trần Bồi Mạn (Chan Pui-man), vợ của ông Chung đồng thời là cựu biên tập viên của tờ Apple Daily ủng hộ dân chủ hiện không còn tồn tại, cũng vẫn bị giam sau khi bị bắt lại vào hôm 29/12.
Vụ bắt giữ này đã thu hút sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly đã viết trên Twitter rằng bà “lo ngại sâu sắc” và Canada sẽ “luôn đứng lên ủng hộ nền dân chủ và quyền tự do báo chí.”
Bà viết: “Quyền tự do báo chí và ngôn luận vẫn là nền tảng của nền dân chủ và cần thiết cho việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng và chỉ trích gay gắt những hành vi vi phạm các quyền tự do này, trong liên kết đối tác với các đồng minh quốc tế của chúng tôi.”
Bà Joly cũng lưu ý rằng các quan chức lãnh sự Canada đang theo dõi tình hình ở Hồng Kông rất chặt chẽ và “túc trực sẵn sàng để hỗ trợ trên thực địa.”
Ông Irwin Cotler, luật sư nhân quyền Canada và cựu bộ trưởng tư pháp liên bang, nói với CBC News rằng chính phủ liên bang có “những trách nhiệm cụ thể ở đây, bên cạnh trách nhiệm của cộng đồng các nền dân chủ.”
“Những gì chúng ta đang thấy là một cuộc tấn công trực diện không chỉ vào tự do truyền thông, không chỉ về sự an nguy của các ký giả, không chỉ vào phong trào dân chủ — mà còn vào chính nền dân chủ ở Hồng Kông,” ông nói.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) cũng bày tỏ lo ngại về quyền tự do ngôn luận ở thuộc địa cũ của Anh này.
“Vụ bắt giữ nhân viên Stand News và ca sĩ Denise Ho là một ví dụ khác về việc chính quyền Bắc Kinh đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông,” bà Thái viết trên Twitter.
“Chúng tôi ở Đài Loan rất lấy làm tiếc khi chứng kiến họ bị giam giữ và kêu gọi cộng đồng quốc tế đứng lên đấu tranh cho quyền tự do và nền dân chủ ở Hồng Kông.”
(Tỷ giá quy đổi ngày 31/12: 1 HKD = 0.16216 CAD = 0.12827 USD)
Anh Andrew Chen là phóng viên của Epoch Times tại Toronto.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: