Nhà hát cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên sau 1,600 năm
Hôm 23/05, một nhà hát thời Hy Lạp cổ đại mới được khôi phục ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc miễn phí của Dàn nhạc Giao hưởng Tiểu bang Izmir.
Theo các nhà lãnh đạo của dự án trùng tu này, đây là lần đầu tiên địa điểm này được sử dụng để biểu diễn trực tiếp kể từ khi nó bị hư hại nghiêm trọng do một trận động đất vào thế kỷ thứ 5.
“Sau 1,600 năm gián đoạn, nhà hát này một lần nữa có thể tiếp đón hàng ngàn khán giả và những người yêu âm nhạc,” giám đốc dự án Celal Simsek nói với The Epoch Times.
Tọa lạc tại thành phố cổ Laodicea, nơi ngày nay là tỉnh Denizli của Thổ Nhĩ Kỳ, nhà hát mới được trùng tu này có sức chứa 15,000 người.
Mọi người đến từ khắp nơi trong tỉnh này để tham dự buổi hòa nhạc, nhiều người trong số họ đã được chính phủ địa phương của Denizli, nơi tổ chức sự kiện này, đưa đón bằng xe buýt miễn phí đến địa điểm.
“Buổi hòa nhạc hôm thứ Hai (23/05) là một thành công ngoài sức tưởng tượng,” ông Hayrullah Akgun, Phó giám đốc Tổng cục Du lịch và Văn hóa của Denizli, nói với The Epoch Times. “Nhà hát đã chật kín chỗ.”
Cô Guldah Altintas, một cư dân Denizli 34 tuổi, người đã tham dự buổi biểu diễn kéo dài hai giờ đồng hồ này, nói với The Epoch Times: “Bầu không khí thật không thể diễn tả được; Tôi đã nổi da gà. Và âm thanh thật tuyệt vời.”
Nỗ lực trùng tu
Được tài trợ bởi Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Phát triển South Aegean do nhà nước điều hành, dự án trùng tu đầy tham vọng này đã mất hai năm rưỡi để hoàn thành. Dự án được thực hiện bởi một nhóm toàn những người Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm các nhà khảo cổ học, kiến trúc sư, và kỹ sư.
“Khoảng 97% cấu trúc ban đầu vẫn còn nguyên vẹn; nó chỉ cần được khai quật mà thôi,” ông Simsek, người cũng là giám đốc Khoa Khảo cổ học tại Đại học Pamukkale của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.
“Chúng tôi đã khôi phục 3% còn lại với việc bổ sung khoảng 4,000 khối đá mới.”
Theo nhà khảo cổ học này, thành phố cổ Laodicea nằm trên một khu đất rộng tám km vuông, đang trở thành địa điểm khảo cổ lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói: “Cùng với hai nhà hát, địa điểm này còn có nhà thờ, đền thờ, nhà tắm công cộng, đài phun nước, các đường phố chính và một sân vận động.”
Ông Simsek nói thêm rằng dự án trùng tu gần đây hầu như không phải là lần đầu tiên nhà hát này cần được sửa chữa.
Ông giải thích: “Bởi vì khu vực này nằm trên một đường đứt gãy lớn, nên nó đã được khôi phục nhiều lần trong thời kỳ La Mã.”
“Công việc này bao gồm các cuộc trùng tu lớn được thực hiện dưới triều đại của các hoàng đế Augustus (27 TCN – 14 SCN), Septimius Severus (193–211) và Valens (364–378).”
Tái sinh ‘Kinh đô của Á Châu’
Laodicea được thành lập vào thế kỷ thứ Ba trước Công nguyên bởi Vua Antiochus II của Vương triều Seleucid, cai trị miền Tây Á Châu sau sự sụp đổ của đế chế tồn tại ngắn ngủi của Alexander Đại đế.
Vua Antiochus đã đặt tên thành phố này theo tên vợ của ông, Laodice, người mà sau này ông đã ly hôn để kết hôn với con gái của pharaoh Ai Cập.
Laodicea đã bị người La Mã xâm chiếm vào năm 133 trước Công nguyên, dưới sự cai trị của người La Mã nơi này đã được hưởng sự thịnh vượng chưa từng có.
Vào thời hoàng kim, thành phố này đã thu hút nhiều du khách nổi tiếng, bao gồm nhà hùng biện trứ danh Cicero vào năm 50 trước Công nguyên và Hoàng đế Hadrian khoảng 80 năm sau đó.
Theo ông Simsek, vị trí chiến lược của thành phố này đã góp phần làm cho nó trở thành một trung tâm thương mại quan trọng.
Ông cho biết, “Các nguồn tin cổ xưa cho chúng tôi biết rằng Laodicea đã từng thu nhiều thuế hải quan hơn bất kỳ thành phố nào khác trong vùng.”
“Và bởi vì đây là nơi có hai trong số các nhà hát lớn nhất khu vực, nên nó cũng là một trung tâm nghệ thuật và văn hóa.”
Năm 494, thành phố này — và các nhà hát biểu tượng của nó — đã phải hứng chịu một trận động đất kinh hoàng mà từ đó nó không bao giờ có thể hồi phục được nữa. Và với sự xuất hiện của Đế quốc Seljuk Turks vào thế kỷ 11, Laodicea, từng được mô tả là “Kinh đô của Á Châu,” đã bị bỏ hoang hoàn toàn.
Theo ông Akgun, hiện có kế hoạch tổ chức các buổi biểu diễn tiếp theo tại nhà hát của Laodicea.
“Sau khi sống sót qua vô số trận động đất, địa điểm cuối cùng này đã được khôi phục lại như thời hoàng kim trước đây của nó và hiện đã sẵn sàng để tổ chức các buổi biểu diễn và khán giả trong thế kỷ 21.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times