Nhà đồng sáng lập Blackstone: Thế giới đang đối mặt với tình trạng ‘thiếu hụt năng lượng thực sự’ có thể dẫn đến bất ổn xã hội
Theo ông Stephen Schwarzman, người đồng sáng lập Blackstone Inc., thế giới đang phải đối mặt với tình trạng “thiếu hụt năng lượng thực sự” có thể dẫn đến bất ổn xã hội.
Theo Bloomberg, ông nói tại phiên bản thứ năm của Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Riyadh, Saudi Arabia, hôm thứ Ba rằng, “Chúng ta sẽ rơi vào một tình trạng thiếu năng lượng thực sự”.
Ông nói thêm: “Và khi quý vị bị thiếu hụt, chính là quý vị sẽ phải trả giá cao hơn và có thể sẽ phải trả cao hơn rất nhiều hơn nữa. Và khi tình huống ấy xảy ra, quý vị sẽ gặp phải những người rất không hạnh phúc trên khắp thế giới, cụ thể là ở các thị trường mới nổi”.
Cảnh báo của ông Schwarzman được lặp lại bởi chủ tịch của BlackRock Inc., ông Larry Fink, người cho biết có khả năng giá dầu sẽ sớm đạt 100 USD/thùng, đặc biệt là trong bối cảnh các chính phủ và nhà đầu tư hướng nền kinh tế và hệ thống năng lượng của họ khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Ông Fink nói: “Lạm phát, chúng ta đang ở trong một cơ chế mới. Có nhiều lý do mang tính cấu trúc cho lạm phát. Chính sách ngắn hạn liên quan đến chủ nghĩa môi trường, trong điều kiện hạn chế cung cấp hydrocacbon, đã tạo ra lạm phát năng lượng và chúng ta sẽ phải sống chung với lạm phát trong một thời gian”.
Giá năng lượng tăng cao hiện đang diễn ra trên toàn cầu, với một số quốc gia Âu Châu phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng cao trong bối cảnh các mặt hàng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và than đá tăng giá.
Giá khí đốt đã tăng hơn 35% trong tháng Chín trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên thấp hơn và nhu cầu tăng vọt khi các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên thế giới mở cửa trở lại, gây ra lo ngại rằng đơn giản là không có đủ khí đốt dự trữ cho mùa đông nếu nhiệt độ đặc biệt lạnh ở bắc bán cầu.
Sản lượng thấp từ các cơ sở điện gió và trang trại năng lượng mặt trời ở Âu Châu và công việc bảo trì cho máy phát điện hạt nhân và các kế hoạch khác bị ngừng lại cũng góp phần làm tăng giá năng lượng.
Ở Âu Châu, mức cung thấp hơn 16% so với mức trung bình 5 năm vào tháng trước, mức thấp kỷ lục tại thời điểm của năm, và các công ty tiện ích ở Âu Châu đã chuyển sang sử dụng than để chống lại tình trạng thiếu hụt như vậy, thậm chí còn yêu cầu Nga cung cấp thêm nguồn cung. Kết quả là, than hiện đang được giao dịch ở mức cao ngất trời.
Nhưng không chỉ Âu Châu đang phải chiến đấu với nguồn cung khí đốt tự nhiên ngày càng giảm. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, mức khí đốt trong kho của Hoa Kỳ thấp hơn 7.4% so với mức trung bình 5 năm vào tháng Chín và thấp hơn 16,8% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Trung Quốc, quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào than, hồi đầu tháng này đã chuyển sang đảm bảo nhiều nguồn cung hơn – bao gồm cả điện và dầu – khi nước này đối mặt với các vấn đề cung cấp điện buộc các nhà máy phải đóng cửa và gây ra các vấn đề gián đoạn nguồn cung liên tục cho nhiều công ty lớn trên toàn cầu.
Trong khi đó, Goldman Sachs hôm thứ Hai (25/10) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ có thể đẩy giá dầu thô Brent lên trên mức dự báo cuối năm là 90 USD/thùng.
Dầu thô Brent được giao dịch ở mức 85.41 USD/thùng vào hôm thứ Ba (26/10), do nhiều quốc gia tiêu dùng lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Ấn Độ, đã thúc giục các nhà sản xuất bơm thêm. Giá xăng theo hợp đồng tương lai ở Á Châu và Âu Châu cũng đạt mức cao kỷ lục trong tháng này.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Goldman Sachs, ông David Solomon cho biết hôm thứ Ba (26/10) rằng mối lo ngại đang gia tăng rằng thế giới sẽ bước vào thời kỳ lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại.
Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành của Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng nhắc lại nhu cầu sản xuất nhiều hơn, lưu ý rằng sản lượng dầu toàn cầu giảm là một “mối quan ngại lớn”.
Bloomberg đưa tin, ông Nasser cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Riyadh, “Công suất dự phòng đang giảm dần. Bây giờ đang đi đến tình huống nguồn cung hạn chế – bất cứ thứ gì còn lại, dự phòng đều giảm nhanh chóng”.
Công ty đang đầu tư hàng tỷ USD để nâng công suất sản xuất dầu lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.
Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về việc tăng giá đối với mọi thứ, từ khí đốt đến thực phẩm, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và nhiều nhà kinh tế vẫn khẳng định rằng sự gia tăng lạm phát gần đây là “nhất thời” và chỉ phản ánh những tác động liên tục của sự cố chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: