Nhà đầu tư vẫn lạc quan bất chấp chẩn đoán bệnh của ông Trump
Cổ phiếu vẫn phục hồi đáng kinh ngạc sau sự cố nhiễm COVID-19 của Tổng thống Donald Trump, thông tin gây chấn động khắp các thị trường toàn cầu vào tuần trước.
Theo Ed Yardeni, một chiến lược gia kỳ cựu của Phố Wall và là chủ tịch của công ty nghiên cứu Yardeni, các nhà đầu tư chứng khoán đang dần không để tâm đến những nhiễu âm từ Washington, trong bối cảnh biến động chính trị gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tháng 11.
“Các nhà đầu tư ngày càng kết luận rằng bản thân những nhiễu âm đó không thực sự cung cấp bất kỳ thông tin đầu tư hữu ích nào,” ông nói với The Epoch Times.
Chỉ bốn tuần trước cuộc bầu cử, việc Tổng thống đột ngột bị chẩn đoán nhiễm virus và phải nhập viện đã làm tăng thêm bất ổn cho thị trường tài chính, gây ra đợt bán tháo ban đầu trên thị trường. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm vào ngày 2 tháng 10 sau kết quả xét nghiệm dương tính của TT Trump, nhưng đã phục hồi vào đầu tuần khi sức khỏe của Tổng thống được cải thiện đã làm giảm bớt phần nào sự âu lo trên thị trường.
Theo Yardeni, chẩn đoán bệnh của ông Trump là một “bước diễn biến đau đầu mới trong một năm quay cuồng”.
Diễn biến này sẽ khiến TT Trump bỏ lỡ các sự kiện tranh cử quan trọng, điều này có thể làm tăng thêm sự bất ổn trong bầu cử và biến động thị trường trong những tuần tới.
“Bạn sẽ nghĩ rằng thị trường, như một hệ quả tất yếu, sẽ biến động và có thể giảm nhiều hơn là tăng, nhưng có vẻ như sự giảm của tháng 9 rất có thể dẫn đến sức tăng của tháng 10”, Yardeni nói.
Ông nói thêm: “Các nhà đầu tư đã nhận thấy rằng nếu bạn ra khỏi thị trường vào tháng 9, kết quả là bạn dồn tiền vào trái phiếu lãi suất 0 đồng, đó không phải là một giải pháp hấp dẫn thay thế cho cổ phiếu.”
Thị trường chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng phục hồi sau những thất bại gần đây do lãi suất bằng không đang buộc các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu thay vì trái phiếu và tập trung nhiều hơn vào dài hạn thay vì ngắn hạn.
Phục hồi kinh tế
Gần một nửa số cử tri đã đăng ký cho biết họ quan ngại hơn về nền kinh tế sau chẩn đoán bệnh của ông Trump, theo Morning Consult / Politicopolls được thực hiện vào ngày 2–3 tháng 10. 38% người phản hồi cho biết diễn biến này không thay đổi quan điểm của họ về vấn đề này và chỉ 6% nói rằng họ bớt lo lắng về nền kinh tế.
“Tôi nghĩ rằng giả thuyết này cũng tương đối hợp lý, rằng bất kể ai thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bất kể điều gì diễn ra ở Washington, nền kinh tế sẽ hoạt động tốt trong năm 2021 và 2022”, Yardeni nói, bổ sung thêm rằng nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự hồi phục theo hình chữ V.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở vị thế có thể tăng trưởng hơn 30% trong quý thứ ba (từ tháng 7 đến tháng 9), mạnh hơn so với dự đoán trước đây.
Mô hình GDPNow của Atlanta Fed vào ngày 6 tháng 10 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý thứ ba sẽ tăng 35.3%, một bước nhảy kỷ lục sau mức giảm kỷ lục 31.4% trong quý thứ hai. Fed Atlanta đã sửa đổi dự báo của mình sau những thông tin kinh tế tích cực gần đây.
Báo cáo việc làm tuần trước cho thấy rằng các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ đã thêm 661.000 việc làm mới trong tháng 9 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7.9%. Nền kinh tế đã khôi phục khoảng 50% số việc làm bị mất trong thời gian đóng cửa.
Niềm tin của người tiêu dùng cũng phục hồi trong tháng 9, đạt mức tăng lớn nhất trong 17 năm. Người tiêu dùng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế và thị trường việc làm.
Ngành dịch vụ của Hoa Kỳ cũng đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Mảng này tiếp tục mở rộng trong tháng 9 với Chỉ số Dịch vụ ISM tăng lên tới 57.8. Đây là tháng thứ tư liên tiếp sự nhộn nhịp mở rộng trong lĩnh vực dịch vụ sau đợt giảm mạnh trong thời gian khoảng thời gian kinh tế đóng cửa giữa đại dịch vào tháng 4 và tháng 5. Việc mở rộng chủ yếu được thúc đẩy bởi các đơn hàng và việc làm mới.
Bên cạnh dữ liệu kinh tế, tin tức xung quanh thỏa thuận kích thích kinh tế ở Washington cũng khiến thị trường quay vòng.
Kể từ ngày 6 tháng 10, các nhà phân tích không kỳ vọng bất kỳ đột phá nào cho một gói ngân sách đáng kể trước cuộc bầu cử tháng 11.
Brett Ryan, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Deutsche Bank, cho biết trong một báo cáo: “Điều này làm tăng một số rủi ro đối với quỹ đạo chi tiêu của người tiêu dùng trong ngắn hạn và là một trong những lý do khiến chúng tôi không mấy lạc quan về tăng trưởng GDP thực tế cho quý hiện tại”.
Cổ phiếu trên đà giảm vào ngày 6 tháng 10 sau khi TT Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã ngừng các cuộc đàm phán kích cầu với Đảng Dân Chủ “cho đến sau cuộc bầu cử”.
Rủi ro của một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi
Trong khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, sự chú ý của nhiều nhà đầu tư đã hướng về cuộc bầu cử tháng 11. Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về rủi ro của một cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ với nhiều tranh cãi và một thời kỳ biến động tiềm tàng của thị trường.
Trong một lưu ý cho khách hàng, công ty quản lý tài sản Northern Trust đã cảnh báo về khả năng gia tăng “sự biến động thị trường do bầu cử” sau chẩn đoán bệnh của ông Trump.
Tuy nhiên, chi phí phòng ngừa rủi ro biến động đã tăng lên trong những tuần gần đây. Theo Bloomberg, cuộc bầu cử năm 2020 hiện là nhân tố rủi ro tốn kém nhất được ghi nhận. Thị trường tài chính “đang tăng cường bảo hiểm rủi ro về khả năng biến động xung quanh cuộc bầu cử, nhiều khả năng vì kết quả bất ổn tiềm tàng và có thể dẫn đến kiện tụng”, James McDonald – chiến lược gia đầu tư tại Northern Trust, đã viết.
“Một cách để đo lường điều này là thông qua giá tương lai tính toán dựa trên sự biến động. Hợp đồng tương lai biến động VIX đã tăng trong sáu tuần qua từ mức hiện tại là 25 lên mức biến động dự kiến là 32 vào tháng 11 – tiếp nối bởi sự sụt giảm trong những tháng tiếp theo”, ông bổ sung.
McDonald cũng lưu ý rằng cuộc đua trong đợt bầu cử tổng thống giữa George W. Bush và Al Gore, mà sau được giải quyết bằng quyết định của Tòa án Tối cao, “đã dẫn đến một khoảng thời gian 5 tuần suy yếu của thị trường chứng khoán.”