Nhà đầu tư ngoại quốc chuyển hướng, thoát khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc
Dòng vốn ròng lớn chảy ra khỏi Trung Quốc đã chính thức trở thành một xu hướng khi chứng khoán có thu nhập cố định của Trung Quốc mất dần sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc.
Việc rút vốn khỏi thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn và bước sang tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Tư. Hầu hết các chuyên gia cho là sự thay đổi này là do đồng nhân dân tệ giảm giá và phần bù lợi suất thấp hơn khi so với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tương tự do chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc khác với lập trường hiếu chiến hơn của Hoa Kỳ.
Hành động quay đầu này hoàn toàn trái ngược với xu hướng trong vài năm trở lại đây, khi các nhà đầu tư ngoại quốc ham lợi suất đổ xô vào thị trường trái phiếu Trung Quốc do lợi suất nợ Hoa Kỳ cực thấp so với nợ Trung Quốc với cùng kỳ hạn, thậm chí cả khi đã được điều chỉnh theo rủi ro.
Trong nhiều năm, các nhà đầu tư ngoại quốc coi trái phiếu chính phủ Trung Quốc là một nguồn thu nhập cố định tương đối cao trong khi các nền kinh tế phương Tây giữ lãi suất đi vay thấp ở mức lịch sử.
Ngày nay, động lực lâu dài này đã hoàn toàn đảo ngược.
Việc nắm giữ trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc của các nhà đầu tư ngoại quốc đã giảm đáng kể. Các nhà đầu tư tổ chức ngoại quốc nắm giữ 3.77 ngàn tỷ nhân dân tệ (567 tỷ USD) trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc vào cuối tháng Tư, giảm 109 tỷ nhân dân tệ so với tháng Ba, tương đương mức giảm 3%, theo dữ liệu chính thức từ Công ty TNHH Lưu ký và Thanh toán Trung ương Trung Quốc. Điều này xảy ra theo sau mức giảm của tháng Ba khoảng 113 tỷ nhân dân tệ so với tháng Hai.
Trong ba tháng qua, dữ liệu chính thức cho thấy lượng nắm giữ của các nhà đầu tư ngoại quốc đã giảm khoảng 300 tỷ nhân dân tệ. Sự sụt giảm nắm giữ đang xảy ra trên diện rộng [đối với] trái phiếu chính phủ cũng như trái phiếu ngân hàng chính sách.
Đối với bối cảnh, lần cuối cùng — trước năm nay — tỷ lệ nắm giữ nợ Trung Quốc của các nhà đầu tư ngoại quốc giảm trong những tháng liên tiếp là vào cuối năm 2018.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã công bố một đợt tăng lãi suất chuẩn 50 điểm cơ bản, trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã dự tính các biện pháp nới lỏng định lượng để giảm thiểu một thảm họa kinh tế đang diễn ra do các lệnh phong tỏa theo chính sách “zero COVID.”
Bây giờ, lợi suất cao hơn do trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ cung cấp trông tương đối hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các nhà đầu tư toàn cầu hiện phải cân nhắc những rủi ro địa chính trị gia tăng khi nắm giữ nợ của Trung Quốc sau khi chính phủ này tiếp tục ủng hộ Nga sau cuộc xâm lược bị quốc tế lên án vào Ukraine hồi tháng Hai của nước này.
Lợi tức trái phiếu hỗ trợ các dòng vốn thực tế. Trở lại năm 2020, trái phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm mang lại lợi suất khoảng 0.7% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc có kỳ hạn tương tự vượt quá 3%. Tính đến cuối tháng Năm, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã đạt mức ngang bằng, trong đó trái phiếu 10 năm của Trung Quốc có lợi suất 2.82%, trong khi trái phiếu ngân khố 10 năm lãi suất chỉ cao hơn một chút ở mức 2.86%. Yếu tố rủi ro vỡ nợ tương đối cao hơn và rủi ro địa chính trị khi nắm giữ trái phiếu Trung Quốc, và dễ dàng nhận thấy rằng một nhà đầu tư thích nắm giữ trái phiếu Ngân khố Hoa Kỳ hơn trái phiếu Nhà nước Trung Quốc.
Bất chấp việc phong tỏa gây gián đoạn kinh tế ở nhiều thành phố để ngăn chặn đợt bùng phát COVID tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ năm 2020, PBoC vẫn thận trọng trong các biện pháp kích thích kinh tế, không thực hiện các biện pháp quyết liệt vốn có thể đẩy lợi suất trái phiếu xuống thấp hơn nữa.
PBoC nhận thức sâu sắc xu hướng này và thận trọng không giảm nhẹ quá mức so với phần còn lại của thế giới, vì những hành động của họ sẽ gây bất ổn hơn nữa cho nền kinh tế Trung Quốc và khiến đồng nhân dân tệ hiện tại xuống thấp hơn nữa. Hiện tại, sự phân kỳ chính sách tiền tệ đã tác động đến thị trường ngoại hối. Đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 5% so với USD kể từ hôm 01/01.
Một số nhà quan sát thị trường tin rằng động lực lớn hơn trong dòng tháo vốn ngoại quốc không phải là tỷ giá, mà là vấn đề địa chính trị. Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của Viện Tài chính Quốc tế đã viết trong một tweet vào tháng Năm: “Những dòng tiền chảy ra này bắt đầu sau hôm 24/02, khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu. Những dòng tiền này càng tiếp tục chảy, thì càng chứng tỏ các thị trường đang nhìn nhận Trung Quốc dưới góc độ mới kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.”
Có lẽ nhận thức được rằng để không gióng lên hồi chuông cảnh báo, các nhà chức trách Trung Quốc đã đột ngột ngừng báo cáo một số chỉ số liên quan đến dòng vốn ngoại quốc vào và ra khỏi thị trường trái phiếu trong nước.
Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc (CFETS) đột ngột ngừng báo cáo dữ liệu giao dịch trái phiếu hàng ngày của các nhà đầu tư ngoại quốc sau hôm 11/05. Trước đó một ngày, họ đã ghi nhận các dòng vốn ròng lớn của nhà đầu tư ngoại quốc chảy ra ngoài Trung Quốc.
CFETS không đưa ra lý do cho các báo cáo dữ liệu bị bỏ sót này, điều này càng làm dấy lên suy đoán rằng các nhà chức trách ĐCSTQ ngừng báo cáo để không thổi bùng dòng vốn chảy ra của các nhà đầu tư ngoại quốc bán nợ có chủ quyền của Trung Quốc.
Dù vậy, hành động này — nếu đúng — sẽ là một bước lùi rất lớn đối với Bắc Kinh, vốn đã rất cố gắng tạo dựng hình ảnh thị trường tự do với các luồng thông tin minh bạch để thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc vào thị trường nội địa của mình.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cô Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: