Nhà báo điều tra tiết lộ cách Big Tech định hướng quan điểm chính trị
Các công ty công nghệ lớn (Big Tech) như Facebook, Google và Twitter có thể tùy ý kiểm duyệt nội dung internet mà người dùng xem hoặc đăng tải nhằm tác động đến quan điểm chính trị của họ. Sau cuộc bầu cử [tổng thống] năm 2016, những gã khổng lồ công nghệ này đã tăng cường các hệ thống và các thuật toán để kiểm soát và chặn nội dung internet không phù hợp với quan điểm chủ yếu thiên tả của họ một cách hiệu quả hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times, nhà báo điều tra Allum Bokhari cho biết đang có nhiều mối lo ngại về sự ảnh hưởng của Thung lũng Silicon đối với nền chính trị dân chủ, bao gồm cả những cuộc bầu cử.
Vì “không có cơ quan quản lý nào ngăn họ sử dụng quyền lực đó, và điều này sẽ tác động lớn đến những gì người dân Hoa Kỳ được phép xem, những gì người dân Hoa Kỳ được phép đọc”, cũng có nghĩa là có thể can thiệp vào “cuộc bầu cử quan trọng này”, ông Bokhari nói.
Theo ông Bokhari, sự việc đã trở nên đặc biệt rõ ràng sau cuộc bầu cử năm 2016 khi ứng cử viên tổng thống khi đó là ông Donald Trump giành chiến thắng, đã gây bất ngờ cho các đối thủ của ông và những người có quan điểm chính trị cực tả, bao gồm cả những người ở hầu hết các công ty Big Tech.
Sau đó, các nhân viên chống Trump của những công ty này đã đưa ra các sáng kiến nhằm trấn áp thông tin sai lệch, tin tức giả mạo, và phát ngôn mang tính thù hận với trọng tâm là “trấn áp phong trào [ủng hộ] Trump, bảo đảm [cuộc bầu cử như] năm 2016 sẽ không tái diễn”, ông Bokhari nói với The Epoch Times.
Ông Bokhari đã tiến hành các cuộc điều tra về kiểm duyệt của các công ty Big Tech, và đã phỏng vấn những người tố giác trong nội bộ của họ, những người này lo ngại về đường hướng chính trị của những gã khổng lồ công nghệ này và “sự ảnh hưởng hoàn toàn không thể hiểu nổi” của họ đối với chính trị. Ông đã viết cuốn sách “#DELETED: Cuộc chiến của Big Tech nhằm Xóa bỏ Phong trào Trump và Ăn cắp cuộc Bầu cử” (#DELETED: Big Tech’s Battle to Erase the Trump Movement and Steal The Election).
Các ví dụ về ảnh hưởng của họ được thấy gần đây là “kiểm duyệt một trong những tờ báo lâu đời nhất của Hoa Kỳ, tờ New York Post”, “đóng tài khoản của thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc,” hoặc nhiều lần kiểm duyệt tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump, ông Bokhari nói.
Các phương pháp Kiểm duyệt Internet
Người cung cấp thông tin từ nội bộ Facebook đã nói với ông Bokhari về “sáng kiến chống phân cực chính trị” do công ty này thực hiện. Facebook phân tích các video và các bài viết mà những người thay đổi quan điểm chính trị của họ “từ cái gọi là cực hữu sang trung lập trên Facebook” đã xem và sử dụng thông tin này để tạo ra một mô hình nhằm “tác động vô hình” đến những người dùng được gọi là cực hữu khác nhằm thay đổi quan điểm chính trị của họ theo cách tương tự, ông Bokhari cho biết.
Ông Bokhari nói: “Điều mà Facebook đang làm có vẻ giống như một kiểu tẩy não. Chống phân cực chính trị “nghe có vẻ như trung lập về mặt chính trị”, dường như Facebook đang cố gắng “làm cho mọi người bớt tính đảng phái hơn nhưng tôi nghĩ nó che giấu một chương trình rất xảo quyệt.”
Ông Bokhari cho biết một cách kiểm duyệt vô hình khác là xóa đường liên kết tới các kênh truyền thông bảo thủ. Ví dụ: Hồi tháng 7, Breitbart đã công bố dữ liệu cho thấy khả năng hiển thị của Breitbart News trong các kết quả tìm kiếm của Google cho mọi thứ “đã giảm 99 [phần trăm] so với cùng thời kỳ năm 2016,” ông Bokhari nói.
Các công ty Big Tech cũng áp dụng một thang điểm bí mật đối với người dùng dựa trên mỗi bài viết họ đăng trên Facebook, Twitter, mọi trang web họ thử truy cập hoặc những gì họ đưa lên Google và sử dụng thang điểm này để quyết định những gì sẽ xuất hiện trên đầu kết quả tìm kiếm hoặc trên bảng tin của Facebook, YouTube, hoặc Twitter, ông Bokhari cho biết.
Phương pháp này được gọi là xếp hạng chất lượng và đã từng được sử dụng để xác định các trang web có phần mềm độc hại, có chứa virus, các trang web tạo spam, hoặc các nội dung không an toàn khác để ngăn chúng xuất hiện trên các trang đầu trong kết quả tìm kiếm của Google hoặc trên bảng tin của các mạng xã hội, ông giải thích.
Tuy nhiên, trong bốn năm qua, [họ] đã nâng cấp cơ chế này và sử dụng nó để đạt được một số mục tiêu chính trị. Các tiêu chí mới để chấm điểm đã được thêm vào các thuật toán và giờ đây nó chấm điểm dựa trên việc liệu “trang web hoặc bài đăng hoặc video trên YouTube có chứa thông tin sai lệch, hay phát ngôn mang tính thù hận hoặc tin tức giả mạo hoặc các thuyết âm mưu hay không. Vì vậy, bây giờ, việc xếp hạng chất lượng này phần nào phụ thuộc vào sự tuân thủ của bạn đối với các giá trị của Thung lũng Silicon”, ông Bokhari nói.
Trong cuốn sách xuất bản gần đây của mình, ông Bokhari đã viết rằng các công ty Big Tech là những người định nghĩa những gì được coi là “thông tin sai lệch”, “phát ngôn mang tính thù hận”, “bạo lực” hoặc “các bot” (robot) để chấm điểm. Họ đã huấn luyện các hệ thống của mình để chấm điểm nội dung của người dùng dựa trên các định nghĩa của họ.
Lý do “tại sao Antifa và những kẻ cực tả phạm luật và bạo lực khác dường như được hoạt động tự do trên các nền tảng mạng xã hội” là vì các thuật toán trên các nền tảng này “chỉ đơn giản là chưa được huấn luyện để phát hiện chúng,” ông Bokhari viết.
Cũng trong cuốn sách của mình, ông Bokhari dẫn lời một kỹ sư của Twitter xuất hiện trong một video giấu mặt do Dự án Veritas thực hiện, cho biết rằng các chủ tài khoản sử dụng “các cụm từ bảo thủ khuôn mẫu” như “súng, Chúa, Hoa Kỳ, và cờ Hoa Kỳ và thánh giá” trong các bài đăng của họ sẽ được hệ thống của Twitter phân loại là các bot.
“[Xếp hạng chất lượng] đang trở nên giống một cách kỳ lạ với hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc nơi mà một lần nữa, quý vị được xếp hạng dựa trên mức độ tuân thủ của mình với các giá trị của tầng lớp thống trị. Đó là những gì chúng ta đang có, về cơ bản đó là những gì Thung lũng Silicon đang hướng tới,” ông Bokhari nói.
Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc dựa trên hoạt động thu thập thông tin và sự giám sát khắc nghiệt để xếp hạng công dân và từ đó, áp dụng thưởng hoặc phạt họ. Các hình phạt có thể bao gồm việc chặn những người có [chỉ số] tín dụng xã hội “kém” mua vé du lịch.
Làm thế nào để kiềm chế các công ty Big Tech
Các công ty Big Tech kiểm soát hầu hết các phát ngôn và hoạt động chính trị được thực hiện trên nền tảng của họ và đây là “một tình huống thực sự khó khăn”, ông Bokhari cho biết. “Vì vậy, nếu bạn định cố gắng tổ chức chống lại họ, vậy thì họ sẽ kiểm soát các nền tảng mà bạn dùng để tổ chức.”
Khó khăn lớn khác là họ tài trợ cho các cơ quan bảo thủ, các cơ quan tiến bộ, các chính trị gia Đảng Cộng Hòa và các chính trị gia Đảng Dân Chủ, ông Bokhari nói thêm.
“Một tia hy vọng là chính phủ TT Trump có vẻ như đang thực hiện hành động có ý nghĩa đối với vấn đề quyền lực của các công ty Big Tech,” ông Bokhari nói.
Hồi tháng 10, Dân biểu Greg Steube (Đảng Cộng Hòa-Florida) đã công bố luật yêu cầu các công ty Big Tech phải tuân thủ [việc áp dụng] “Tiêu chuẩn của Tu chính án thứ nhất trong các quy tắc kiểm duyệt nội dung của mình”. Dự luật sẽ giới hạn quyền miễn trừ đối với các công ty này khi họ hạn chế phát ngôn hoặc kiểm duyệt [một số] nội dung nhất định, buộc họ phải chịu nhiều trách nhiệm pháp lý hơn.
Theo ông Bokhari, phản ứng của Đảng Dân Chủ tại Quốc hội về vấn đề quyền lực của các công ty Big Tech “về cơ bản là hoàn toàn trái ngược với Đảng Cộng Hòa,” ngoại trừ Dân biểu Tulsi Gabbard (Đảng Dân Chủ-Hawaii) “là người có vẻ hiểu vấn đề kiểm duyệt này”. Hầu hết các chính trị gia Đảng Dân Chủ ủng hộ “việc kiểm duyệt hơn nữa những phát ngôn mang tính thù hận” trong khi Đảng Cộng Hòa muốn các công ty công nghệ ngừng kiểm duyệt, vì vậy khó có được đa số trong một Quốc hội chia rẽ, ông Bokhari nói.
Ông Bokhari cho biết, ngay cả trong số những người Cộng Hòa, vẫn có người phản đối việc kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ vì một số thành viên Đảng Cộng Hòa cho rằng đó là can thiệp vào thị trường tự do. Tuy nhiên, ông Bokhari không đồng ý với quan điểm này vì quyền kiểm duyệt của các công ty Big Tech là một đặc quyền mà chính phủ cấp cho họ vào năm 1996 nằm trong Mục 230 của Đạo luật Khuôn phép Truyền thông.
“Quyền lực duy nhất ở thế giới phương Tây hiện đang cố gắng kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ là chi nhánh hành pháp tại Hoa Kỳ. Mọi chính phủ khác trên thế giới dường như muốn các công ty công nghệ này ra thêm các quy định về phát ngôn mang tính thù hận. Họ muốn kiểm duyệt nhiều hơn, họ muốn kiểm soát nhiều hơn,” ông Bokhari kết luận.