Nhà báo Ấn Độ bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc
Ấn Độ đã bắt giữ 3 người bị cáo buộc là gián điệp của Trung Quốc, trong đó có một nhà báo địa phương. Giới chức cho biết nhà báo này đã được trả hơn 40,000 USD để cung cấp thông tin nhạy cảm cho các nhân viên tình báo Trung Quốc.
Trong một tuyên bố vào ngày 19/9, cảnh sát Delhi cho biết ông Rajeev Sharma, một nhà báo tự do 61 tuổi, đã bị bắt vào ngày 14/9 và bị buộc tội chuyển thông tin nhạy cảm về các hoạt động di chuyển, những thành tựu quốc phòng, chính sách đối ngoại của Quân đội Ấn Độ và Đức Đạt Lai Lạt Ma cho cơ quan tình báo Trung Quốc.
Một phụ nữ Trung Quốc tên Qing Shi được cho là người quản lý của nhà báo Ấn Độ này, và cộng sự người Nepal của cô ta là Sher Singhi với bí danh là Raj Bohra, cũng đã bị bắt.
Cảnh sát cũng thu giữ các tài liệu mật sau khi khám xét nhà của ông ta ở New Delhi.
Vụ bắt giữ xảy ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ở mức cao sau các cuộc đụng độ biên giới chết người gần đây. Vào giữa tháng 6, một cuộc đụng độ tại Thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và chưa rõ số thương vong của Trung Quốc. Vào đầu tháng 9, súng đã nổ dọc theo biên giới tranh chấp ở Ladakh. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nói rằng chính phía bên kia đã nổ súng.
Theo cảnh sát, ông Sharma được một nhân viên tình báo Trung Quốc tên là Michael đến từ Côn Minh, một thành phố thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, liên lạc thông qua tài khoản LinkedIn của nhà báo. Đặc vụ Trung Quốc này đã trả tiền cho ông Sharma đến Trung Quốc để được phỏng vấn tại một công ty Trung Quốc không được nêu tên.
Theo cảnh sát, Michael đã quyết định liên hệ với ông Sharma sau khi thấy các bài báo của ông ta trên Global Times – tờ báo của chính quyền Trung Quốc. Ông Sharma đã viết một chuyên mục hàng tuần cho Global Times từ năm 2010 và 2014.
Ông Sharma tiếp tục viết cho Global Times sau năm 2014. Vào ngày 9/7, ông Sharma đã viết một bài báo đăng trên tờ báo này về mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong chuyến đi đến Trung Quốc, ông Sharma đã gặp Michael và cấp dưới tên Xou của anh ta, và hai đặc vụ Trung Quốc này đã yêu cầu ông Sharma cung cấp “thông tin về các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, cảnh sát cho biết.
Từ năm 2016 đến 2018, ông Sharma đã được các đặc vụ này giao nhiệm vụ cung cấp thông tin về các vấn đề như bế tắc Doklam, hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Miến Điện, và tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Tháng 6/2017, quân đội Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường trong khu vực tranh chấp Doklam, một vùng lãnh thổ không có người sống ở phía đông dãy Himalaya mà cả Trung Quốc và Bhutan đều tuyên bố chủ quyền. Đáp lại, quân đội Ấn Độ đã vượt qua biên giới vào Doklam, tuyên bố rằng hoạt động quân sự của Trung Quốc đã đe dọa an ninh quốc gia của Ấn Độ. Xung đột giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra sau đó trước khi hai nước đi đến thỏa thuận rút quân vào cuối tháng 8/2017.
Cảnh sát Ấn Độ cho biết Michael và Xou cũng đã tổ chức các cuộc gặp khác với ông Sharma ở Lào và Maldives.
Tháng 1/2019, ông Sharma đến Côn Minh qua Kathmandu để gặp một đặc vụ Trung Quốc khác tên là George, theo cảnh sát, người này sau này tự nhận là tổng giám đốc của một công ty truyền thông Trung Quốc giấu tên.
Theo cảnh sát cho biết, George đã đề nghị trả cho ông Sharma 500 USD cho mỗi bài báo hoặc mẩu thông tin về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Số tiền này sẽ được chuyển đến cho ông ta từ MC Pharmacy, một công ty vỏ bọc có trụ sở tại làng Mahipalpur, Ấn Độ. Qing và Singh là giám đốc của công ty này.
Theo thông cáo báo chí, từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2020, ông Sharma bị cáo buộc đã nhận hơn 3 triệu rupee Ấn Độ (khoảng 40,755 USD) từ George.
Không rõ ông Sharma bị cáo buộc nhận bao nhiêu tiền trước năm 2019. Cảnh sát Delhi tuyên bố rằng ông Sharma đã được trả tiền thông qua các công ty vỏ bọc, chuyển tiền Western Union và một hệ thống gọi là hawala. Họ nói thêm rằng tình báo Trung Quốc đã vận hành các công ty vỏ bọc Ấn Độ để trả tiền cho ông Sharma.
Ngày 19/9, Cảnh sát Delhi cho biết trong một cuộc họp báo rằng ông Sharma có thẻ nhà báo do Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ cấp, có nghĩa là ông này có thể dễ dàng tiếp cận các tòa nhà nội các chính phủ Ấn Độ, theo nhật báo địa phương The Times of India.
Một nhật báo địa phương khác tờ The Hindu, dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên, nói rằng Qing đến Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 2013 bằng thị thực sinh viên và đã đăng ký tại một trong những trường đại học trung tâm ở Delhi để theo đuổi bằng thạc sĩ điều dưỡng. Cho đến năm 2017, cô ta làm việc cho một công ty sản phẩm chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Nigeria ở Delhi. Sau đó, cô nhận được thị thực làm việc vào tháng 7/2019.
Theo The Hindu, ông Sharma cũng liên kết với Tổ chức tư vấn quốc tế Vivekananda có trụ sở tại New Delhi, được thành lập bởi Ajit Doval, cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ.