Nguy cơ các trường Đại học ‘bị Bắc Kinh mua chuộc’: Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo
Các trường đại học Hoa Kỳ đang ngày càng bị “tiền của Trung Cộng mê hoặc” trong khi Bắc Kinh đang ra sức tuồn các nghiên cứu tiên tiến của Hoa Kỳ về Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cảnh báo hôm 9/12.
“Rất nhiều trường đại học của chúng ta đã bị Bắc Kinh mua chuộc,” ông Pompeo nói trong bài phát biểu tại Viện Công nghệ Georgia, chỉ ra những nỗ lực táo tợn của Bắc Kinh nhắm vào các viện nghiên cứu của Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng ảnh hưởng của Trung Cộng đối với các học giả và sinh viên Hoa Kỳ gây nguy hiểm cho quyền tự do học thuật, khi chế độ này tìm cách trấn áp những lời chỉ trích trong khuôn viên trường.
“Người Mỹ phải biết phương thức Trung Cộng đầu độc nguồn cơ sở giáo dục đại học của chúng ta vì mục đích riêng của nó, và những hành động đó làm suy yếu nền tự do của chúng ta và an ninh quốc gia Hoa Kỳ như thế nào. Nếu chúng ta không tự tìm hiểu, nếu chúng ta không trung thực về những gì đang diễn ra, chúng ta sẽ bị Bắc Kinh giáo dục,” ông Pompeo cảnh báo.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn nguồn một cuộc điều tra gần đây của Bộ Giáo dục, cho thấy rằng các trường đại học đã nhận được gần 1.5 tỷ USD dưới dạng hợp đồng và quà tặng từ Trung Quốc từ năm 2014 đến năm 2020.
“Chúng ta không thể cho phép chế độ chuyên chế này ăn cắp công cụ của chúng ta để xây dựng sức mạnh quân sự của họ, tẩy não người dân của chúng ta hoặc mua chuộc các thể chế của chúng ta để giúp họ che đậy những hoạt động này,” ông Pompeo nói.
Ông đã lấy trường hợp của Vera Zhou để làm sáng tỏ ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các trường đại học ở Hoa Kỳ. Zhou, một cư dân Hoa Kỳ, là sinh viên tại Đại học Washington và cũng là một người dân tộc Hồi giáo. Trong chuyến về thăm nhà ở Trung Quốc vào năm 2017, cô đã bị đưa vào “trại cải tạo” trong 5 tháng sau khi cô ấy bị bắt gặp sử dụng phần mềm mạng riêng ảo (VPN) để vượt qua tường lửa của Trung Quốc và truy cập vào trang web của trường đại học Hoa Kỳ. Mẹ cô và một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã xin sự giúp đỡ từ phía trường đại học.
“Nhưng Đại học Washington, bà Sarah Castro, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Liên bang, nói rằng trường đại học sẽ không hỗ trợ được vì thỏa thuận trị giá hàng triệu dollar với Trung Quốc,” ông Pompeo nói.
Trước đó, trường đại học này đã phủ nhận rằng mối quan hệ của họ với Trung Quốc có ảnh hưởng đến hành động của họ đối với trường hợp của Zhou. Cuối cùng Zhou được thả ra và cho phép quay trở lại Hoa Kỳ, “nhưng không phải nhờ Đại học Washington,” ông Pompeo nói.
“Các trường sẽ còn đưa ra những quyết định tồi tệ nào nữa vì họ đang bị há miệng mắc quai vì tiền của Trung Cộng? Họ sẽ có thể hợp tác hay buộc giáo sư nào phải im lặng? Họ sẽ bỏ qua những hành vi trộm cắp và gián điệp nào?” ông nói thêm.
Ngoại trưởng cũng nói rằng các trường thường tự kiểm duyệt vì sợ làm mất lòng Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) không hứng thú với việc tổ chức buổi phát biểu này [của Ngoại trưởng], ngụ ý rằng “các lập luận của ông có thể xúc phạm sinh viên và giáo sư người Trung Quốc của họ.”
“Bạn tưởng rằng ở những nơi yêu tự do như Georgia Tech — và các trường và học giả trên khắp thế giới, các quản trị viên, các khoa — sẽ sát cánh bên nhau hơn để chống lại hành vi trộm cắp ngang nhiên của Trung Cộng và sự vi phạm trắng trợn các quyền tự do mà tôi đã mô tả, nhưng chúng ta lại thấy quá ít điều này,” ông nói.
Dập tắt bất đồng quan điểm
Sinh viên Trung Quốc học tại các trường đại học Hoa Kỳ cũng bị Bắc Kinh nhắm tới, trong sự việc mà ông Pompeo mô tả là một chiến dịch “đàn áp”.
Ví dụ, vào năm 2017, Yang Shuping, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Maryland, đã bị chỉ trích trên mạng Internet Trung Quốc sau khi cô ca ngợi “không khí tự do ngôn luận trong lành” mà cô thấy ở Hoa Kỳ nhưng không được hưởng ở quê nhà, trong một bài phát biểu bế giảng.
“Cô ấy bị các cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng bêu riếu và quấy rối. Tôi hứa với các bạn, trong khi tôi không thể nói với bạn tất cả mọi việc, đó không phải là ngẫu nhiên,” ông Pompeo nói. Yang cuối cùng phải xin lỗi vì lời nhận xét của mình.
Trong một trường hợp khác vào năm 2018, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Georgia bị coi là mục tiêu của công an mật, những người này đã gây áp lực buộc anh ta phải theo dõi các sinh viên khác, những người chỉ trích Trung Cộng.
“Họ đã nhiều lần quấy rối tôi và yêu cầu tôi cung cấp cho họ thông tin về hoạt động của các nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến ở hải ngoại. Họ đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng,” sinh viên này nói với Đài Á Châu Tự do vào thời điểm đó.
Trong khi đó, các lãnh sự quán Trung Quốc kiểm soát và cấp vốn cho Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) “để theo dõi sinh viên và thúc đẩy các chương trình ủng hộ Bắc Kinh,” ông Pompeo nói. Các chi hội CSSA có mặt tại hơn 100 trường đại học ở Hoa Kỳ.
Các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ, có trụ sở trong khuôn viên hàng chục trường đại học của Hoa Kỳ, cũng được triển khai để tác động đến sinh viên, giáo sư và quản trị viên người Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết.
Trung Cộng biết rằng “các trường đại học thiên tả thấm đẫm chủ nghĩa chống Hoa Kỳ và là mục tiêu dễ dàng cho việc truyền bá thông điệp chống Hoa Kỳ của họ,” ông nói thêm.
Trộm cắp công nghệ
Ông Pompeo cũng đề cập đến trường hợp của giáo sư Fei-Ling Wang, một học giả chuyên về Trung Quốc tại Georgia Tech. Giáo sư Wang đã bị các nhân viên an ninh Trung Cộng giam giữ và thẩm vấn hai tuần trong một chuyến đi đến Trung Quốc vài năm trước. Các đặc vụ muốn biết thông tin về nghiên cứu của ông về Trung Quốc và thời gian ông giảng dạy tại Học viện quân sự West Point ở New York, theo ông Pompeo.
“Họ nghĩ rằng có thể đe dọa hoặc tuyển dụng ông ấy vì ông ấy là người gốc Hoa,” ông Pompeo nói.
Nhận xét của Ngoại trưởng nhấn mạnh nỗ lực của chính phủ Trump trong việc ngăn chặn Bắc Kinh đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng đến giới học thuật.
Trong những năm gần đây, Bộ Tư pháp đã đưa ra cáo buộc chống lại các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Hoa Kỳ vì đã ăn cắp tài sản trí tuệ hoặc vì không tiết lộ nguồn tài trợ từ Trung Cộng. Đầu năm nay, cựu Chủ nhiệm khoa Hóa học của Đại học Harvard đã bị truy tố về tội dối trá về mối quan hệ của ông với chương trình ngàn nhân tài của Trung Cộng.
Bộ Ngoại giao cũng định danh Trung tâm Hoa Kỳ của Viện Khổng Tử ở Hoa Thịnh Đốn là một cơ quan đại diện nước ngoài, nhìn nhận vai trò của Trung tâm này trong việc thúc đẩy tuyên truyền của Trung Cộng tại các trường đại học của Hoa Kỳ.