Nguồn thu của các chính quyền địa phương Trung Quốc sụt giảm mạnh khi doanh số bán đất lao dốc
Sau khi virus ĐCSTQ bùng phát vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã suy giảm nhanh chóng. Nhiều vấn đề mang tính cấu trúc khác nhau trong nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu nổi lên rõ rệt vào năm 2021. Trong đó, việc bán hàng chậm của thị trường địa ốc đã khiến nguồn thu của các chính quyền địa phương Trung Quốc ở cấp tỉnh và thấp hơn giảm mạnh.
Trung Quốc thực hiện cải tổ hệ thống chia sẻ nguồn thu từ thuế vào năm 1994, kể từ đó chính quyền trung ương được hưởng nguồn thu thuế tăng lên, trong khi nguồn thu ngân sách của các chính quyền địa phương Trung Quốc giảm mạnh. Vài năm sau, sự gia tăng giá đất do thị trường địa ốc thúc đẩy đã trở thành một phần chủ yếu trong nguồn thu của các chính quyền địa phương Trung Quốc.
Theo một báo cáo nghiên cứu do Công ty TNHH Chứng khoán Yuekai Trung Quốc công bố hôm 02/11, số thu thuế từ ngành địa ốc của Trung Quốc năm 2019 đạt 2.6 ngàn tỷ nhân dân tệ (408.8 tỷ USD), và thu từ chuyển nhượng đất đai trên toàn quốc là 7.1 ngàn tỷ nhân dân tệ. (1.12 ngàn tỷ USD). Tổng của hai khoản này tương đương với 35.2% tổng ngân sách công nói chung và ngân sách của các quỹ do chính phủ quản lý.
Kể từ quý 3 năm 2021, thị trường đất đai của Trung Quốc đã hạ nhiệt, nguồn thu từ chuyển nhượng đất tại địa phương giảm mạnh, đấu giá đất ở các thành phố kém phát triển hơn đã nguội lạnh, tỷ lệ đất không bán được và rút ra khỏi thị trường tăng lên, và tỷ lệ thặng dư từ đất đai đã giảm nhanh chóng.
Trong quý 3 năm nay (2021), phí chuyển nhượng đất ở 300 thành phố của Trung Quốc đã giảm 36.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, và số thu từ chuyển nhượng đất trên toàn quốc giảm 9.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thu hồi của các đợt bán đất tập trung đợt hai tại 20 thành phố trọng điểm là 31.8%, tăng 25.3 điểm phần trăm so với đợt đầu tiên. Ngay cả ở Bắc Kinh và Quảng Châu, nơi có giá địa ốc cao nhất và là điểm đầu tư phổ biến nhất, thì tỷ lệ bán đất thất bại đã lên tới lần lượt là 60.5% và 52.1%.
Cắt giảm lương diễn ra ở các khu vực phụ thuộc nhiều vào doanh thu bán đất
Các tỉnh, thành phố được báo cáo đã cắt giảm lương công chức đều là những nơi phụ thuộc nhiều vào doanh thu bán đất, và trước đây từng có mức nợ thấp.
Theo báo cáo của Yuekai Securities, các tỉnh và thành phố của Trung Quốc vào năm 2020 được chia thành 4 nhóm tùy theo mức độ phụ thuộc tài chính vào việc bán đất và tỷ lệ nợ của các tỉnh này. Nếu mức độ phụ thuộc doanh thu từ chuyển nhượng đất trung vị cao hơn mức trung vị 24%, thì được coi là tỷ lệ phụ thuộc vào đất đai cao, và nếu tỷ lệ nợ cao hơn 100%—mức cảnh báo quốc tế – thì được xác định là tỷ lệ nợ cao.
Nhóm đầu tiên là các khu vực phụ thuộc nhiều vào đất đai và có tỷ lệ nợ cao, đại diện là thành phố Thiên Tân, các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Tây, và Phúc Kiến.
Nhóm thứ hai là các khu vực phụ thuộc nhiều vào đất đai và có tỷ lệ nợ thấp, đại diện là các tỉnh ven biển như Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Đông và thành phố Thượng Hải. Đây là những khu vực gần đây có thông tin cắt giảm lương của công chức. Doanh thu bán đất ở những khu vực này được sử dụng trực tiếp nhiều hơn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị hoặc rót vốn để thiết lập các nền tảng tài chính địa phương. Do đó, tác động của quá trình hạ nhiệt thị trường đất đai tại các tỉnh này phần lớn phản ánh ở phía đầu tư.
Nhóm thứ ba là các khu vực ít phụ thuộc vào đất đai và có tỷ lệ nợ thấp, với Tây Tạng, Giang Tây, Cam Túc, và Sơn Tây là những đại diện tiêu biểu. Các tỉnh này tương đối ít bị ảnh hưởng bởi sự hạ nhiệt của thị trường đất đai.
Nhóm thứ tư là các khu vực có tỷ lệ phụ thuộc vào đất đai thấp và tỷ lệ nợ cao, đại diện là các tỉnh phía tây và đông bắc như Thanh Hải, Ninh Hạ, Hải Nam, Liêu Ninh, và Nội Mông.
Sự phụ thuộc vào đất đai và nợ nần cao của các chính quyền địa phương
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc bán đất để có nguồn thu ngân sách ở các cấp khác nhau có nguồn gốc lịch sử của nó, và cuộc cải cách về chia sẻ thuế năm 1994 là một bước ngoặt.
Theo dữ liệu từ Zhongda Securities, trước năm 1994, thu ngân sách địa phương của Trung Quốc chiếm 78% nguồn thu của chính quyền Trung Quốc. Đến năm 2019, nguồn thu của chính quyền trung ương chiếm 46.9%, trong khi thu ngân sách địa phương giảm xuống còn 53.1%. Thâm hụt tài khóa của các chính quyền địa phương được bù đắp bằng việc phát hành trái phiếu và trợ cấp tài khóa từ chính quyền trung ương. Do đó, chính quyền trung ương đã tăng cường kiểm soát rất nhiều đối với các địa phương.
Mặt khác, các chính quyền địa phương cũng cần tìm các nguồn thu khác để có được tự do (trong chi tiêu) hơn, và “tài chính đất đai”, tức là dựa vào việc bán đất để tạo thu nhập, nảy sinh vào thời điểm đó.
Thêm vào đó, các ngành địa ốc và xây dựng là những nguồn thu thuế kinh doanh chủ yếu vào thời điểm đó, trong khi thuế kinh doanh này từng hoàn toàn thuộc về nguồn thu của các chính quyền địa phương Trung Quốc trước khi có cải tổ thuế VAT, và các loại thuế và phí khác cũng phát sinh trong quá trình phát triển và giao dịch đất đai. Do đó, tài chính đất đai đã trở thành chìa khóa cho hoạt động của hệ thống tài khóa địa phương và là nền tảng cho việc mở rộng tín dụng.
Với sự biến mất của lợi tức từ nhân khẩu học của Trung Quốc, các rủi ro trên thị trường địa ốc gia tăng, và mức nợ cao của chính quyền địa phương cũng đã làm dấy lên lo ngại từ thế giới bên ngoài.
Trong một bài báo gần đây, Bloomberg trích dẫn báo cáo của Goldman Sachs cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng số nợ của các nền tảng cung cấp tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng từ 16 ngàn tỷ nhân dân tệ (2.51 ngàn tỷ USD) vào năm 2013 lên khoảng 53 ngàn tỷ nhân dân tệ (8.2 ngàn tỷ USD). Con số này tương đương với 52% GDP của Trung Quốc và cao hơn mức dư nợ do ĐCSTQ công bố.
Đề nghị đánh thuế địa ốc vấp phải phản đối gay gắt
Thu nhập từ việc bán đất cuối cùng cũng bị hạn chế bởi nhu cầu thị trường. Do đó, các nhà chức trách Trung Quốc đang có kế hoạch thực hiện chính sách mới là áp thuế tài sản trên toàn quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với NTDTV, ông Cheng Xiaonong, một nhà kinh tế đang cư trú tại Hoa Kỳ, nói rằng việc ĐCSTQ đột ngột áp thuế bất động sản có hai mục đích: một là bóp nghẹt bong bóng địa ốc và tránh tình thế khó khăn của toàn bộ nền kinh tế bị lấn át bởi bong bóng địa ốc; hai là cung cấp cho tài chính địa phương một nguồn thu nhập mới ổn định để thay thế cho việc bán đất như nguồn thu chính.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời những người trong cuộc nói rằng ý tưởng đánh thuế bất động sản một cách toàn diện của ông Tập Cận Bình đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ trong nội bộ ĐCSTQ. Nhiều quan chức cấp cao sở hữu nhiều tài sản. Chính sách mới của ông Tập sẽ buộc họ phải thực hiện những điều chỉnh lớn trong việc quản lý tài sản của mình.
Trên thực tế, các chủ nhà ở thành thị ở Trung Quốc sở hữu nhà ở chứ không sở hữu đất và họ chỉ có quyền sử dụng đất 70 năm. Vì cho rằng phần lớn việc tăng giá tài sản là do sự tăng giá của đất đai, đa số người dân Trung Quốc phản đối kế hoạch đánh thuế tài sản là bất động sản của chính quyền.
Yuekai Securities cho biết trong báo cáo nghiên cứu của mình rằng, trong tương lai các chính quyền địa phương ở Trung Quốc sẽ không còn cạnh tranh dựa trên số lượng đất mà họ có thể bán và các chính sách ưu đãi cho các khu vực khác nhau, mà là vào năng lực quản trị tổng thể và khả năng tiếp thêm năng lực cho các doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư có tay nghề cao.
Nhưng trong mọi trường hợp, khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm và bong bóng thị trường địa ốc vỡ, chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là những chính quyền địa phương có tổng chi tiêu cao tới 85% tổng thu ngân sách của họ, sẽ phải chịu áp lực tài chính lớn. Việc cắt giảm lương cho công chức có thể chỉ là bước khởi đầu cho việc giảm chi tiêu của chính quyền. Trong tương lai, các chính quyền địa phương thiếu tiền sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc làm thế nào để bảo đảm “các hoạt động của cơ sở.”
Với sự đóng góp của Ký giả Ellen Wang từ Epoch Times
Bà Anne Zhang là nhà văn của The Epoch Times tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2014.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: