Nguồn gốc cổ xưa của giày cao gót — Từng là phụ kiện cần thiết của nam giới
Giày cao gót ngày nay hầu như chỉ dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, lịch sử của giày cao gót cho thấy không phải lúc nào cũng như vậy. Ngược lại, ở nhiều thời điểm khác nhau, nam giới cũng đi giày cao gót. Ngoài ra, giày cao gót ngày nay được sử dụng chủ yếu cho mục đích thẩm mỹ, nhưng trong quá khứ, nó cũng phục vụ những nhu cầu thực tiễn.
Mặc dù không rõ giày cao gót ra đời khi nào, nhưng có vẻ như chúng đã được sử dụng bởi các nam diễn viên Hy Lạp cổ đại. “Kothorni” là một dạng dép cao được sử dụng từ ít nhất năm 200 TCN, có đế gỗ bần cao từ 3 đến 4 inch (8-10 cm). Người ta nói rằng chiều cao của đôi giày giúp phân biệt tầng lớp xã hội và tầm quan trọng của các nhân vật khác nhau trên sân khấu. Do đó, hình thức giày này không phục vụ mục đích thực tiễn cũng như thẩm mỹ, vì nó là trang phục dành riêng cho các thành viên của một ngành nghề nhất định, trong trường hợp này là các nghệ sĩ sân khấu khi họ biểu diễn.
Sự xuất hiện tiếp theo của giày cao gót có thể bắt nguồn từ thời Trung cổ ở Âu Châu. Trong thời kỳ này, cả nam giới và nữ giới đều đeo guốc. Đường phố của nhiều thành phố Âu Châu thời Trung cổ nhiều đất bùn và lầy lội, trong khi giày dép của thời kỳ đó được làm từ chất liệu mỏng manh và đắt tiền. Vì vậy, để tránh làm hỏng những chất liệu này, cả đàn ông và phụ nữ đều đi guốc – loại giày có đế nâng bàn chân lên cao hơn so với mặt đất.
Trong khi guốc được sử dụng chủ yếu cho mục đích thực tế, có một loại giày dép Âu Châu khác phục vụ cho cả nhu cầu thực tiễn và mang tính biểu tượng. Giày đế bục (chopine) là một loại giày gần giống guốc, phổ biến trong giới phụ nữ thượng lưu của xã hội Venice trong thế kỷ 15 đến thế kỷ 17. Người ta nói rằng giày đế bục càng cao, địa vị của người đó càng cao; có đôi giày loại này đạt chiều cao 20 inch (50 cm). Như chúng ta có thể dự đoán, nó không phải là loại giày thiết thực nhất để đi lại. Điều này có nghĩa là những phụ nữ đi giày đế bục buộc phải có người hầu giúp họ giữ thăng bằng. Có lẽ, một người thể hiện sự giàu có và địa vị không chỉ qua chiều cao của đôi giày mà còn bởi thực tế là những người hầu ở đó chỉ nhằm mục đích hỗ trợ họ đi lại.
Cả guốc và giày đế bục đều nâng cao bàn chân của người đi, nhưng chúng trông vẫn giống với giày bệt hơn là giày cao gót. Để tìm được đôi giày giống với giày cao gót ngày nay, ta phải rời khỏi các đường phố của Âu Châu thời Trung cổ và đi về phía đông đến Ba Tư. Không rõ chính xác giày cao gót được sử dụng ở phương Đông từ khi nào, nhưng trên những chiếc bát sứ Ba Tư có hình ảnh người cưỡi ngựa đi giày cao gót. Do đó, nó bắt đầu xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ thứ 9. Giày cao gót giúp đôi chân của người cưỡi ngựa giữ chắc trong những chiếc kiềng. Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ tiếp theo, Hoàng đế Ba Tư là Abbas I cử các nhà ngoại giao đến Âu Châu để tìm kiếm liên minh chống lại kẻ thù chung là người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Người ta cho rằng các quý tộc Âu Châu khi nhìn thấy giày cao gót Ba Tư đã nhanh chóng chấp nhận nó bởi nó thể hiện sự nam tính. Ngoài công dụng khi cưỡi ngựa, nó còn là biểu tượng của địa vị.
Vào thế kỷ 17 xuất hiện một trào lưu áp dụng thời trang nam giới cho phụ nữ, vì vậy, phụ nữ cũng đi giày cao gót. Điều này đơn thuần là một cơn sốt thời trang hay là một nỗ lực có chủ đích của một bộ phận phụ nữ nhằm hạ thấp nam quyền để đòi bình đẳng giới thì vẫn còn là một vấn đề cần xem xét. Dù sao, nỗi ám ảnh về giày cao gót của nam giới sau đó đã chấm dứt vào thế kỷ 18. Phong trào Khai sáng (Chủ nghĩa Duy lý) không chỉ mang đến sự thay đổi trong tư tưởng mà còn cả cách ăn mặc của nam giới. Đàn ông như một thực thể “lý tính” thông qua bộ đồ nghiêm túc của anh ta. Vì vậy, giày cao gót, đồ trang điểm và quần áo lộng lẫy không còn phù hợp; nó đã bị hủy bỏ.
Điều thú vị là phụ nữ cuối cùng cũng dừng sử dụng giày cao gót, vì chúng là một kiểu giày không mấy thực tiễn. Tuy nhiên, điều này không tồn tại được lâu vì giày cao gót đã trở lại vào giữa thế kỷ 19. Một trong những người đầu tiên tận dụng sự ra đời của nhiếp ảnh là các nhiếp ảnh gia khiêu dâm. Những người mẫu trong buổi chụp hình dường như không vận gì ngoài một đôi giày cao gót “hiện đại” (theo tiêu chuẩn thời đó). Đây có thể là sự khởi đầu cho việc gắn liền giày cao gót với hình ảnh người phụ nữ. Phần còn lại, như họ nói, là lịch sử.
Tái bản với sự cho phép. Tham khảo bản gốc tại Ancient Origins.
Do Wu Mingren thực hiện
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: