Người Việt trong nước mua nhà ở Hoa Kỳ
Hàng năm, Hiệp hội Quốc gia môi giới bất động sản Hoa Kỳ (NAR) đều công bố hồ sơ về hoạt động bất động sản quốc tế tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2017 báo chí Việt Nam mới biết chuyện này. Dư luận đã không khỏi ngỡ ngàng khi biết chỉ riêng kỳ báo cáo 4/2016 đến 3/2017, người Việt đã chi 3.06 tỷ USD để mua nhà ở Hoa Kỳ, đứng thứ 6/10 trong nhóm quốc gia có nhiều người mua nhà tại Hoa Kỳ.
Báo cáo cho thấy trong 5 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến 2017, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Hoa Kỳ nhiều nhất thế giới. Lưu ý là trong thống kê này chỉ tính người mua nhà là người quốc tịch Việt Nam, không tính đến người Việt Nam mang quốc tịch Hoa Kỳ hoặc mang quốc tịch khác.
Đây mới chỉ tính riêng Hoa Kỳ, nhưng giới quan chức, giới kinh doanh, người giàu Việt Nam còn cho con cháu đi học, lấy quốc tịch định cư ở rất nhiều nước như Úc, New Zealand, Canada, Anh, Pháp, Đức…Vậy nên số tiền mua nhà hàng năm ở các quốc gia này có thể cũng là con số không ít hơn số tiền mua ở Hoa Kỳ.
Giả sử giá bình quân một ngôi nhà ở Hoa Kỳ là 500,000 USD, thì 3 tỷ USD có thể mua được khoảng 6,000 ngôi nhà. Có thể nói số nhà người Việt mua ở Hoa Kỳ nhiều hơn sức tưởng tượng; nếu tính cả số lượng nhà mua ở các nước khác thì con số không còn nhỏ nữa.
Thử làm một phép tính nhỏ, theo quy định của Việt Nam, lương cho chức danh chủ tịch, tổng giám đốc của ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước là 36 triệu VNĐ/tháng, tương đương 1,565 USD/tháng; nếu để dành tất cả tiền lương, thì cần đến 319 tháng, tức là 26.6 năm làm chủ tịch ngân hàng mới mua được một ngôi nhà ở Hoa Kỳ.
Còn lương chức danh thứ trưởng khoảng 700 USD/tháng, thì cần có 714 tháng, tức là 59 năm làm thứ trưởng thì mới có 500,000 USD. Đối với người lao động có thu nhập tương đối cao khoảng 300 USD/tháng, thì cần 1,667 tháng, tức là 139 năm liên tục mới tích lũy được đủ 500,000 USD để mua 1 ngôi nhà ở Hoa Kỳ.
Vậy mà mỗi năm người Việt mua được 6,000 căn nhà ở Hoa Kỳ thì quả là ngoài sức tưởng tượng.
Người Việt thực sự giàu có chăng? Chúng ta hãy khoan bàn tới số tiền này có nguồn gốc từ đâu. Điều rõ ràng là hiện tượng này chính là sự ‘chảy máu’ ngoại tệ đối với Việt Nam. Với bất kỳ một quốc gia nào, dự trữ ngoại tệ và kim khí quý thể hiện sức mạnh tài chính của mình, bởi nó thể hiện tính thanh khoản trên thị trường quốc tế, độ tin cậy về mức phát triển kinh tế quốc dân của quốc gia đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngày càng nhiều những vụ quan chức, doanh nhân trốn ra nước ngoài mang theo một khối lượng ngoại hối lớn. Hiện trạng này ví như sự khơi thông cho dòng chảy ngoại tệ ngày càng rộng.
Ví như: ông Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) đã bỏ trốn ra nước ngoài với một khoản tiền không nhỏ; bà Hồ Thị Kim Thoa, đang trốn tại Pháp, thứ trưởng Bộ Công thương; ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công Ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương. Ông Duy đã gây thất thoát cho PVTex số tiền lớn, bị cho là ăn hối lộ hàng triệu USD, đã bỏ trốn ra nước ngoài năm 2016, và hiện giờ đang sống sung túc tại Châu Âu. Hoặc như ông Dương Chí Dũng nguyên là Chủ tịch Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), nguyên cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam. Ông Dũng là nhân vật lẫy lừng một thời, vào thời hoàng kim đó các ngân hàng chỉ mong được cho Vinalines vay tiền, các doanh nghiệp khác chỉ mong được làm đối tác liên kết với Vinalines. Khi lên đến chức cục trưởng thì ông Dũng bỏ trốn ra nước ngoài nhưng đã bị bắt lại…Và còn rất nhiều những gương mặt đình đám khác chưa kể tới.
Theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước, bình quân hàng năm kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 16 tỷ USD, chiếm 6.3% GDP, đây là tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Lượng kiều hối này được ghi nhận là một sự đóng góp rất lớn của gần 4 triệu Việt kiều và người lao động Việt Nam ở nước ngoài đối với gia đình và đất nước. Còn ở chiều ngược lại thì ước tính có khoảng 14 tỷ USD hàng năm được tiêu dùng cho du học, chữa bệnh, mua nhà, du lịch nước ngoài. Như vậy, trong lĩnh vực kiều hối thì thặng dư 2 tỷ USD.
Sẽ rất khó để biết được con số thực tế hàng năm người Việt chuyển ra nước ngoài là bao nhiêu tỷ USD; đặc biệt là đối với những khoản tiền theo chân các quan chức, doanh nhân đi ra nước ngoài như đã nói trên. Vậy thì thực sự cán cân ngoại hối đã âm hàng tỷ USD.
Kho dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể ví von như ‘bên lở bên bồi’ của một dòng chảy ngoại tệ ngày càng rộng. Trong đó, Việt kiều và người lao động Việt Nam ở nước ngoài là bên bồi, trong khi quan chức và giới siêu giàu Việt Nam là bên lở.
Vì sao có sự ‘chảy máu’ này? Có giải pháp gì để giải quyết vấn đề tận gốc không? Tôi tin rằng, trong chúng ta có không ít người đã nghĩ tới. Đó là Việt Nam cần thay đổi về cơ chế quản lý cũng như thể chế chính trị. Nói chính xác là Việt Nam cần thay đổi phát triển kinh tế theo hướng thị trường tự do, thay vì gắn liền với cụm từ ‘theo định hướng’ nào đó…