Người ủng hộ nhân quyền lên án ĐCSTQ vì bỏ tù 11 học viên Pháp Luân Công
Những người ủng hộ nhân quyền đang lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã kết án 11 học viên Pháp Luân Công lên tới 8 năm tù chỉ vài tuần trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc vào ngày 04/02.
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ kiêm đồng chủ tịch của tổ chức Những nghị viên Hữu hảo với Pháp Luân Công (Parliamentary Friends of Falun Gong), ông Garnett Genuis, cho biết các bản án hà khắc được ban hành hôm 14/01 một lần nữa thu hút sự chú ý đến những hành vi lạm dụng nhân quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ tìm cách bịt miệng những tiếng nói bất đồng và nâng cao hình ảnh chính trị của mình với thế giới trong Thế vận hội sắp tới.
“Bắc Kinh luôn để ý tới hình ảnh quốc tế của mình và thường cố gắng ngăn không để lọt những thông tin quan trọng ra ngoài,” ông Genuis nói với The Epoch Times.
“Chúng tôi đã chiêm nghiệm thấy điều này đặc biệt là trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 và trước các sự kiện quốc tế lớn. Trong các biện pháp cực đoan mà Bắc Kinh đã áp dụng để chuẩn bị cho Thế vận hội, việc ưu tiên hình ảnh của họ bằng cách dập tắt mọi tiếng nói đối lập với lập trường quan điểm của nhà nước là hoàn toàn tương hợp với cách hành xử của chính quyền ông Tập Cận Bình.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cổ xưa của Trung Hoa bao gồm năm bài tập tĩnh tại cùng với các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên tắc chân, thiện, và nhẫn. Năm 1999, người đứng đầu ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã ra lệnh xóa sổ pháp môn này sau khi số học viên của môn này vượt quá số đảng viên của Đảng, coi môn tập này là “một mối đe dọa đối với sự ổn định của đất nước”.
Vào tháng 07/2020, 11 học viên nói trên đã bị giam giữ sau khi nhà cầm quyền phát hiện ra rằng, với tư cách là những ký giả công dân, họ đã chụp ảnh về tác động của đại dịch COVID-19 trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát rồi sau đó chia sẻ những hình ảnh chụp được với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ngoại trừ bà Hứa Na (Xu Na), một trong những học viên bị giam giữ đã nhận bản án tám năm tù, những người khác bị kết án từ hai đến năm năm, theo Minghui, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi chép lại chiến dịch chống Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Bà Hứa, một họa sĩ tranh tĩnh vật 53 tuổi đến từ Bắc Kinh, đã hai lần bị bỏ tù vì tu luyện Pháp Luân Công trước đợt tuyên án mới nhất này. Năm 2001, bà bị bắt và bị kết án 5 năm tù giam.
Tháng 01/2008, vài tháng trước Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh, cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ bà Hứa và chồng bà là ông Vu Trụ (Yu Zhou) lấy cớ là “rà soát [trước] Thế vận hội”. Cặp vợ chồng này đã bị giam giữ tại Trung tâm Giam giữ Quận Thông Châu sau khi cảnh sát tìm thấy một bản sao của cuốn Chuyển Pháp Luân – là cuốn kinh sách chính có các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp – trong xe của cặp vợ chồng này.
Bà Hứa bị kết án ba năm tù vào tháng 11/2008 trong khi ông Trụ, một nhạc sĩ âm nhạc dân gian, đã bị tra tấn đến tử vong vì đức tin của mình chỉ trong hai tuần sau khi bị giam giữ. Ông đã qua đời ở tuổi 42. Bà Hứa không được phép tham dự tang lễ của chồng mình vào thời điểm đó.
Trong những năm bị cầm tù, bà Hứa cũng phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau của cảnh sát Trung Quốc – trong đó có một hình thức tra tấn kéo xoạc chân bà thẳng 180 độ, sau đó ba tù nhân chung phòng ngồi lên hai chân và lưng của bà, ép xuống để tạo những cơn đau thống thiết.
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Canada, nói rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa bản án khắc nghiệt gần đây đối với Pháp Luân Công và Thế vận hội Mùa đông sắp tới, đồng thời nói về cách nhà cầm quyền này đang sử dụng những chiến thuật như vậy để đe dọa thế giới ra sao.
“Thông lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tăng cường đàn áp trước và trong Thế vận hội Olympic vì sợ rằng những người bất mãn với Đảng có thể tận dụng dịp Thế vận hội này để phơi bày sự chuyên chế của nhà cầm quyền thông qua các cuộc biểu tình trước những người ngoại quốc đến đây,” ông Matas nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Chiến thuật của Đảng không chỉ là để đe dọa những người đã bị kết án, mà còn [đe dọa] tất cả những người có thể biết về bản án này.”
Ông Matas nói thêm rằng việc kết án ở Trung Quốc cộng sản không giống như ở các quốc gia dân chủ, nơi mà mục đích của việc kết án là để ngăn chặn tội ác mà những người bị kết án đã phạm phải và thực hiện điều đó một cách nhất quán.
Ông nói: “Ở Trung Quốc cộng sản, nơi mà việc kết án là chính trị, không có sự nhất quán.”
“Mục đích mà Đảng muốn đạt được thông qua việc kết án là răn đe bất kỳ hành động hoặc niềm tin nào thể hiện ra là thiếu trung thành với Đảng.”
Anh Isaac Teo là phóng viên của Epoch Times sinh sống và làm việc tại Toronto.
Bản tin có sự đóng góp của Donna Ho, Eva Fu, và Rita Li
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: