Người từng bị cầm tù cho biết Trung Quốc có trại giam bí mật ở Dubai để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ
Một người phụ nữ Trung Quốc trẻ tuổi cho biết cô đã bị giam giữ trong tám ngày tại một cơ sở giam giữ bí mật do Trung Cộng điều hành ở Dubai, cùng với ít nhất hai người Duy Ngô Nhĩ, đây có thể là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang vận hành một “trại giam đen” (black site) ở bên ngoài biên giới của mình.
Cô Ngô Hoan (Wu Huan), 26 tuổi, đã phải chạy trốn để tránh bị dẫn độ sang Trung Quốc vì chồng chưa cưới của cô bị coi là một người Hoa bất đồng chính kiến. Cô Ngô kể lại với hãng thông tấn AP rằng cô đã bị bắt cóc từ một khách sạn ở Dubai và bị các quan chức Trung Cộng giam giữ tại một biệt thự, được chuyển thành một nhà tù, nơi cô nhìn thấy hoặc nghe thấy hai tù nhân khác, cả hai đều là người Duy Ngô Nhĩ.
Cô Ngô cho biết cô đã bị thẩm vấn và đe dọa bằng tiếng Hoa, và buộc phải ký vào các giấy tờ pháp lý, trong đó buộc tội vị hôn phu của cô vì đã quấy rối cô ấy. Cuối cùng cô Ngô đã được thả vào ngày 08/06, và hiện đang xin tị nạn ở Hà Lan.
Trong khi các trại giam đen đang phổ biến ở Trung Quốc, thì lời kể của cô Ngô là bằng chứng duy nhất cho các chuyên gia thấy rằng Bắc Kinh đã thiết lập một trại giam đen ở một quốc gia khác. Một trại giam như vậy phản ánh cách Trung Quốc đang gia tăng sử dụng sức ảnh hưởng quốc tế của mình để giam giữ hoặc cho hồi hương những công dân đã rời khỏi đất nước, dù họ là những người bất đồng chính kiến, nghi phạm tham nhũng, hay là những người dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ.
Hãng thông tấn AP không thể xác nhận hay bác bỏ câu chuyện của cô Ngô, và cô ấy không thể xác định vị trí chính xác của trại giam đen đó. Tuy nhiên, các phóng viên đã tận tai tận mắt chứng kiến bằng chứng xác thực, bao gồm các con dấu trong hộ chiếu của cô, một đoạn ghi âm qua điện thoại về một quan chức Trung Quốc đang chất vấn cô, và những tin nhắn điện thoại mà cô đã gửi từ trại giam cho một mục sư đang giúp đỡ vợ chồng cô.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết: “Những gì tôi có thể nói với quý vị là tình huống mà người đó nói đến, là không đúng sự thật.” Phía Dubai đã không phản hồi trước nhiều cuộc điện thoại và yêu cầu bình luận.
Bà Trần Ngọc Khiết (Yu-Jie Chen), một giáo sư trợ lý tại Học viện Sinica của Đài Loan, cho biết bà chưa từng nghe nói về một trại giam bí mật của Trung Quốc ở Dubai, và rằng một cơ sở như vậy ở một quốc gia khác là một điều bất thường. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng điều này cũng phù hợp với những nỗ lực hết mình của Trung Quốc nhằm hồi hương những công dân ‘được chọn,’ thông qua các biện pháp chính thức, chẳng hạn như ký kết các hiệp ước dẫn độ, và cả các biện pháp không chính thức, chẳng hạn như thu hồi thị thực hoặc gây áp lực lên thân nhân của họ ở trong nước.
Là người đã từng theo dõi các hành động pháp lý quốc tế của Trung Quốc, bà Trần cho rằng: “[Trung Quốc] thực sự đã không quan tâm đến việc vươn [bàn tay] ra ngoài cho đến tận những năm gần đây.”
Theo bà Trần, đặc biệt những người Duy Ngô Nhĩ đang bị dẫn độ hoặc bị đưa trở lại Trung Quốc, nơi đã và đang giam giữ những người dân tộc thiểu số phần lớn là theo Hồi giáo vì bị nghi ngờ khủng bố hoặc thậm chí vì những hành động khá là vô hại như cầu nguyện. Cô Ngô và vị hôn phu của cô, anh Vương Tĩnh Du (Wang Jingyu), 19 tuổi, không phải là người Duy Ngô Nhĩ. Họ là người Hán, một dân tộc chính ở Trung Quốc.
Dubai có lịch sử là nơi người Duy Ngô Nhĩ bị thẩm vấn và trục xuất về Trung Quốc; và các nhà hoạt động nói rằng bản thân Dubai có dính líu đến các vụ thẩm vấn bí mật. Là một luật sư bào chữa kiêm sáng lập viên của nhóm hỗ trợ pháp lý Detained in Dubai, cô Radha Stirling cho hay cô đã làm việc với khoảng một chục người cho biết rằng họ đã bị giam giữ tại các biệt thự ở Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất [UAE], trong đó có các công dân Canada, Ấn Độ và Jordan—nhưng không có người Trung Quốc.
Cô Stirling nêu rõ: “Không có nghi ngờ gì về việc UAE đã thay mặt cho các chính phủ ngoại quốc, những chính phủ mà họ đã bắt tay làm đồng minh, để bắt giữ người dân. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ dửng dưng trước một yêu cầu từ một đồng minh quyền lực như vậy.”
Tuy nhiên, ông Patrick Theros, một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Qatar, người hiện là cố vấn chiến lược cho Diễn đàn Quốc tế Vùng Vịnh, đã gọi những cáo buộc này là “hoàn toàn không phù hợp với tính cách” của người dân Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.
Hôm 27/05, cô Ngô cho biết cô đã bị các quan chức Trung Cộng thẩm vấn tại khách sạn của mình và sau đó bị cảnh sát Dubai đưa đến một đồn cảnh sát trong ba ngày. Vào ngày thứ ba, một người đàn ông Trung Quốc, tự xưng là Lý Húc Hàng (Li Xuhang), đã đến thăm cô. Ông ta bảo với cô rằng ông ấy đang làm việc cho lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai, và hỏi cô liệu cô đã từng nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài để hành động phản Hoa (chống Trung Quốc) hay không.
Ông Lý Húc Hàng được ghi danh là tổng lãnh sự trên trang web của lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai. Lãnh sự quán này đã không trả lời nhiều cuộc gọi yêu cầu bình luận và để nói chuyện trực tiếp với ông Lý.
Cô Ngô cho hay cô đã bị còng tay và đưa vào trong một chiếc xe Toyota màu đen. Sau nửa giờ xe chạy, cô bị đưa đến một biệt thự ba tầng màu trắng, nơi các phòng đã được chuyển đổi thành các phòng giam độc lập, cô Ngô cho biết.
Cô Ngô bị đưa đến phòng giam riêng của mình, với một cánh cửa bằng sắt rất nặng, một cái giường, một cái ghế và một chiếc đèn huỳnh quang trắng được bật cả ngày lẫn đêm. Cô Ngô cho biết cô đã bị thẩm vấn và đe dọa vài lần bằng tiếng Hoa.
Cô Ngô cho biết một lần trong khi chờ sử dụng phòng tắm, cô đã nhìn thấy một tù nhân khác, một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ. Lần thứ hai, cô Ngô nghe thấy một người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ hét lên bằng tiếng Hoa rằng, “Tôi không muốn quay lại Trung Quốc, tôi muốn quay lại Thổ Nhĩ Kỳ.” Cô Ngô cho hay cô nhận ra những người phụ nữ này là người Duy Ngô Nhĩ dựa trên ngoại hình và giọng nói đặc trưng của họ.
Một lính canh đã đưa cho cô Ngô một chiếc điện thoại và một thẻ sim, và hướng dẫn cô gọi điện thoại cho vị hôn phu của cô và gọi cho mục sư Bob Fu, người đứng đầu ChinaAid, một tổ chức Cơ Đốc Giáo bất vụ lợi. Mục sư Bob Fu là người đang giúp đỡ cặp đôi này.
Anh Vương đã xác nhận với AP rằng cô Ngô đã gọi điện và hỏi về địa điểm anh đang ở. Mục sư Fu cho biết ông ấy đã nhận được bốn hoặc năm cuộc gọi từ cô trong thời gian này, một vài cuộc gọi từ một số điện thoại không xác định ở Dubai, trong đó có một cuộc gọi cô Ngô vừa khóc vừa nói không rõ ràng. AP cũng xem xét các tin nhắn mà cô Ngô gửi cho ông Fu vào thời điểm đó, các tin nhắn này rời rạc và không nhất quán.
Cô Ngô cho biết điều cuối cùng những kẻ bắt giữ yêu cầu cô là phải ký vào các giấy tờ chứng nhận rằng anh Vương đã quấy rối cô.
Cô Ngô nói với AP, “Tôi đã thực sự sợ hãi và buộc phải ký vào các giấy tờ này.”
Sau khi cô Ngô được trả tự do, cô đã bay đến Ukraine, nơi cô được đoàn tụ với anh Vương. Sau những lời đe dọa từ cảnh sát Trung Quốc nói rằng anh Vương có thể phải đối mặt với việc bị dẫn độ từ Ukraine, cặp đôi này đã chạy thoát sang Hà Lan. Cô Ngô cho biết cô rất nhớ quê hương.
Cô bày tỏ, “Tôi đã phát hiện ra rằng những người lừa dối chúng tôi lại chính là người Hoa, rằng chính những người đồng hương của chúng tôi đang làm tổn thương đồng bào của mình.”
Các phóng viên Nomaan Merchant và Matt Lee đã đóng góp cho báo cáo này từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: