Người tiêu dùng Hoa Kỳ không hài lòng
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của trường Đại học Michigan đã giảm xuống 82.8 trong tháng 05/2021, từ mức 88.3 vào tháng 04/2021. Quan trọng hơn, chỉ số điều kiện kinh tế hiện tại đã rơi xuống 90.8 từ mức 97.2 và chỉ số kỳ vọng của người tiêu dùng giảm xuống 77.6 từ mức 82.7
Dữ liệu chính xác này cũng đặt ra những nghi vấn về mức độ bền vững của việc hồi phục. Doanh số bán lẻ trong tháng 04/2021 không thay đổi, với quần áo giảm 5.1%, doanh thu các cửa hàng giảm 4.9%, hàng hóa phục vụ cho giải trí và thể thao giảm 3.6%, còn dịch vụ ăn uống chỉ tăng 3%.
Sản lượng sản xuất của Hoa Kỳ cũng gần như không đổi trong tháng 04/2021, chỉ tăng 0.4% so với cùng kỳ tháng trước do sản lượng xe có động cơ giảm 4%. Quý vị có thể nghĩ rằng điều này không tệ lắm cho đến khi quý vị thấy rằng mức thỏa dụng công suất công nghiệp chỉ đạt 74.9% vào tháng 04/2021, thấp hơn đáng kể so với trước đại dịch.
Số liệu việc làm cũng đặt ra những câu hỏi về luận điểm “phục hồi mạnh mẽ.” Việc làm phi nông nghiệp vẫn giảm 8.2 triệu, tương đương 5.4%, so với các mức trước đại dịch, dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có khả năng phục hồi hoàn toàn trong quý 2 năm nay.
Những con số này rất quan trọng vì chúng xuất hiện sau hàng ngàn tỷ dollar được gọi là kích thích [kinh tế], và toàn bộ luận điểm của sự phục hồi hình chữ V xuất phát từ quan điểm rằng tiêu dùng sẽ tăng vọt. Thực tế lại cho thấy khác. Trên thực tế, doanh số bán lẻ đã cho thấy một cú bật giả tạo do các chi phiếu kích thích được đưa ra một cách sai lầm, chỉ để quay trở lại tình trạng trì trệ.
Sự gia tăng lạm phát càng làm dấy lên những câu hỏi về quan điểm bùng nổ tiêu dùng, hiển nhiên đối với tầng lớp trung lưu. Tại sao? Nếu chúng ta nhìn vào mức tăng 4.2% của chỉ số giá tiêu dùng trong 12 tháng kết thúc vào tháng 04/2021, nó bao gồm mức tăng [giá] 25% trong năng lượng, mức tăng 12% giá khí đốt, mức tăng 5.6% [giá] dịch vụ vận tải, mức tăng 2.2% [giá] các dịch vụ y tế, v.v.
Khi người tiêu dùng nhận thấy giá cả tăng cao hơn, đặc biệt là đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu mà chúng ta mua hàng ngày, các quyết định tiêu dùng trở nên thận trọng hơn và xu hướng tiết kiệm tăng lên. Đây là điều mà chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia. Ở Nhật Bản, thông điệp “chính thức” nhiều năm về nguy cơ giảm phát đã xung đột với nhận thức của người dân về giá cả sinh hoạt và xu hướng tiết kiệm tăng lên–đúng là như vậy. Người dân không khờ khạo, và quý vị có thể nói với họ rằng không có lạm phát hay chỉ là nhất thời, nhưng họ nhận thấy chi phí sinh hoạt gia tăng và họ sẽ có phản ứng một cách tương ứng.
Có hai điều chúng ta nên quan tâm. Thứ nhất, sự phục hồi yếu ớt nhờ chương trình kích thích tài chính và tiền tệ lớn nhất trong nhiều thập kỷ; và thứ hai, hiệu quả ngắn hạn và giảm dần của các chương trình này. Một gói kích thích trị giá 2 nghìn tỷ USD tạo ra một hiệu ứng rất ngắn hạn kéo dài dưới 5 tháng.
Gần đây tôi đã có một cuộc thảo luận với cựu ứng cử viên Cục Dự trữ Liên bang Judy Shelton, và bà tuyên bố rằng sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn nếu không có các gói kích thích kinh tế. Có lẽ bà ấy đúng.
Những người theo thuyết Neo-Keynes (thuyết Keynes mới) có thể sẽ nói rằng nếu các số liệu trên vẫn tiếp tục, thì giải pháp là thêm gói kích thích [khác] nữa, nhưng không phải vậy. Nhiều tiền hơn cho các chương trình của chính phủ có nghĩa là tăng trưởng chậm hơn và phục hồi yếu hơn.
Người tiêu dùng Hoa Kỳ không hài lòng. Họ không nhìn thấy sự lạc quan chính thức về thị trường việc làm hoặc các số liệu vĩ mô, và tình trạng “đường cao” như hiện tại có khả năng dẫn đến trạng thái “thiếu đường” đột ngột.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương” và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Lý Bình biên dịch