Người tị nạn Tây Tạng xót xa kể lại cảnh bị chính quyền Bắc Kinh xua đuổi
Hoa Kỳ gần đây đã đi một nước cờ chưa từng có trong việc kêu gọi sự chú ý về vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng. Ở Leh, nhiều người Tây Tạng sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm trực tiếp của họ đối với những vụ vi phạm nhân quyền mà họ chịu đựng.
Trong cuộc họp lần đầu tiên giữa chính phủ Tây Tạng lưu vong và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng của Bộ Ngoại giao mới được bổ nhiệm, ngài Robert Destro, đã gặp chủ tịch của Chính phủ Tây Tạng lưu vong, ngài Lobsang Sangay, tại Washington để hội đàm chính thức vào ngày 15 tháng 10 và giải quyết “các vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” mà người dân Tây Tạng phải gánh chịu dưới bàn tay của ĐCSTQ.
Cùng lúc đó, The Epoch Times đã trò chuyện với hai người tị nạn lớn tuổi. Họ chia sẻ những gì bản thân chứng kiến trước và sau khi cộng sản chiếm Tây Tạng và công cuộc di cư của họ qua khu vực Himalaya hiểm trở để đến Ladakh.
Cụ bà 85 tuổi Kalsang Lhamo nhớ rất rõ các chiêu trò ĐCSTQ sử dụng để chống lại các giáo chủ và lãnh đạo chính trị Tây Tạng ở Chantang, một khu vực du mục ở tỉnh Ngary.
“Chúng tôi được yêu cầu ném đất vào họ. Phỉ nhổ họ”, Lhamo kể lại với tờ The Epoch Times vào một buổi sáng đầy nắng ở khu tị nạn Tây Tạng Agling tại Leh, cách biên giới diễn ra cuộc xung đột Trung-Ấn khoảng 202 km.
Bà Lhamo kể rằng những tên cộng sản đã đưa cho cha bà một bức ảnh đen trắng nhỏ có hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Mao Trạch Đông. “Họ nói với chúng tôi rằng hãy giơ tay lên với bất cứ điều gì Mao dạy và giơ nắm đấm cho bất cứ điều gì Đạt Lai Lạt Ma nói”. Bà Lhamo giải thích thêm rằng việc giơ tay có nghĩa là chấp nhận Mao và nắm tay có nghĩa là chính phủ của Đạt Lai Lạt Ma đã “kết thúc”.
“Họ nói với chúng tôi rằng hiến pháp Tây Tạng là sai trái. Họ nói với chúng tôi rằng thông qua cuộc cách mạng Trung Quốc, họ sẽ trao cho chúng tôi nhân quyền và quyền tôn giáo. Nhưng họ đã lừa chúng tôi”, bà Lhamo nói, một tay xoay chiếc kinh luân còn tay kia lần chuỗi tràng hạt màu trắng.
“Một phía của các tu viện Tây Tạng bị sơn màu đỏ. Họ cho chúng tôi biết màu đỏ của tu viện là máu và mồ hôi của chúng tôi – những người nghèo. Họ nói với chúng tôi rằng những người ở tu viện đã lừa bịp chúng tôi nhân danh tôn giáo”, bà Lhamo nói khi ngồi trên ghế trong sân của một người tị nạn cao tuổi khác – cụ ông 91 tuổi Lobsang Tempa.
Cụ ông Tempa lắng nghe từ cửa sổ khi cụ bà Lhamo nói chuyện và con trai 57 tuổi của ông, Ngodeep Gurmey, phiên dịch. Bà Lhamo nói: “Khi người Trung Quốc đến đất nước chúng tôi, họ đã ở đó một vài năm và nói rằng chúng tôi là hàng xóm của nhau. Yakpo, Yakpo! Họ chỉ biết hai từ trong tiếng Tây Tạng. ”
Gurmey nói: “Yakpo, Yakpo!” có nghĩa là “tốt, tốt” trong tiếng Tây Tạng.
“Họ đã lừa dối chúng tôi. Dần dần họ bắt đầu tra tấn chúng tôi. Các vị Ruthoktsong (các nhà lãnh đạo chính trị) và Labrang (các nhà lãnh đạo tôn giáo) của chúng tôi đã bị tra tấn và lăng mạ một cách công khai”, bà Lhamo kể lại. “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi buộc phải nói ‘xin lỗi.’ Tay họ bị trói bằng dây thừng và lính Trung Quốc dí súng vào lưng họ.”
“Họ không làm gì sai cả nhưng bị buộc phải nói lời xin lỗi. Đó là một màn kịch”, bà Lhamo lúc ấy 25 tuổi đã chứng kiến những tên cộng sản chỉ trích các thể chế chính trị và tôn giáo lâu đời của Tây Tạng.
Hai năm sau vào mùa xuân, gia đình của bà vẫn ra đồng tưới nước để cho thấy họ vẫn sống như thường nhật và không có kế hoạch đi đâu cả, rồi họ âm thầm rời Changtang cùng với 300 người khác để đến Ladakh. Gia đình bà bỏ đi với hơn 700 con cừu, 100 con bò Yaks và hơn 20 con ngựa.
Toàn bộ vùng Agling ở Ladakh ngày nay là nơi sinh sống của những người tị nạn đến từ Changtang. Ông Tempa thậm chí vẫn còn nhớ ngày ông rời khỏi nhà của mình ở Rutok — 12-13 tháng 8 năm 1960.
“Chúng tôi đã đi bộ trong bảy ngày và tới Demchok. Chúng tôi đi bộ vào ban đêm và trốn cùng đàn gia súc của mình trong các thung lũng vào ban ngày”, ông Tempa – một người du mục ở Chamtang đã đi bộ tới Ấn Độ cùng 5 gia đình họ hàng và 100 con bò Yaks, 1.000 con cừu và hai con ngựa.
Ở vùng Kachkshung thuộc Ladakh, cả gia đình ông Tempa và bà Lhamo đều mất hết gia súc vì cái lạnh và băng tuyết buốt giá trong suốt một năm sau khi di cư khỏi Tây Tạng. Ông Tempa nói, khuôn mặt nhăn nheo trở nên buồn bã với đôi mắt nhắm nghiền: “Gia súc chết ở khắp mọi nơi”.
“Chúng tôi phải bỏ lại người già vì họ không thể đi bộ được ở độ cao nguy hiểm như vậy. Đất nước của chúng tôi cũng bị chiếm mất. Đó là một khoảng thời gian rất khó khăn”, Tempa nói.
Ở Ấn Độ, ông Tempa kiếm sống bằng cách cung cấp suất ăn cho quân đội Ấn Độ đóng quân ở vùng cao mà chỉ có ngựa mới có thể đi tới. Sẽ mất 15 ngày trên ngựa từ Leh để đến biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày nay.
Ông Tempa nói: “Tôi đã đến Galwan hầu hết mỗi mùa đông và mùa hè để cung cấp suất ăn cho quân đội”, ông Tempa nói về những đỉnh núi cao ở Galwan – nơi 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc đã mất mạng trong một cuộc xung đột đẫm máu vào ngày 15 tháng 6.
Cả ông Tempa và bà Lhamo đều biết những gì đang xảy ra ở Tây Tạng và ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc ngày nay. Đối với ông Tempa, nó gợi lại ký ức về những gì từng xảy ra ở Tây Tạng và ông cảm thấy sợ hãi.
Bà Lhamo không muốn nói về điều đó. “Tôi không chú ý đến những gì đang xảy ra bây giờ. Tôi chỉ ăn, ngủ và tụng kinh – Om mani padme hum”, bà nói và khuôn mặt lộ rõ vẻ kích động.
Khi đứng dậy khỏi chiếc ghế dài bằng nhựa bà đang ngồi, khuôn mặt nhăn nheo của bà lại trở nên căng thẳng và buồn bã. “Họ đã tra tấn chúng tôi. Họ còn buông ra những lời tục tĩu”. Những ký ức đó vẫn khiến bà đau đớn…
Tình trạng ngược đãi vẫn tiếp diễn
Người Tây Tạng phải tiếp tục gánh chịu những hành vi ngược đãi kể từ khi ông Tempa, bà Lhamo và gia đình họ nhập cư.
Trong bảy tháng đầu năm 2020, ĐCSTQ đã đào tạo cho nửa triệu người Tây Tạng ở Khu tự trị Tây Tạng khóa đào tạo nghề “kiểu quân đội” để cải cách “tư duy lạc hậu”. Theo The James Town Foundation, nội dung khóa đào tạo bao gồm “kỷ luật làm việc”, luật lệ và ngôn ngữ Trung Quốc.
Tổ chức này cho biết: “Kế hoạch hà khắc này có một số điểm tương đồng đáng lo ngại như hệ thống đào tạo nghề cưỡng chế và chuyển giao lao động được thiết lập ở Tân Cương”.
Ngài Destro cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 15/10 rằng Hoa Kỳ lo ngại về cuộc đàn áp đang diễn ra của ĐCSTQ đối với Phật tử Tây Tạng.
Ông phát biểu: “Hoa Kỳ lo ngại về việc thiếu quyền tự chủ có ý nghĩa cho người Tây Tạng và cuộc đàn áp đang tiếp diễn của ĐCSTQ đối với Phật tử Tây Tạng. Với tư cách là Điều phối viên Đặc biệt, tôi sẽ tiếp tục hối thúc CHND Trung Hoa tôn trọng nhân quyền và bản sắc tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ độc đáo của người Tây Tạng”.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã gọi việc bổ nhiệm ông Destro là một “sự cố gắng vô ích”.
“Đây là một sự cố gắng vô ích. Trung Quốc luôn phản đối việc thiết lập cái gọi là ‘điều phối viên cho các vấn đề Tây Tạng.’ Nước ta chưa bao giờ thừa nhận vị trí này cũng như sẽ không liên hệ với người được gọi là điều phối viên. Do đó, Destro, giống như những người tiền nhiệm của ông ta, sẽ không bao giờ có cơ hội đến Tây Tạng”, Zhu Weiqun – cựu Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo của Ủy ban Quốc gia thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc phát biểu với Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc.