Người thu nợ có thể liên lạc trực tiếp với người vay trên mạng xã hội
Người đòi nợ hiện có thể nhắn tin, gửi email, và gửi tin nhắn trực tiếp cho người vay trên phương tiện truyền thông xã hội sau khi các quy tắc mới được Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) phê duyệt có hiệu lực hôm thứ Ba (30/11).
Các quy tắc mới làm rõ cách những người đòi nợ có thể sử dụng email, tin nhắn văn bản, mạng xã hội, và các phương pháp hiện đại khác để giao tiếp với người tiêu dùng. Quy tắc này cũng cho phép người đi vay hạn chế khả năng người thu nợ liên hệ với họ thông qua các phương thức liên lạc như vậy.
Mặc dù nhân viên thu nợ có thể liên hệ với người vay thông qua một loạt các phương thức liên lạc, Đạo luật Thực hành Thu hồi Nợ Công bằng năm 1977 nghiêm cấm các hành vi đòi nợ quấy rối, lạm dụng, và không công bằng cũng như các tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm của người thu nợ.
Theo các quy định mới, những người đòi nợ liên hệ với người vay trên mạng xã hội phải tự xác định mình là người như vậy và cung cấp cho người tiêu dùng tùy chọn không tham gia liên hệ trực tuyến.
Tùy chọn đó cần phải là “một phương pháp hợp lý và đơn giản để chọn không tham gia các liên lạc như vậy tại một địa chỉ email hoặc số điện thoại cụ thể.”
Bất kỳ tin nhắn nào họ gửi phải được thực hiện một cách riêng tư, có nghĩa là họ không thể đăng trên trang công khai của người vay, tuy nhiên, những người đòi nợ có thể gửi yêu cầu kết bạn hoặc theo dõi người tiêu dùng, miễn là họ cung cấp thông tin nhận dạng.
Theo các quy tắc mới, người đòi nợ bị coi là vi phạm luật liên bang nếu họ “gọi điện thoại cho một người cụ thể liên quan đến việc đòi một khoản nợ cụ thể hơn bảy lần trong vòng bảy ngày liên tiếp hoặc trong vòng bảy ngày liên tiếp sau khi nói chuyện qua điện thoại về khoản nợ này.”
Nhân viên thu hồi nợ cũng bị cấm sử dụng hoặc đe dọa kiện người tiêu dùng về khoản nợ có thời hạn và phải thực hiện “các bước cụ thể” để tiết lộ sự tồn tại của khoản nợ cho người tiêu dùng trước khi báo cáo thông tin về khoản nợ cho một tổ chức báo cáo về người tiêu dùng.
Cụ thể, nhân viên thu nợ phải nói chuyện trực tiếp với người tiêu dùng hoặc đợi ít nhất 14 ngày sau khi gửi thư hoặc liên lạc trực tuyến trước khi báo cáo họ với cơ quan xếp hạng tín dụng.
Nếu người tiêu dùng tin rằng người thu tiền đang vi phạm các quy tắc, họ có thể gửi đơn khiếu nại đến Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các quy tắc của CFPB không quy định rõ ràng tần suất người đòi nợ có thể liên hệ với người tiêu dùng qua văn bản, email hoặc tin nhắn riêng tư.
Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng cho biết, “Quy tắc là kết quả của một quá trình thảo luận, cân nhắc kỹ kéo dài hơn bảy năm và phản ánh sự tham gia của những người ủng hộ người tiêu dùng, những người đòi nợ, và các bên liên quan khác.”
CFPB đã đề xuất kéo dài ngày bắt đầu theo dự kiến của các quy tắc mới đến ngày 29/01/2022, nhưng sau đó xác định rằng việc gia hạn là “không cần thiết” và đặt ngày bắt đầu theo dự kiến là ngày 30/11/2021.
CFPB ca ngợi động thái này là một sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với các phương pháp lỗi thời hiện đang được những người đòi nợ sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng.
Giám đốc CFPB Kathleen Kraninger cho biết: “Với những thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền thông kể từ khi FDCPA được thông qua hơn bốn thập kỷ trước, điều quan trọng là phải đưa ra các quy tắc rõ ràng. Việc lập quy tắc thu hồi nợ của chúng tôi đưa ra các giới hạn đối với người thu nợ và cung cấp các quyền rõ ràng cho người tiêu dùng. Với quy tắc thu hồi nợ hiện đại hóa này, người tiêu dùng sẽ có quyền kiểm soát tốt hơn khi giao tiếp với nhân viên thu nợ.”
Tuy nhiên, một số nhà phê bình bày tỏ lo ngại rằng các quy định mới sẽ tác động tiêu cực đến những người tiêu dùng không có quyền truy cập internet thường xuyên hoặc không kiểm tra mạng xã hội thường xuyên, dẫn đến việc họ bỏ lỡ bất kỳ thông tin liên lạc nào từ những người đòi nợ.
Bà April Kraninger, một luật sư là nhân viên tại Trung tâm Luật Người tiêu dùng Quốc gia, nói với NPR, rằng các quy tắc mới “thực sự đáng thất vọng và đáng lo ngại theo một số cách.”
Bà Kraninger nói rằng các quy định mới cũng có thể làm phát sinh thêm nhiều tội phạm lợi dụng các phương thức liên lạc mới hơn và cố gắng liên lạc bất hợp pháp với người tiêu dùng bằng cách đóng giả là người đòi nợ hợp pháp.
“Tôi thực sự đã nhận được email thư rác đòi nợ đầu tiên của mình ngay cả trước khi các quy định mới có hiệu lực. Vì vậy, chắc chắn chúng ta nên dự đoán sẽ có thêm nhiều kẻ xấu đang cố gắng lừa đảo mọi người trả cho chúng những khoản nợ bị cáo buộc.”
Bà Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: