Người phụ nữ Trung Quốc tìm thấy nhiều camera ẩn trong khách sạn 5 sao
Một người phụ nữ Trung Quốc đã phát hiện ra những chiếc camera thu nhỏ được giấu kín trong hai phòng khách sạn trong một chuyến công tác ở tỉnh Hồ Nam.
Theo The Paper, một tờ báo kỹ thuật số quốc doanh của Trung Quốc, vào đêm hôm 07/10, cô Đường (Tang) đã nhận phòng tại Khách sạn Quốc Tế Lâm Vũ (Linwu International Hotel) ở thành phố Sâm Châu của tỉnh Hồ Nam. Gần đây cô đã nghe được tin tức rằng có nhiều phụ nữ bị chụp lén trong các phòng khách sạn; vì quá tò mò, nên cô đã bắt đầu tìm kiếm cho bằng được một chiếc camera khi bước vào phòng 1711.
Cô rất ngạc nhiên khi đã tìm thấy một chiếc camera thu nhỏ trong ổ cắm điện trên tường trực tiếp hướng về phía giường ngủ.
“Ngay lúc đó, tôi đã lấy một chiếc tăm để chọc thử vào [ổ cắm này], nhưng nó không vào được”, cô Đường nói. “Ngay lập tức, tôi yêu cầu quầy lễ tân mang một cái tuốc-nơ-vít lên. Sau khi tháo [ổ cắm] ra xong, chúng tôi đã tìm thấy một chiếc camera có đèn sáng, cho thấy nó vẫn đang hoạt động”.
Theo bài báo trên, chiếc camera này có kích thước chỉ bằng một thanh xà phòng, có đèn LED màu xanh dương đang hoạt động và có thẻ SD. Các phương tiện truyền thông sau đó đã đưa tin rằng đã có 29 GB nội dung được ghi lại trong chiếc thẻ nhớ này.
Cô Đường đã chụp ảnh thiết bị đó và ngay lập tức báo sự việc này cho cảnh sát. Sau khi lấy lời khai của cô, cảnh sát đã mang bằng chứng này đi.
Sau đó, khách sạn sắp xếp cho cô Đường chuyển sang một phòng khác. Cô rất bàng hoàng khi tìm thấy một chiếc camera nữa nằm trong ổ cắm điện trong phòng 1311. Cô Đường cho biết cô đã rất chấn động.
“Cảnh sát đã ập đến, và lần này, đã thu thập thông tin nhận phòng của những vị khách từng ở khách sạn này trước đó”, cô Đường nói.
Vì trời đã khuya, và có nhiều đồng nghiệp cũng ở lại khách sạn này, nên cô Đường đã quyết định qua đêm ở đây.
Hôm 13/10, ông Đồng (Tong), quản lý của khách sạn này, nói với kênh truyền thông địa phương rằng nhân viên khách sạn đã kiểm tra tất cả các phòng khác sau vụ việc trên, và không tìm thấy chiếc camera nào khác.
“Cảnh sát vẫn chưa kết luận về cuộc điều tra của họ, và phía khách sạn sẽ hoàn toàn hợp tác và chấp nhận những kết quả điều tra đó. Vị khách đó nói rằng cô ấy có thể sẽ khởi kiện một vụ kiện dân sự, nhưng mà khách sạn của chúng tôi cũng đang là bên bị hại. Chúng tôi không hề biết những chiếc camera đó đến từ đâu hết”, ông Đồng nói với kênh truyền thông địa phương.
Thông tin công khai cho thấy Khách sạn Quốc tế Lâm Vũ đã được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn khách sạn năm sao của Trung Quốc. Tòa nhà chính của khách sạn này cao 21 tầng và 167 phòng nghỉ.
Nhiều hãng thông tấn đã chất vấn tuyên bố của khách sạn này, cho rằng tuyên bố của người quản lý đó về việc tự coi họ là người bị hại là việc làm vô trách nhiệm.
“Có phải quá ‘trùng hợp’ khi một vị khách tìm thấy hai chiếc camera được giấu kín duy nhất trong khách sạn này không? Và khách sạn có nên chịu trách nhiệm về quyền riêng tư của khách không? Làm sao mà khách sạn đó có thể tự gọi mình là ‘nạn nhân’ được chứ?” theo Red Star News, một phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc, đã đặt câu hỏi về tuyên bố của khách sạn này.
Cảnh sát tại địa phương này vẫn đang trong quá trình lập hồ sơ về vụ việc trên, và vẫn chưa rõ ai là người đã lắp đặt hai camera ẩn đã được tìm thấy này.
Ngành công nghiệp camera gián điệp khổng lồ của Trung Quốc
Camera ẩn đang tràn lan ở các khách sạn trên khắp Trung Quốc. Các khách sạn ở Quảng Châu, Hạ Môn, Trịnh Châu, Lạc Dương, Tây An, Thạch Gia Trang và các thành phố khác đã báo cáo việc tìm thấy camera lỗ kim mini trong các ổ cắm trên tường. Theo tờ Giới Diện Tân Văn (Jiemian News), một hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, vào năm 2016, người ta đã tìm thấy những chiếc camera giấu kín trong 35 khách sạn ở 24 thành phố.
Những chiếc camera lỗ kim được che giấu khá dễ dàng. Theo phân tích của China News Service, chúng thường được giấu trong cúc áo, móc treo quần áo, máy điều hòa, đèn sàn, bình pha dầu gội đầu, vòi hoa sen, hộp set-top, bộ định tuyến, ly nước, ổ cắm điện, đèn trần, cây cảnh, v.v. Tuy nhiên, những nơi hay xuất hiện nhất là ổ cắm điện âm tường do có nguồn điện cho phép camera này có thể hoạt động lâu dài.
Hoạt động giao dịch các cảnh quay bằng camera ẩn đã trở thành một ngành công nghiệp đen ở Trung Quốc. Hồi tháng 03/2019, lực lượng cảnh sát thị trấn Tế Ninh thuộc tỉnh Sơn Đông đã phát hiện ra một đường dây chuyên lắp đặt camera giấu kín trong các phòng nghỉ của khách sạn và bán các đoạn video ghi âm này trên mạng. Cảnh sát đã thu giữ hơn 300 camera lỗ kim và trích xuất hơn 100,000 video từ các thiết bị đó. Thủ phạm chính đã bán các bản ghi video này như một dịch vụ đăng ký. Mỗi camera có khoảng 100 người đăng ký, những người này đều bị tính phí từ 16 USD đến 47 USD mỗi tháng cho một tài khoản xem. Sẽ có một khoản phụ phí, từ 31 USD đến 63 USD mỗi tháng, nếu đã đăng ký thông qua một đại lý.
Tờ The Paper đã phân tích 66 vụ giấu camera trong khách sạn vào tháng Ba năm nay. Họ phát hiện ra rằng việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân, tống tiền, và bán hàng là ba mục đích chính của [việc lắp đặt] những chiếc camera [ẩn] này.
Trung Cộng sử dụng camera ẩn và thiết bị nghe lén để dò thám và tống tiền
Một người trong cuộc nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc cũng sử dụng camera ẩn cho các mục đích gián điệp và tống tiền. Chúng không chỉ được dùng trong các khách sạn mà còn thường được sử dụng trong các chuyến thăm của các nhà chức sắc ngoại quốc và các hội chợ kinh doanh quy mô lớn. Thông tin từ các máy điện toán xách tay và các tài liệu cá nhân đều bị đánh cắp khi người đó rời khỏi phòng khách sạn có lắp những chiếc camera này.
Một người trong cuộc khác cũng nói với The Epoch Times rằng nhiều giám đốc an ninh khách sạn đều đang là gián điệp của Trung Cộng. Họ thuộc lực lượng an ninh công cộng hoặc an ninh quốc gia Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Cộng không chỉ do thám người ngoại quốc, mà còn thường nhắm mục tiêu vào chính người dân của mình. Theo Sohu News, một mạng tin tức Internet của Trung Quốc, đưa tin vào năm 2012 rằng một người đàn ông tên Tề Hồng (Qi Hong) đã tháo dỡ hơn 40 thiết bị nghe lén cho một quan chức Trung Quốc trong vòng một tuần. Sau đó, nhiều quan chức khác đã tìm đến dịch vụ của ông này. Năm 2011, ông cũng đã tháo hơn 300 thiết bị nghe lén ra khỏi xe hơi, văn phòng, và phòng ngủ của hàng trăm quan chức chính quyền Trung Quốc.
Ông Tề nói rằng các quan chức của Trung Cộng “thường ôm nhau khi gặp mặt” để kiểm tra xem bên kia có đeo thiết bị phần mềm gián điệp hay không. “Các cuộc trò chuyện quan trọng thường được trao đổi ở trong các trung tâm [kinh doanh dịch vụ] tắm rửa, nơi mà họ có thể cảm thấy yên tâm thực sự”, ông Tề nói thêm.
Ông Shawn Lin là một Hoa kiều sinh sống tại New Zealand. Ông đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: