Người phụ nữ bán vé số trở thành nhân vật truyền cảm hứng năm 2021 của Forbes Việt Nam
Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam đã bình chọn bà Trần Thị Kim Thia (63 tuổi; ngụ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Điều đặc biệt là, không giống như những nhân vật điển hình mà tạp chí Forbes vẫn vinh danh, bà Thia chỉ là một nông dân nghèo khổ miền sông nước.
Bà Trần Thị Kim Thia được người dân gọi với cái tên trìu mến, thân thương là “bà Sáu Thia” vì bà thứ sáu trong gia đình. Quê bà ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Do nhà nghèo, cha mẹ bà lần lượt qua đời nên lúc 34 tuổi, bà tha hương đến xã Hưng Thạnh làm thuê kiếm sống.
Hằng ngày, bà đi bán vé số để mưu sinh. Xong việc, bà về dạy bơi miễn phí cho trẻ em miệt sông nước ở miền Tây. Sự cống hiến thầm lặng của bà đã mang đến những đóng góp to lớn cho xã hội. Vì vậy, Tạp chí Forbes đã quyết định trao giải thưởng danh giá của mình cho bà Sáu Thia – người phụ nữ tuy nghèo khổ, giản dị nhưng có một tấm lòng cao cả, hào hiệp.
Theo Tạp chí Forbes, đây là lần đầu tiên tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh của bản thân để tạo ra những tác động tích cực, đủ để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.
Dạy bơi vì… thương người
“Chứng kiến nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước qua truyền hình nên dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ vùng sông nước để xã hội không còn thấy cảnh trẻ em bị chết đuối thương tâm”. Đó là lý do rất đỗi giản đơn khiến bà Sáu bắt đầu “sự nghiệp” dạy bơi dù tài chính không dư dả là bao.
Thời gian đầu, bà Sáu Thia tự đóng cọc, quây lưới dưới mé sông làm thành hồ bơi dã chiến để dạy trẻ. Không phân biệt giàu nghèo, mọi phụ huynh đều có thể gửi con đến học.
Bà Sáu Thia dù chỉ với kinh nghiệm dạy bơi “miệt vườn” nhưng “mát tay”, những đứa trẻ được bà dạy rất nhanh biết bơi; nhanh nhất thì 5 ngày, chậm khoảng 10 ngày là “tốt nghiệp” bơi cấp tốc.
Tiếng lành đồn xa, suốt 19 năm thầm lặng, những phụ huynh tin tưởng và đưa con đến làm học trò của bà ngày càng đông.
Trung bình mỗi năm, bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7 – 15 tuổi. Thời gian mở lớp thường trong dịp hè, nước lũ sắp về. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ rưỡi, kéo dài không quá 15 ngày. Ngoài khoản trợ cấp tiền xăng ít ỏi của chính quyền địa phương thì bà không nhận học phí của bất kỳ phụ huynh nào, cho dù họ “nhét túi” riêng để tỏ lòng cảm ơn.
Bà Sáu nói: “Ngày xưa, tôi vừa đi bán vé số vừa dạy bơi. Nhiều người nói sao ngu vậy, không đi bán vé số kiếm tiền, đi dạy bơi làm chi, đâu có tiền đâu. Nhưng tôi xem tivi, thấy trẻ con chết đuối nhiều quá, tội nghiệp. Nơi tôi ở bước ra cửa nhà là thấy sông nước. Tôi muốn dạy tụi nhỏ biết bơi để không phải chết đuối. Có vậy thôi!”.
Khi có lịch dạy bơi, mỗi buổi sáng bà Sáu Thia dậy sớm cưỡi chiếc xe máy cà tàng đến địa điểm, sau đó về đi làm thuê, hoặc nhận vé số đi bán dạo. Nhờ những cống hiến của bà Sáu Thia mà các vùng sông nước không có trường hợp trẻ bị đuối nước. Trả lời Tạp chí Forbes Việt Nam, bà Sáu Thia cho biết: “Tôi không chồng không con, tôi coi trẻ như con của tôi trong gia đình. Thời gian tới, lúc nào tôi khỏe thì tôi tiếp tục dạy, khi nào bánh xe tôi không còn lăn nữa thì thôi”.
Kỳ tích bắt đầu từ những điều giản dị
19 năm dạy bơi miễn phí, tính đến nay, bà đã giúp cho gần 4,000 trẻ em vùng sông nước Đồng Tháp Mười biết bơi.
Hiện tại là đang kỳ nghỉ hè, bà Sáu dạy bơi cả sáng cả chiều. Mỗi sáng, bà dậy lúc 4 giờ, nấu cơm ăn xong, 7 giờ bà chạy xe máy đi dạy bơi cho bọn trẻ. Đến 2 giờ chiều, bà lại bắt đầu một ca mới.
Rảnh rỗi, em nào không có bố mẹ đưa đón, bà còn chở về tận nhà. Thỉnh thoảng bà lại nấu cơm cho chúng ăn, coi chúng như con cháu, không so đo tính toán thiệt hơn.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thay vì dạy 40-50 đứa một lớp, bây giờ mỗi lớp của bà chỉ có 10 trẻ, tuổi từ 6 đến 15.
Chắt chiu từng việc tốt qua năm tháng, tấm lòng nhân hậu và rộng lượng của bà được đền đáp xứng đáng. Năm 2017, bà Sáu Thia đoạt giải thưởng KOVA – Tập đoàn Sơn KOVA, hạng mục sống đẹp, tấm gương tiêu biểu trong xã hội. Bà cũng vinh dự trở thành đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do hãng tin Anh BBC bình chọn.
Năm 2020, bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Và năm 2021, bà tiếp tục lọt vào “mắt xanh” của tạp chí Forbes Việt Nam.
Nếu so sánh với 19 gương mặt khác trong danh sách này, bà Sáu Thia quả thực có nhiều khác biệt. Không quyền lực, không địa vị xã hội hay học vấn cao, nhưng bà vẫn “đứng ngang hàng” với những nhân vật còn lại nhờ nhân cách và những cống hiến cho cộng đồng.
Một người phụ nữ 63 tuổi, tài sản không có gì nhiều ngoài danh sách những đứa trẻ biết bơi ngày càng tăng. Một người phụ nữ hơn một đời người dầm mưa dãi nắng làm việc nặng nhọc nên màu da sạm đen, sức vóc lực lưỡng như đàn ông nhưng lại mang trong mình trái tim nhân hậu và bao dung của một người mẹ, một người phụ nữ trung hậu. Một người phụ nữ có xuất phát điểm thấp nhưng đã tạo ra kỳ tích cho cuộc đời mình.
Kỳ tích ấy không đến từ những tài sản vật chất khổng lồ và cơ hội tầm cỡ, mà đến từ ước muốn cứu người, từ tình thương với những đứa trẻ vùng sông nước. Bằng tất cả những gì đẹp nhất trong tâm hồn, bà Sáu Thia đã tự viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường cho chính mình.
Tuệ Anh tổng hợp
Xem thêm: