Người nhập cư Ireland đã vượt qua định kiến và đạt được Giấc mơ Mỹ như thế nào
Chạy trốn khỏi nạn đói, người Ireland đã biến nước Mỹ trở thành quê hương thứ hai của mình, và một số người thậm chí còn trở thành những vĩ nhân Hoa Kỳ.
Khi nhà thơ người Mỹ Emma Lazarus viết những dòng chữ mang tính biểu tượng được khắc trên bệ của Tượng Nữ thần Tự do – “Trao ta những kẻ mệt mỏi, nghèo đói của các ngươi, những đám đông chen chúc của các ngươi đang mong ước hít thở tự do,” – hẳn là bà đã liên tưởng đến những người Ireland. Dòng người nhập cư Ireland đến bờ biển nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19 mà không mang theo gì ngoài một chiếc áo sơ mi phong phanh trên người. Họ đã chạy trốn khỏi mảnh đất quê hương của mình để tránh nạn đói. Họ tràn đến các thành phố nước Mỹ, nơi có điều kiện sống rất tệ hại – những khu ổ chuột bẩn thỉu, là nơi sản sinh ra bệnh tật và chết chóc. Nhưng câu chuyện về người Ireland lập cư đất Mỹ sẽ không phải là một câu chuyện u ám và thống khổ. Không, đó xứng đáng là một niềm hy vọng và vinh quang bởi vì người Ireland đã trở thành một trong những giai thoại thành công nhất của người Mỹ nhập cư.
Người Ireland đổ xô đến Mỹ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Khoai tây được xem là nguồn thực phẩm chính nuôi sống họ hàng ngày. Và một loại nấm bí ẩn sản sinh trên khoai tây sau một mùa hè nóng ẩm vào năm 1845 đã báo hiệu sự nguy cấp của họ. Mất mùa và khủng hoảng liên tục diễn ra sáu năm sau đó. Hơn một triệu người Ireland chết đói, trong khi một triệu người khác rời bỏ đất nước và di cư sang Mỹ, niềm hy vọng cuối cùng và duy nhất của họ. Nạn đói tệ hại năm đó có lẽ là một tấn kịch bi thảm nhất của nhân loại trong thế kỷ 19. Dân số Ireland giảm từ 8.1 triệu người vào năm 1840 xuống còn 6.5 triệu người cũng trong cuối thập kỷ này. Đến năm 1860, một triệu người khác nữa lần lượt đến Mỹ.
Bắt đầu từ những công việc bẩn thỉu
Ban đầu, cuộc sống ở Mỹ cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Người Ireland cư ngụ trong các căn hầm ở New York, các khu ổ chuột ở Philadelphia dọc theo bờ sông Schuylkill và các khu tập thể ở Boston, đôi khi có tới năm gia đình sống trong một căn phòng duy nhất. Hàng nghìn người tử vong vì bệnh tả, và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trong những người nhập cư Ireland ở New York là 80%.
Tệ hơn nữa là họ không được nơi đây chào đón. Những người theo chủ nghĩa bản địa và những người theo đảng Bản địa Mỹ (Know Nothing party) coi rẻ họ, coi dân nhập cư là những người bẩn thỉu, thô thiển và không có văn hóa. Các họa sĩ hoạt hình trên báo đã miêu tả người Ireland là khỉ và khỉ đầu chó, đàn ông chỉ biết nghiện ngập và phụ nữ là gái mại dâm. Họ cũng bị các nhà tuyển dụng lao động từ chối. Các biển báo ở cổng nhà máy có nội dung “Không cần người Ireland nộp đơn.” Tuy nhiên, những định kiến đó nhanh chóng tan biến khi người Ireland cùng với những người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới là động lực chính trong cách mạng công nghiệp tại Mỹ quốc.
Người Ireland làm công nhân trong các nhà máy, làm những công việc lao động tay chân và người đóng chân ngựa. Họ xúc than, kéo xe, đào mương. Họ đã đào hệ thống cống ngầm và tàu điện ngầm của New York. Họ đã xây dựng các tuyến đường sắt. Họ đã làm những công việc vô cùng vất vả, nguy hiểm và dơ bẩn. Hơn một nửa số công nhân xây dựng cầu Brooklyn là người Ireland. Họ đã làm việc cần cù trong nhiều giờ chỉ để nhận đồng lương ít ỏi và vẫn ôm giữ hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Và họ đã làm được điều đó. Người Ireland đã nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi của mình trong nền văn hóa và thể thao đại chúng. Trên khắp đất nước, các bài hát Ireland có thể được nghe thấy tại các vũ trường và hàng quán. Các diễn viên và giọng ca cao người Ireland đã trở thành biểu tượng trên sân khấu biểu diễn. Những võ sĩ chuyên nghiệp lừng danh đầu tiên là người Ireland, gồm cả võ sĩ quyền anh John L. Sullivan, người từng giữ đai hạng nặng từ năm 1882 đến năm 1892, và người đã truất ngôi anh, James “Gentleman Jim” Corbett cũng là người Ireland. Thế hệ con trai của những người nhập cư Ireland đã thống trị làng bóng chày chuyên nghiệp. Vào cuối thế kỷ 19, người ta ước tính rằng có hơn 40% vận động viên chơi bóng của các giải đấu lớn là người Ireland, bao gồm cả những nhà quản lý của Đại sảnh danh vọng là John McGraw và Connie Mack, cũng như một trong những vận động viên bóng chày danh giá nhất mọi thời đại, “Wee Willie” Keeler .
Giáo xứ và trường học Công giáo
Nhưng chính những giáo xứ Công giáo và các trường học Công giáo đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đưa người Ireland thăng tiến trên nấc thang kinh tế.
Năm 1840, chỉ có khoảng 600,000 người Công giáo ở Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 1850, con số này đã tăng lên 1.6 triệu người, chủ yếu là từ nạn đói Ireland. Từ năm 1850 đến năm 1870, số giáo xứ Công giáo ở Philadelphia, Boston và New York đã tăng hơn gấp đôi. Giáo xứ trở thành một phần quan trọng của đời sống đô thị. Đó là nơi những người nhập cư Ireland đến tìm sự xoa dịu, để được an ủi, được tư vấn, được hướng dẫn và được hỗ trợ tài chính. Và có vẻ như gần như tất cả các giáo xứ này đều có trường học của riêng họ. Các lãnh tụ giáo hội người Mỹ gốc Ireland tin rằng, “Trẻ em Công giáo nên theo học các trường Công giáo,” và người Ireland đã làm như vậy. Họ đã mở hàng loạt trường học của họ. Các nữ tu và linh mục đã giáo dục con cái của những người nhập cư thành những công dân có tính kỷ luật nghiêm khắc. Họ đã giữ cho học sinh của mình đi đúng hướng trong khi vẫn bảo tồn văn hóa Ireland. Vị linh mục người Ireland dường như muốn định rõ đạo Công giáo ở Mỹ. Hơn 58% giám mục Hoa Kỳ là người Ireland trong giữa thời kỳ thành lập đất nước và cuộc đại suy thoái đang diễn ra.
Các cơ sở giáo dục Công giáo cũng đóng một vai trò cốt lõi trong sự thành công của người Ireland ở Mỹ. Các trường cao đẳng và đại học Công giáo bắt đầu mọc lên trên khắp đất nước vào khoảng giữa thế kỷ 19, bao gồm Cao đẳng Manhattan ở New York, Cao đẳng LaSalle ở Philadelphia, Loyola ở Chicago, và St. Mary’s ở California. Trường Cao đẳng Boston được thành lập vào năm 1863 bởi các tu sĩ Dòng Tên để giáo dục cộng đồng người nhập mà phần lớn là người Ireland sinh sống tại thành phố này. .
Những chính trị gia người Ireland
Chính trị cũng sẽ mang lại cho người Ireland một con đường thâm nhập vào tầng lớp trung lưu và hơn thế nữa. Vào cuối những năm 1800, người Ireland nổi lên như một lực lượng chính trị mạnh mẽ. Số lượng chính trị gia của họ đã làm cho điều đó trở nên khả thi. Họ đã tạo ra những cỗ máy chính trị để kêu gọi mọi người tham gia bầu cử. Người Ireland là người gốc Ba Lan có bản tính hòa đồng và cởi mở trong quan hệ xã hội. Họ xây dựng khu vực quyền lực của họ theo từng cụm, từng khu vực. Các quán bar địa phương, trạm cứu hỏa và tầng hầm của nhà thờ được sử dụng cho các cuộc họp mặt chính trị. Đó là khởi nguồn chính trị, và nó đã thành công. Năm 1880, ngài William R. Grace trở thành thị trưởng người Mỹ gốc Ireland đầu tiên của New York. Năm năm sau, thành phố Boston đã bầu người Ireland Hugh O’Brien làm thị trưởng, và người dân Chicago bầu John Hopkins làm thị trưởng năm 1893. Al Smith, con trai của những người nhập cư Ireland, cũng trở thành thống đốc của New York vào năm 1923.
Các bộ máy chính trị của đảng Dân chủ do người Ireland thống trị, chẳng hạn như Tammany Hall ở New York, thường xuyên xảy ra nạn tham nhũng, nhưng họ chú trọng cung cấp các dịch vụ có giá trị cho người nhập cư. Các quản trị cấp quận và những chính trị gia của Ireland đã hỗ trợ những người mới đến tìm việc làm và nhà ở. Họ đã trả tiền thuê nhà và cung cấp thực phẩm cho các gia đình nghèo đang phải đối mặt với việc bị đuổi ra khỏi nhà. Họ đã hỗ trợ những người này nhập tịch và giải quyết các vấn đề pháp lý. Họ đã cất lên tiếng nói tại Tòa thị chính cho những thành viên không có quyền hành và có vị trí thấp kém nhất trong cộng đồng của họ.
Trong suốt thế kỷ 20, người Ireland tiếp tục phát triển và đạt được thịnh vượng. Con cháu của những công nhân nhà máy và những người thợ đào mương đã trở thành những giáo sư và y tá, cảnh sát và lính cứu hỏa, kỹ sư và kế toán, bác sĩ và luật sư, và thậm chí là cả tổng thống Hoa Kỳ. John F. Kennedy, chắt của người nhập cư từ nạn đói năm đó đã được bầu làm tổng thống Công giáo đầu tiên của quốc gia vào ngày 8/11/1960. Người Ireland đã thực sự thành công.
Ngày nay, hơn 31.5 triệu người Mỹ, tương đương 10% tổng dân số, có thể khẳng định tổ tiên là người Ireland.
Người Ireland chúng tôi muốn tin rằng giấc mơ Mỹ của chúng tôi là độc nhất vô nhị, nhưng sự thật không phải vậy. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ quốc mang theo niềm hy vọng và ước mơ, đối mặt với những trở ngại và định kiến như thế, và đã bền bỉ không bỏ cuộc. Ngày nay, dòng người nhập cư vẫn tiếp tục kéo đến, cho dù họ đang chạy trốn khỏi chủ nghĩa cộng sản, tìm kiếm tự do tôn giáo, cơ hội kinh tế, hay chỉ đơn giản là một sự khởi đầu mới. Giấc mơ Mỹ của họ vẫn tiếp tục sống. Một số người đến có thể không thực hiện được ước mơ của mình, nhưng con cháu của họ thì có thể. Và đó chính là hy vọng và lời hứa của nước Mỹ.
Bài viết này ban đầu được đăng trên tạp chí American Essence.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: