Người nhà của nạn nhân tử vong vì đại dịch tìm cách kiện chính quyền Vũ Hán lên Liên Hiệp Quốc
Vào ngày 5/8, anh Trương Hải, người nhà của một nạn nhân trong đại dịch virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19), đã gửi thư kêu gọi công khai tới nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch và Front Line Defenders… để tìm kiếm người đại diện nhằm kiện chính quyền thành phố Vũ Hán lên Liên Hiệp Quốc vì tội che giấu đại dịch.
Theo bức thư của anh Trương Hải, vào ngày 17/1/2020, dưới tình huống không biết sự bùng phát của dịch bệnh ở Vũ Hán, anh đã đưa người cha bị gãy chân của mình đến khám ở Bệnh viện Chiến khu Trung bộ, nhưng tại bệnh viện, sau khi nhiễm virus Trung Cộng và việc điều trị không có tác dụng, cha của anh đã qua đời.
Tức giận trước việc chính quyền Vũ Hán che giấu dịch bệnh, và để tìm công lý cho cha, Trương Hải đã gửi đơn kiện lên Tòa án Trung cấp thành phố Vũ Hán dưới sự hỗ trợ của “Nhóm cố vấn pháp lý về việc bồi thường do virus viêm phổi”, nhưng tòa án đã từ chối thụ lý. Sau đó, anh đã đến Tòa án Cấp cao tỉnh Hồ Bắc và Tòa án Tối cao Quốc gia để nộp đơn kiện, nhưng đều không được lập án hay đưa ra phán quyết. “Pháp luật đã hoàn toàn trở thành thứ đồ trang trí, tôi không còn nơi nào để có thể kiện tụng”, anh Trương Hải nói.
Đồng thời, để ngăn Trương Hải kêu oan và đòi bồi thường, cảnh sát Vũ Hán và cảnh sát Thâm Quyến đã quấy rối, đe dọa, theo dõi và điều tra anh ta bằng nhiều cách khác nhau, người thân và bạn bè của anh ta cũng bị đe dọa. Tài khoản trên mạng xã hội của anh ta đã bị khóa, và anh ta bị cảnh sát triệu tập nhiều lần.
Vì tòa án từ chối trả lời, anh ta không còn hy vọng bảo vệ quyền lợi cho cha ở trong Trung Quốc. Anh ta muốn gửi đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc về những hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền thành phố Vũ Hán đối với gia đình các nạn nhân, tuy nhiên anh lại không biết tiếng Anh và không hiểu luật pháp quốc tế, nên anh mong các tổ chức nhân quyền quốc tế giúp đỡ, đại diện cho anh ta gửi đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc.
“Đến Liên Hiệp Quốc để kiện họ vì những tội ác mà họ đã gây ra”
Anh Trương Hải nói với các phóng viên rằng, ở Trung Quốc, có rất nhiều thứ bị chính quyền kiểm soát, bao gồm cả một số kênh phát ngôn, mỗi ngày đều trắng trợn đặt điều giả dối. Rất nhiều người vì sự che giấu, dối trá và hành vi phạm pháp của chính quyền mà đã mất mạng. “Tôi muốn truy tố thì họ phớt lờ tôi, tôi hy vọng các tổ chức nhân quyền có thể giúp tôi đến Liên Hiệp Quốc để kiện họ về những tội ác mà họ đã gây ra”.
Anh nói rằng, những kẻ cầm quyền coi nhẹ mạng sống của người dân, hơn nữa người dân không thể nói ra những tội ác mà họ đã phạm, nếu bạn muốn phản kháng, họ sẽ đe dọa, trấn áp, vu khống bạn và buộc bạn phải đóng miệng bằng nhiều cách khác nhau. Dù bạn im lặng rồi, họ cũng sẽ không cho qua. Đó là một hệ thống vô cùng tà ác.
“Đời người thật ra rất ngắn ngủi, đằng nào rồi cũng chết, tôi luôn nghĩ rằng làm được việc gì đó có ý nghĩa thì mới xứng đáng với cuộc đời của mình”, Anh nói, “Trong con mắt của những người được coi là quyền thế này, họ căn bản là coi thường tính mạng của người dân. Nhưng tôi luôn cho rằng những người dân vô tội ấy, mỗi người đều là một nhân vật không thể thiếu ở trong gia đình”.
Anh chỉ ra rằng, “Hiện tại con virus này đã lây lan trên thế giới quá lâu rồi, hơn nữa nó đã đột biến. Nhưng tôi luôn thấy người được gọi là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này, đi đâu cũng ‘đổ thừa’ rằng virus đến từ Hoa Kỳ. Tôi thực sự muốn hỏi ông ta, nếu nó đến từ Hoa Kỳ, tại sao nó không bùng phát ở Hoa Kỳ? Mà lại bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc? Hơn nữa trước đó chính quyền Vũ Hán còn đã che giấu và dối trá rõ ràng”.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Cộng đã từ chối điều tra nguồn gốc của virus, mà thay vào đó là “ngoại giao chống dịch”. Vào tháng 5 năm ngoái, phát ngôn viên của Trung Cộng đã tuyên bố tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao rằng “Trung Quốc đã liên tiếp cung cấp 50 triệu USD tiền quyên góp cho WHO và thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 2 tỷ nhân dân tệ để hợp tác chống dịch”. Vào tháng 5 năm nay, ông Tập đã tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh về Sức khỏe Toàn cầu rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho quốc tế thêm 3 tỷ USD viện trợ trong ba năm tới.
Anh Trương Hải tin rằng, “Rất nhiều thứ của họ đều cần tiền để giải quyết, bởi vì Trung Quốc có một câu nói rằng ‘có tiền mua tiên cũng được’, đây chính là châm ngôn của họ rồi. Tôi tin rằng Liên Hiệp Quốc có nhiều quốc gia như vậy, họ không thể nào có thể mua chuộc hết được”.
“Tôi luôn muốn hỏi họ: Nếu họ đến bồi thường cho người nhà của những nạn nhân thì sẽ tốn bao nhiêu tiền? Nhưng họ thà dùng tiền để giải quyết việc này, việc kia, chứ không thèm đếm xỉa đến những người đó”, Anh nói, “Là một người dân Trung Quốc bình thường, yêu cầu của chúng tôi không hề cao, nhưng họ nhất loại bỏ qua hết thảy. Vì vậy, tôi quyết tâm muốn đến Liên Hợp Quốc để kiện chính quyền thành phố Vũ Hán về những tội ác mà họ đã gây ra ngay từ đầu”.
Với tư cách là người nhà của nạn nhân, anh cho rằng trước hết chính quyền cần có lời xin lỗi; thứ hai là truy cứu trách nhiệm pháp lý của những phần tử tội phạm được gọi là quan chức này; thứ ba chính là bồi thường.
Vạch trần ngọn nguồn của tội ác
Theo thống kê, tính đến 2h21 chiều ngày 5/8 theo múi giờ miền Đông, tổng số ca nhiễm virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) trên toàn thế giới đã vượt quá 200 triệu người, và số người tử vong đã vượt quá 4.26 triệu.
Anh Trương Hải cho biết, virus đã đột biến và ngày càng khó kiểm soát. Anh ta luôn tin rằng điều thật sự then chốt là ngọn nguồn. “Nếu ngọn nguồn của tội ác này không bị vạch trần, không bị phơi bày ra ánh sáng thì sẽ không bao giờ nhổ tận gốc được virus, việc truy cứu trách nhiệm của ngọn nguồn tội ác là rất quan trọng. Chỉ có như vậy, loại tội ác coi thường tính mạng người khác này mới có thể được người dân trên toàn thế giới biết đến, cho dù đó là ai. Các vị chỉ cần đã phạm tội, các vị sẽ không bao giờ thoát được”.
Anh ta nói: “Loại hành vi này không còn là sự che giấu hay dối trá nữa mà là một hành vi giết người. Bởi vì họ đã có cơ hội tiêu diệt con virus ngay từ trong nôi, nhưng họ không làm như vậy, dẫn đến virus lây lan và giờ đây càng ngày càng khó để diệt tận gốc”.
Hiện tại, các tổ chức nhân quyền nói trên vẫn chưa công khai trả lời yêu cầu của Trương Hải và yêu cầu bình luận của Epoch Times.
Trung Quốc không có biện pháp khắc phục hậu quả pháp lý
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, cô Ngô Minh – chuyên viên dự án viêm phổi virus của Changsha Funeng, một tổ chức từ thiện ở Trung Quốc – cho biết sự việc của anh Trương Hải là một ví dụ thu nhỏ. Bởi vì đối với các nạn nhân của virus, lẽ ra phải có các biện pháp khắc phục hậu quả pháp lý, mỗi quốc gia đều cần có một khâu như vậy, nhưng với những gia đình như anh Trương Hải thì không, gia đình anh phải chịu thiệt hại kép từ dịch bệnh và quyết định của chính quyền.
“Anh ấy đã cảm thấy rất bất lực, vậy nên anh ấy mong muốn khiếu nại, khởi kiện lên Liên Hiệp Quốc”, Ngô Minh cho biết, đây cũng là lựa chọn trong khi không còn cách nào khác, “Chính là nói, toàn bộ hệ thống tư pháp ở Trung Quốc không thể cho phép những nạn nhân này đi tìm công lý, thậm chí ngay cả cơ hội lên tiếng cũng không có, chứ chưa nói đến tìm kiếm công đạo”.
Theo những gì cô biết, trong thời kỳ đại dịch, chính quyền Trung Cộng trấn áp dư luận và các nạn nhân rất gay gắt. Nó không cho phép họ lên tiếng, kiến nghị, phỏng vấn, tiếp xúc với các phương tiện truyền thông và tổ chức nước ngoài, đồng thời nó dùng quyền lực để trấn áp gia đình nạn nhân, khiến những người này không dám lên tiếng, “hiện tại chỉ có Trương Hải là tiếp tục kiên trì”.
Cô Ngô cho rằng để kiện chính phủ của một quốc gia tại Liên Hợp Quốc, đối với những tổ chức nhân quyền này mà nói vẫn là có độ khó nhất định, nó liên quan đến nhiều điều luật quốc tế khác. Các phương pháp có thể chọn dùng để can thiệp vào vấn đề này vẫn còn khá hạn chế.
“Nhưng thông qua những hành vi và phương pháp như vậy, sẽ có nhiều quốc gia và nhiều người hơn hiểu được những gì đã thực sự xảy ra ở Vũ Hán, việc phơi bày sự thật như vậy sẽ khiến thế giới bên ngoài hiểu rõ hơn bộ mặt thật của chính quyền này”, cô nói.
Do Thường Xuân, Lí Tân An, Lí Mộc Ân thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: