Người Mỹ ở Kyiv hồi tưởng lại quá trình rời khỏi Ukraine: ‘Thật là điều không tưởng’
Anh David đã nghe thấy một tiếng nổ gần căn hộ của anh ở Kyiv, và đó chính là tín hiệu đầu tiên cho anh thấy Nga đã bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.
Anh David, một người Mỹ yêu cầu không sử dụng tên đầy đủ của mình, đã sống ở Ukraine từ năm 2015, nhưng không đều đặn. Sau khi các hạn chế đi lại do COVID-19 được dỡ bỏ, anh ấy lại đến thăm Kyiv.
Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 24/02, một tiếng nổ lớn “kaboom” vang vọng đã khiến anh tỉnh giấc, anh nói với The Epoch Times. Anh biết ngay rằng đó chắc chắn là hỏa tiễn của Nga.
“Tiếng nổ đó đã đánh thức tôi. Và đó là lần đầu tiên,” anh nói. “Tiếng nổ lớn đến mức tôi tự nhủ, ‘Được rồi, chúng ta đang đương đầu với một cuộc chiến.’”
Đối với anh David và những người Ukraine khác, hỏa tiễn và cuộc xâm lược của Nga là một nỗi kinh hoàng. Anh nói rằng, trước đây Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ làm điều gì như thế này ở Ukraine.
“Mọi người đều nói, ‘Không đời nào ông Putin sẽ làm thế. Điều này thật điên rồ,’” anh nói. “Ông ấy phỉnh thôi, chỉ là để đàm phán. Ông ấy không bao giờ đi đến cùng con đường đó.”
Ông Todd Gallagher, một nhà truyền giáo Baptist phục vụ ở Vinnytsia, Ukraine, cũng nghĩ như vậy. Khi ông ấy khuyên nhà thờ của mình nên tích trữ vật tư phòng khi có chiến tranh, họ đã cười nhạo ông.
“Tôi thực sự không cảm thấy bị xúc phạm bởi hành động đó, nhưng ý tôi kiểu như là, “Thôi nào các bạn. Chúng ta phải thông minh hơn thế này,” ông Gallagher nói.
Để chuẩn bị, ông đã đưa cho bố vợ người Ukraine của mình tiền để mua và tích trữ thực phẩm trong nhà thờ. Ông nói, giờ đây duy trì được nguồn thực phẩm cho cộng đồng mới là điều tối quan trọng.
Các cuộc xâm lược trước đây của Nga luôn được đánh dấu bởi khả năng gian xảo trong việc đẩy lùi giới tuyến và chiếm đoạt lãnh thổ mà không cần gây chiến, anh David nói.
Sau đó các xe thiết giáp đã tiến vào Ukraine.
Anh David, một cựu cư dân New Orleans, nói rằng xét từ nhiều khía cạnh, cuộc chiến này giống như một cơn cuồng phong. Anh đã tích trữ thức ăn và nước uống, rồi trú ẩn. Rồi sau đó, quân đội Nga đã phá tan các thành phố trên đường đi của họ. Anh mô tả âm thanh của hỏa tiễn tấn công vào Kyiv.
Anh cho biết: “Mọi thứ đều rung chuyển. Cứ vào lúc 4 giờ sáng mỗi ngày, đều như vắt chanh, quý vị sẽ nghe thấy những tiếng nổ.”
Anh David muốn rời đi, nhưng việc đi lại của anh gặp khó khăn vì anh vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn. Anh nói rằng tòa nhà chung cư của anh khá an toàn. Tòa nhà này nằm giữa một bức tường thô của hai tòa nhà khác. Hỏa tiễn của Nga sẽ phải nhắm thẳng vào mới bắn trúng được.
Thành phố bị bao vây
Kyiv đã thay đổi chỉ sau một đêm, anh David nói.
“Đột nhiên, có thiết quân luật. Quý vị không thể đi đâu cả. Điều này giống như chứng bệnh tâm căn hysteria tập thể,” anh nói. “Thực tế Kyiv gần như một thành phố ma ngay lập tức.”
Trong 10 ngày, anh David chờ hồi phục cho đến khi đủ sức khỏe để đi lại và rời khỏi đất nước này. Anh cho biết vào mỗi đêm vào khoảng 4h sáng, hỏa tiễn sẽ tấn công vào phía bắc của Kyiv.
Mặt khác, cuộc sống vẫn bình thường một cách kỳ lạ. Vẫn có điện và internet, mọi người vẫn mua hàng tạp hóa tại các cửa hàng gần như cháy kệ. Nhưng một số cơ sở kinh doanh đã đóng cửa, còn những tiếng nổ vang vọng ở đằng xa.
“Đó thực sự là điều không tưởng. Đó là tất cả những gì tôi có thể mô tả về điều này,” anh nói. “Chuyện này như thể là mơ vậy, tôi tự nhủ, ‘Chuyện quái gì vừa xảy ra tuần trước vậy?’”
Anh David nói, dù cho cuộc xâm lược đã làm cho người dân Ukraine vô cùng chấn động, nhưng họ vẫn sẵn sàng chiến đấu.
“Quý vị có thể nhìn thấy ý chí quyết tâm trong ánh mắt của mọi người,” anh nói. “Họ rất quyết tâm với gương mặt không biểu cảm. Không có ai sợ hãi. Mọi người đều bình tĩnh. Tôi không thấy sự phấn khích hay lo lắng, hay ai đó bối rối, lúng túng.”
Những điều này được thúc đẩy bởi những ký ức về sự tàn ác của chế độ cai trị của Xô Viết Liên bang Nga, anh David nói. Người Liên Xô đã sát hại hàng triệu người khi họ cai trị Ukraine, và bởi vì họ khắc ghi lịch sử đó, nên người Ukraine sẵn sàng chiến đấu chống lại người Nga cho đến hơi thở cuối cùng.
“Mọi người đều có một câu chuyện gia đình về cuộc sống dưới thời Xô Viết, và không có câu chuyện nào hay ho cả,” anh David nói. Mọi người biết rằng những đứa con hay thân nhân mất tích của họ, hay cả tài sản cá nhân của họ đều đã bị cướp đoạt. “Những người này biết điều gì đang chờ đợi họ nếu họ thua cuộc.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng là một nhân tố chính ảnh hưởng đến tinh thần của người Ukraine, anh David nói. Khi ngài tổng thống cho thấy ông sẵn sàng ở lại và đối mặt với tử thần, mọi người đều quyết định rằng họ sẵn sàng hy sinh vì ông.
Anh David nói: “Họ sẵn sàng hy sinh vì người đàn ông này vì ông ấy sẵn sàng hy sinh vì họ.”
“Họ đang chiến đấu đến cùng. Nam giới và nữ giới đều hợp sức lại làm mọi thứ mà họ có thể làm để chống lại cuộc chiến này.”
Ông Gallagher nói với The Epoch Times rằng dân quân Ukraine đang được trang bị cho chiến tranh ở các thị trấn trên khắp đất nước. Bởi vì sự gắn bó văn hóa khăng khít của Ukraine, người dân sẵn sàng đoàn kết và hy sinh để chống lại những kẻ xâm lược, ông cho biết.
“Đây là những thứ đã hợp nhất và khơi dậy sự đoàn kết. Lực lượng dân quân, dân quân tự vệ, các đơn vị du kích nhỏ mà Nga không mong đợi đang đặc biệt ngăn trở Nga tiếp cận mục tiêu,” ông nói.
Chạy khỏi cuộc xâm lược
Vào ngày 05/03, anh David rời Kyiv trong một chiếc xe hơi cùng với một vài người khác. Một người bảo vệ trên một trong những cây cầu của Kyiv nói với anh rằng họ chỉ cho phép các phương tiện quân sự đi qua, nhưng lại để cho anh và nhóm của anh đi qua.
Đầu tiên, anh David tá túc ở nhà một người quen. Sau đó, anh đã qua đêm trong một nhà thờ, nơi các cửa sổ đã bị nổ tung bởi một vụ nổ bom. Anh đã nghe thấy tiếng còi báo động của cuộc không kích suốt đêm khi quân Nga đánh bom vào một căn cứ quân sự gần đó.
Anh David cho biết trong hành trình bốn ngày tới biên giới Romania, anh chỉ ăn hai bữa. Nhưng những gì anh ấy nhận được là quá đủ.
“Chai nước đó đã làm nên tất cả sự khác biệt trên thế giới này,” anh nói.
Anh cũng nhớ lại khoảnh khắc một người đàn ông có hai con nhỏ cầu xin anh David đưa hai con của anh ấy qua biên giới.
“Tôi đây, một người lạ, và anh ấy đang giao phó cho tôi những đứa con của anh ấy,” anh David nói.
Ông Gallagher là người lái xe đưa anh David đến điểm cuối cùng giáp biên giới. Mặc dù anh David và gia đình anh đã được cho cơ hội rời đi, nhưng họ vẫn ở lại Romania để có thể gửi viện trợ đến Ukraine.
Cuộc xâm lược của Nga đã khiến Ukraine, một trong những quốc gia phì nhiêu nhất thế giới, không còn lương thực, ông Gallagher nói. Giờ đây, nhiều gia đình Ukraine phụ thuộc vào sự quyên góp lương thực từ các tổ chức truyền giáo như nhà thờ của ông. Cuộc khủng hoảng đó là tồi tệ nhất ở các thị trấn nhỏ bé của nước này.
Anh David nói: “Không có thực phẩm, không có gì ở đây.”
Vài tuần trước chiến tranh, ông Gallagher đưa gia đình đi nghỉ ở Romania. Khi ông đang ở đó, chiếc xe của ông đã bị hỏng trong một vụ tai nạn, nên họ bị kẹt ở đó trong vài tuần. Khi chiến tranh bắt đầu, gia đình ông đã cân nhắc việc rời sang Hoa Kỳ, nhưng họ đã suy nghĩ lại và chọn giúp đỡ những người tị nạn chiến tranh.
Những thứ cần thiết nhất đối với người Ukraine hiện nay là thực phẩm, thuốc men, chăn màn, đồ vệ sinh cá nhân, và tã lót, ông nói.
Ông Gallagher cho hay, ông dựa vào hoạt động quyên góp những mặt hàng thiết yếu này, và tất cả số tiền ông thu được từ trang quyên góp của nhà thờ của ông được dùng để mua đồ dùng cho những người cần sự giúp đỡ ở Ukraine.
Khi anh David đến biên giới Romania, một hàng dài người tị nạn Ukraine kéo dài hàng dặm, anh nói. Trong khi một số người ngồi đợi trong xe hơi, thì lại có nhiều người khác đi bộ trong mưa tuyết lạnh giá.
Những người tị nạn này mặc áo khoác mùa đông, nhưng thường mang theo ít đồ khác, anh David chia sẻ.
Theo ông Gallagher, đại đa số những người tị nạn là phụ nữ và trẻ em. Ukraine không cho phép nam giới từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước trừ khi họ có ít nhất ba con. Nhiều người Ukraine đang đặt hy vọng vào điều tưởng chừng vô vọng rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc.
Ông Jackson Elliott đưa tin về các thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ cho The Epoch Times. Ông học cách viết và tìm hiểu sự thật tại Đại học Northwestern. Ông tin rằng những hành động quan trọng nhất là từ những chuyện nhỏ và như ông Dostoevsky nói, mọi người đều có trách nhiệm với mọi người và mọi việc. Khi không viết, ông thích chạy, đọc và dành thời gian cho bạn bè. Quý vị có thể liên lạc với ông Jackson tại [email protected]
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: