Người mua bất động sản ở Trung Quốc biểu tình vì ngân hàng biển thủ tiền
Một ngân hàng Trung Quốc đã biển thủ các quỹ giám sát thuộc về những người mua một dự án bất động sản ở Trung Quốc. Hàng trăm người mua đã tổ chức một cuộc biểu tình hôm 07/10.
Ngân hàng bị cáo buộc biển thủ tiền là chi nhánh Ninh Ba của Ngân hàng Bình An có trụ sở tại Trung Quốc.
Chính phủ địa phương đã được yêu cầu giải quyết vấn đề của dự án bất động sản chưa hoàn thành này, có tên là Lam Quang Ung Cảnh Loan (Languang Yongjingwan), nằm ở Tân Khu Vịnh Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc.
Tiền đã mất
Theo “Các biện pháp Quản lý Tiền thu từ Bán trước Hàng hoá là Nhà cửa Mới xây” của Trung Cộng, việc thành lập quỹ giám sát là để ngăn chặn các nhà phát triển bất động sản bỏ trốn với số tiền của người mua bất động sản.
Sau khi người mua bất động sản ký hợp đồng mua bán với các công ty bất động sản, khoản thanh toán cho việc mua bất động sản sẽ được ghi có vào tài khoản giám sát của ngân hàng. Trong trường hợp đó, các công ty phát triển bất động sản không thể trực tiếp sử dụng số tiền đó .
Hôm 09/10, một người mua bất động sản, ông Lý nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng do dự án bất động sản bị đình chỉ, những ngôi nhà sẽ không được giao cho người mua như đã định vào hôm 30/9.
Do đó, những người mua những bất động sản này đã đến các cơ quan chính phủ ở các cấp khác nhau để đòi quyền lợi của mình, sau đó họ được biết từ các quan chức tại Cục Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn rằng khoảng 10.85 triệu USD trong quỹ giám sát của họ đã bị Ngân hàng Bình An biển thủ.
Các nhà chức trách cho biết ngân hàng đã bị tước quyền giám sát bất kỳ dự án bất động sản nào ở Tân Khu Vịnh Hàng Châu trong ba năm tới như một hình phạt, các nhà chức trách cho biết.
Ông Lý nói: “Chúng tôi chỉ biết rằng họ đã lấy tiền của chúng tôi. Về bước tiếp theo của họ, chúng tôi không biết,” và cho biết rằng, chỉ còn 4.65 triệu USD trong tài khoản cho các quỹ giám sát.
“Ngân hàng đã thực hiện theo quy định nào? Dù các quy định có thể là gì, thì ngân hàng không nên hy sinh sinh kế của những người mua bất động sản này.”
Cuộc biểu tình lớn
Cho rằng nhân viên phòng kinh doanh của dự án bất động sản này đã bỏ đi hết và chỉ còn một nhân viên bảo vệ ở đó, những người mua tài sản bất lực đã đến chi nhánh Ninh Ba của ngân hàng Bình An hôm 7/10, hô khẩu hiệu và cầm băng rôn bảo vệ quyền của họ.
Bà Lưu, một người mua bất động sản tham gia biểu tình cho biết, bắt đầu từ 1 giờ chiều đến 11 giờ đêm, có khoảng 400 đến 500 người mua bất động sản tại hiện trường.
Chính phủ địa phương đã điều một xe cảnh sát chuyên dụng và xe buýt đến hiện trường. Hàng chục cảnh sát chính quy và chuyên trách cũng được nhìn thấy đứng trước Ngân hàng Bình An để ngăn cản những người biểu tình vào tòa nhà.
Theo bà Lưu, hai xung đột đã nổ ra trong cuộc biểu tình kéo dài hàng giờ đồng hồ. Đầu tiên là khi Ngân hàng Bình An cử nhân viên đến giật biểu ngữ khỏi những người biểu tình; lần thứ hai khi hai người biểu tình bị cảnh sát nhắm mục tiêu vì được cho là đã quá lớn tiếng hô khẩu hiệu.
Bà Lưu nói, “Quả thực không dễ để những người bình thường như chúng tôi mua được nhà. Mặc dù đã tiêu tiền của chính mình, chúng tôi vẫn bị đối xử theo cách này. Tôi thực sự không thể nói gì khác.”
Phản ứng
Các cuộc đàm phán giữa Ngân hàng Bình An, chính quyền địa phương và người mua bất động sản đã được tổ chức tại trung tâm bán hàng của dự án bất động sản hôm 09/10.
Ông Lý nói, “Chúng tôi được thông báo rằng dự án sẽ tiếp tục hôm 30/10, mặc dù ngày cụ thể vẫn còn tùy thuộc vào địa điểm xây dựng.”
Ông Lý cho biết thêm, “Vì chủ đề tiền bạc không được đề cập, chính phủ chắc chắn đã thông đồng với ngân hàng, trong đó các nhân viên chỉ đơn giản nói rằng họ sẽ hoàn toàn hợp tác với việc tiếp tục dự án và đưa ra sáu bảo đảm,” tin rằng chính phủ và ngân hàng đã có một cuộc trao đổi riêng từ trước.
Ông Lý nói, “Chính phủ cũng nói rằng không thể tạo ra thứ gì đó từ con số không. Chúng ta nên làm gì?” bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào việc hoàn thành dự án.
Theo những người biểu tình, Lam Quang Ung Cảnh Loan có tổng cộng hơn 70 tòa nhà, bao gồm 18 tòa nhà căn hộ cao tầng nhỏ và các tòa nhà kiểu biệt thự khác.
Ông Lý nói rằng những người mua các căn hộ cao tầng đều là công nhân ở thành phố Ninh Ba, bao gồm cả ông, công việc của họ là khuân vác đồ đạc. Hầu hết những người mua đều vay tiền tiết kiệm của cha mẹ hoặc tiền từ người thân và bạn bè để mua bất động sản.
Ông Lý nói, “Thật sự khó khăn. Trong thời gian chờ mua nhà, tôi cũng đang thuê nhà bên ngoài. Vì tôi không có giấy tờ sở hữu bất động sản, nên tôi không thể đăng ký cho con tôi học ở trường.”
Sau khi yêu cầu các phương tiện truyền thông lên tiếng theo đề nghị của họ, những người mua bất động sản này hiện hy vọng rằng chính phủ có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả cho họ.
Các bí danh đã được đưa ra vì lý do bảo mật.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: