Người lao động đi đâu cả rồi? Một số người thì mua trang trại
Thị trấn LIGONIER, Pennsylvania — Suốt 47 năm qua, chợ nông sản dọc theo Xa lộ Lincoln cổ kính đã thu hút một lượng người đáng kể đến với cánh đồng bao la bát ngát tọa lạc ở rìa thị trấn thuộc Quận Westmoreland này.
Anh Jason Frye, chủ sở hữu cơ sở sản xuất bơ sữa Pleasant Lane Farms cho biết, năm nay, nhờ sự kết hợp của những tác động tâm lý hậu đại dịch, sự quan tâm trở lại đối với tính truyền thống địa phương, cũng như tác động đáng kinh ngạc của lạm phát, nên lượng du khách đến đây đang tiến triển từ mức nhiều đến rất, rất nhiều. Quầy hàng của anh có rất nhiều loại phô mai được sản xuất gần đó.
“Là một cơ sở kinh doanh gia đình, chúng tôi đã quyết định giữ một mức giá ổn định,” anh cho biết. “Đúng vậy, năm nay nếu chúng tôi đưa các mặt hàng ra chợ và [tăng] thêm một dollar cho mỗi sản phẩm của mình thì sẽ thật dễ dàng. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận thấy rằng người tiêu dùng đang cho rằng, ‘Này, đôi khi sản phẩm của các anh thực sự có thể rẻ hơn sản phẩm tôi mua ở cửa hàng, chưa kể đó còn là [sản phẩm] của địa phương,’ và điều đó dường như rất quan trọng đối với những người mua hàng.”
“Miễn là mọi thứ trong chi phí đầu vào của chúng tôi không leo giá quá cao ngoài tầm kiểm soát, thì mục tiêu của chúng tôi là cố gắng giữ nguyên mức giá đó. Chúng tôi chấp nhận lợi nhuận ít hơn một chút để xây dựng một nền tảng khách hàng trung thành bởi vì một lần nữa, chúng tôi đang xem đây là một điều mang tính truyền thừa qua nhiều thế hệ.”
Anh Frye, cùng với vợ và hai con, cho biết họ đã rời thành phố lớn (Thủ đô Hoa Thịnh Đốn), rời bỏ sự căng thẳng cao độ trong ngành công nghệ thông tin của anh vào mùa đông năm 2020, để khởi động xưởng bơ sữa ở phía Tây Pennsylvania trong trang trại bò sữa của gia đình, vốn tồn tại từ trước 1795. Thời điểm này xảy ra tình cờ trùng hợp với quãng thời gian mà đại dịch khiến cho thế giới này ngưng trệ.
Động lực để anh rời bỏ cơ nghiệp, rời bỏ chốn đô thành là bảo vệ và gìn giữ trang trại này cho các thế hệ mai sau.
“Chúng tôi muốn chuyển về một nơi nào đó yên bình hơn một chút, một nơi tốt hơn để nuôi dạy con cái,” anh Frye cho biết. “Tôi nhận thấy trang trại bò sữa nhỏ của gia đình đang bị lấn chiếm bởi sự phát triển đô thị ở Quận Westmoreland và tôi thầm nghĩ, ‘Phải làm thế nào để có thể giữ được cơ ngơi này cho các thế hệ mai sau?’”
Anh không muốn gia đình anh phải bán đi cơ ngơi này. Hơn nữa, cha anh đã mệt mỏi với công việc vắt sữa bò ngày hai lần. Vì vậy, anh quyết định làm một điều gì đó với chủ đích sẽ giúp duy trì [trang trại] qua nhiều thế hệ, và anh nhanh chóng nhận ra rằng sữa tươi không phải là hướng đi.
“Chúng tôi đã xem xét mọi khả năng, và chúng tôi nghĩ thử làm phô mai thủ công tại nông trại có thể là một hướng đi đúng đắn,” anh cho biết. “Tuy nhiên, để làm được điều đó, bạn phải cam kết rằng sẽ không thể tiếp tục trì hoãn, bạn sẽ phải cố gắng làm điều gì đó đặc biệt cho khu vực này.”
Hóa ra khu vực này rất ít nơi sản xuất bánh phô mai tráng miệng, dù quanh vùng Pittsburgh rộng lớn này toàn là trang trại bò sữa. Và sự lựa chọn dường như đang xoay chuyển. Tại chợ nông sản, có một lượng khách hàng ổn định đến mua phô mai của họ, hiện đang có sẵn tại các cửa tiệm tạp hóa gia đình địa phương và tại một quầy hàng nhỏ trong xưởng bơ sữa của họ.
“Chúng tôi có thể đã đánh giá thấp nhu cầu của người dân địa phương là trực tiếp đi đến trang trại để mua phô mai,” anh nói về hoạt động kinh doanh khởi sắc của họ tại trang trại. “Chúng tôi cho nhân viên bán sản phẩm hai ngày một tuần, vào thứ Tư và thứ Bảy, và, những ngày còn lại, chúng tôi sẽ vận hành trang trại theo hệ thống kinh doanh dựa trên quy tắc niềm tin. Chúng tôi tổ chức các chuyến tham quan với vé vào cổng vào các ngày thứ Bảy, thời điểm mà người dân có thể đến thăm xưởng sản xuất. Chúng tôi đã đưa vào [vận hành] một hệ thống vắt sữa bằng máy. Chúng tôi xây dựng mô hình chuồng trại thông minh. Vì thế mà chúng tôi có rất nhiều thứ khác biệt để người dân có thể chiêm ngưỡng. Và sau đó mọi người có thể nếm thử phô mai. Đôi khi chúng tôi sẽ kết hợp các dịch vụ này, còn tùy thuộc vào chuyến tham quan đó hay đó là một chuyến dã ngoại.”
Trong vài tháng trở lại đây, họ cũng đã giành được một số giải thưởng lớn trong giới phô mai. Loại phô mai cheddar của họ vừa giành được huy chương đồng tại Cuộc thi Phô mai Quốc tế ở New York, và món phô mai Gouda của họ vừa giành được huy chương bạc tại Giải Hiệp hội Phô mai Hoa Kỳ ở Portland.
“Chúng tôi đang cố gắng xây dựng tệp khách hàng trung thành của mình,” anh Frye chia sẻ. “Đó là điều mà chỉ có chợ nông sản mới có khả năng cung cấp cho quý vị — đó là có được sự kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, để họ biết câu chuyện về nguồn gốc thực phẩm của mình. Đó là điều mà một cửa hàng tạp hóa không thể làm.”
Chợ nông sản, cho dù tọa lạc tại một quận ở vùng nông thôn hay tại một bãi đậu xe của nhà thờ trong thành phố, đã trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ trong mấy chục năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, vào năm 1994 có 2,000 khu chợ, 25 năm sau đó, đã có hơn 8,600 khu chợ như vậy. Đại dịch, tiếp theo sau đó là lạm phát tăng cao trong năm qua, chỉ khiến cho những con số đó tăng thêm.
Bất cứ thứ gì quý vị tìm thấy trong cửa hàng tạp hóa công nghiệp lớn ở địa phương, quý vị đều có thể tìm thấy ở đây vào bất kỳ ngày thứ Bảy nào: nước ép trái cây tươi được trồng hữu cơ, những tảng thịt bò, thịt heo, thịt gà tươi rói — tất cả đều có ở đây. Kể cả các loại ngũ cốc, mì tươi và các loại rau phong phú từ các trang trại của người Amish, cũng như quần áo, đồ chạm khắc gỗ thủ công, rượu chưng cất, rượu được ủ thủ công tại nhà, xà bông, đồ trang sức, bánh mì, bánh nướng, bánh doughnut của người Amish, và 130 sản phẩm khác từ nhiều gian hàng khác nhau trên cánh đồng.
Nhiều người trong số những nhà cung cấp này cũng giống như anh Fryes, những người đã thoát ly khỏi lực lượng lao động truyền thống để thể hiện hết khả năng của mình tại đó. Họ là câu trả lời cho tính truyền thống địa phương mà những nơi như chuỗi siêu thị Whole Foods đang cố gắng tái tạo trong các khu vực sản phẩm tươi sống của họ bằng cách làm nổi bật nơi đó với việc trồng những cây ớt xanh. Ngoại trừ ở đây, giá của chúng thấp hơn vì chi phí thấp hơn — một điều có lợi cho người tiêu dùng, cho ví tiền của họ, cũng như cho khu vực.