Người Hồng Kông tưởng nhớ vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 bất chấp sự hiện diện của cảnh sát
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 33 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn. Trên thực thế, dưới sự cai trị của cộng sản, lễ thắp nến truyền thống vào ngày 04/06 tại Công viên Victoria đã bị cấm theo cách này hay cách khác trong năm thứ ba. Tuy nhiên, bất chấp những lời cảnh báo từ cảnh sát và sự hiện diện dày đặc của họ, người dân Hồng Kông vẫn tưởng niệm dịp này theo cách riêng của mình.
Kể từ năm 1990, Liên minh Hồng Kông ủng hộ các Phong trào Dân chủ Ái quốc của Trung Quốc (HKASPDMC, sau đây gọi tắt là “Liên minh”) đã tổ chức buổi cầu nguyện dưới ánh nến tại Công viên Victoria, đài tưởng niệm sự kiện Lục Tứ (tức ngày 04/06) lớn nhất thế giới, tại các sân bóng trong Công viên Victoria, Vịnh Đồng La.
Vào ngày này hàng năm, hàng trăm ngàn người Hồng Kông và khách du lịch đã tập trung tại Công viên Victoria để thắp nến và hô vang các khẩu hiệu, tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu của Đảng Cộng sản tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đối với sinh viên và công dân đòi cải tổ chính trị và dân chủ.
Năm nay, năm thứ hai liên tiếp, chính quyền Hồng Kông đã chia Công viên Victoria thành nhiều phần và đóng cửa toàn bộ khu vực. Tại một cuộc họp diễn ra hôm 02/06, giám đốc cao cấp của Đảo Hồng Kông Liệu Già Cơ (Liauw Ka-kei) đã cảnh báo rằng người dân có thể đến Vịnh Đồng La vào đêm 04/06, nhưng nếu họ bị phát hiện [xuất hiện] ở Công viên Victoria, dù chỉ một mình, họ vẫn có thể bị buộc tội tụ tập trái phép. Ông cũng cảnh báo rằng việc tham gia vào các cuộc tụ tập trái phép ở Công viên Victoria, hoặc khuyến khích người khác tham gia những cuộc hội họp như vậy, có thể bị kết án tù.
Cảnh sát Hồng Kông túc trực với tinh thần cảnh giác cao; các khu vực gần Công viên Victoria bị phong tỏa
Sáng sớm ngày 04/06, cảnh sát đã có mặt ở tất cả mọi ngóc ngách của Công viên Victoria. Họ dắt chó nghiệp vụ tuần tra khu vực theo đội bốn người suốt cả ngày đến tận 11 giờ đêm. Một thông báo đã được dán tại chỗ, nói rằng mỗi nhóm tụ tập không được quá quá bốn người.
Vào khoảng 1 giờ chiều, người dân chứng kiến cảnh sát, trong đó có nhiều người mặc thường phục, chặn và khám xét “những người khả nghi” — những người mặc đồ màu đen hoặc màu vàng, đặc biệt là giới thanh niên. Sau đó, cảnh sát hướng sự chú ý đến các phóng viên có mặt tại hiện trường, triệu tập từng người đến một khu vực được chỉ định, tiến hành khám xét và kiểm tra tư trang. Một phóng viên đã bị cảnh sát chặn lại hai lần nội trong 10 phút.
Người Hồng Kông tưởng niệm theo cách của riêng mình
Mặc dù trước đó cảnh sát đã đề nghị không được phép “tụ tập một mình”, nhưng trong ngày hôm đó, không ít người đã phớt lờ lời cảnh báo ấy. Trong lúc người dân như đang đi tản bộ trên đường, họ đã tưởng niệm theo những cách riêng của mình.
Một gia đình ba người được nhìn thấy mặc áo có thông điệp chính trị khi “mua sắm” ở Vịnh Đồng La, và một công dân nữ được nhìn thấy đang cầm một một bó hoa.
Một phụ nữ mặc áo màu vàng có in dòng chữ “Go Hong Kong” đang phát những tờ giấy A4 trắng cho người qua đường. Bà giải thích rằng tờ giấy mang thông điệp “chúc phúc cho Hồng Kông.” Cảnh sát cho biết sự hiện diện của bà đã khiến mọi người tụ họp lại, đồng thời liên tục cảnh báo bà dừng lại, nếu không, bà sẽ có nguy cơ bị bắt. Bà nói với các phóng viên rằng việc tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06 là hợp pháp và không hiểu tại sao cảnh sát lại làm lớn chuyện lên như vậy.
Cảnh sát cũng nhắm vào một người đàn ông đeo một chiếc ba bô gài hoa trắng, ông Liu, đẩy ông đến “khu vực được chỉ định” để khám xét và kiểm tra đồ đạc của ông. Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn ông cho biết rằng ông chỉ “muốn ra ngoài để quan sát, để nhìn xem mọi người liệu đã cho ngày này vào dĩ vãng hay chưa, và ông nhận thấy rằng người Hồng Kông vẫn chưa quên ngày đó.” Ông Liu cho biết trước đây ông luôn có mặt trong cuộc mít-tinh [kỷ niệm] sự kiện Lục Tứ (04/06), vì vậy, như một thói quen, cứ đến ngày này ông lại xuống đường.
Ai đó đã đặt một số nến điện tử trong một bốt điện thoại ở Vịnh Đồng La, trên đó có ghi những dòng chữ như “Ủng hộ Các bà mẹ Thiên An Môn”, “Kêu gọi Lương tâm” và “Mưu cầu Công lý”. Ngoài ra, một số hình dán đã được tìm thấy ở đó cho thấy hình ảnh một người thanh niên chặn một đoàn xe tăng của Cộng sản Trung Quốc trên đường Trường An, Bắc Kinh hôm 04/06/1989.
Anh Yan, mặc đồ đen, đến cùng hai người bạn. Họ chụp ảnh khi cầm một chiếc xe tăng mô hình lắp ráp Lego. Anh Yan cho biết anh đến Vịnh Đồng La (Thế giới Lego) để “mua đồ chơi”. Là “một người yêu thích xe tăng”, anh thích chế tạo và sưu tập các mô hình xe tăng “trong thời điểm mà chiến tranh đang xảy ra.” Cảnh sát cũng kéo hai thanh niên đi cùng anh sang một bên để khám xét và kiểm tra đồ chơi của họ.
Khi được hỏi liệu anh ấy có nghĩ rằng người dân đã bị tước mất quyền tự do khi Công viên Victoria bị phong tỏa hay không. Anh Yan nói đùa: “Nếu quý vị dùng cách diễn đạt của ông Lý Gia Siêu (Lee Ka-chiu) …, quyền tự do hội họp ở Hồng Kông cũng giống như chứng minh thư của một người vốn không bao giờ có thể bị tước mất. Tôi ‘tin chắc’ rằng những gì ông Lý Gia Siêu nói là đúng. Tôi ‘tin rằng’ Hồng Kông vẫn còn rất nhiều quyền tự do, vẫn có tự do hội họp, tự do ngôn luận, và tự do đi lại trên đường.”
Khi ngày càng nhiều người đi bộ đổ ra đường vào ban đêm, cảnh sát cũng tăng cường hiện diện ở Vịnh Đồng La, liên tục chặn và kiểm tra công dân, làm cho bầu không khí trở nên ngày càng càng căng thẳng.
Một người dân bật đèn điện thoại di động đã bị cảnh sát chặn lại và khám xét, một người dân mặc đồ đen khác bị yêu cầu mở khóa điện thoại để kiểm tra, một công dân khác mặc áo đen có in dòng chữ “Hồng Kông Cố lên!” (香港 加油) bị buộc tội “CẢN TRỞ NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ (阻 差 辦公)” và bị bắt.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ gần Công viên Victoria
Anh Lau Ting-sing đã đến Vịnh Đồng La, mặc chiếc áo màu vàng và đeo khẩu trang FDNOL để “ăn tối một mình.” (Khẩu trang FDNOL được sản xuất tại Hồng Kông bởi nhà sản xuất địa phương “Yellow Factory”, màu vàng tượng trưng cho phe ủng hộ dân chủ; FDNOL tượng trưng cho NGŨ ĐẠI CẦU, KHUYẾT NHẤT BẤT KHẢ (Năm yêu cầu, không sót một) là khẩu hiệu của người dân Hồng Kông trong phong trào chống dẫn độ năm 2019). Một phóng viên đặt câu hỏi liệu anh có lo ngại “tụ tập một người” là trái pháp luật hay không, anh đáp “Không.”
Anh nói: “Và chúng tôi có MIRROR & ERROR (ban nhạc nam nữ nổi tiếng của Hồng Kông) ở đây đồng hành cùng chúng tôi,” và bày tỏ mong muốn “tối nay cố gắng tản bộ trong khu vực càng nhiều càng tốt.” Anh ấy cũng khoe rằng “Tôi không cần phải mang hoa, vì áo tôi đã có hoa rồi.”
Cựu thành viên ủy ban thường vụ của Liên minh nay (đã tan rã), Triệu Ân Lai (Chiu Yan-loy, 趙 恩來), ngay lập tức bị cảnh sát bao vây khi anh bước ra khỏi nhà ga MTR. Anh bị đẩy vào một “khu vực được chỉ định” dọc theo Đường Đông Giác và bị khám xét. Cảnh sát tịch thu hoa của anh trước khi đưa anh ra khỏi hiện trường.
Cô Trần Bảo Oánh (Chan Po Ying), chủ tịch Liên đoàn Đảng Dân Chủ Xã hội (LDS), và hai thành viên khác của LDS đeo khẩu trang trắng có chữ “X” lớn, ban đầu dự định tổ chức một phiên họp “Người Đứng Chặn” [xe tăng], để tưởng nhớ các nạn nhân trong Sự kiện Lục Tứ, và cũng tưởng niệm về việc mất quyền tự do hội họp ở Hồng Kông. Trong vòng chưa đầy một phút, cô đã bị cảnh sát đưa đi đến một khu vực được chỉ định để khám người và thẩm vấn.
Sau song sắt, ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), cựu chủ tịch của Liên minh “đã tan rã”, đã đăng một bức thư trực tuyến gửi gia đình, tuyên bố tuyệt thực cả ngày 04/06, nêu rõ ông sẽ thắp que diêm vào 8 giờ tối để “tưởng nhớ đến hàng ngàn ngọn nến trong nhiều năm qua tại Công viên Victoria.” Ông tự đặt cho mình một chủ đề – “vẫn giữ nguyên vẹn khát vọng thưở ban đầu của chúng tôi, khắc sâu ngày 04/06 vào trí nhớ của chúng tôi, và kiên định,” nhấn mạnh rằng “đấu tranh cho dân chủ” là không có tội. Albert Hà Tuấn Nhân (Ho Chun-yan, 何俊仁), cựu chủ tịch và Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung, 鄒 幸 彤), cựu phó chủ tịch của Liên minh cũng được cho là đang cùng nhau tuyệt thực trong tù.
Các hoạt động kỷ niệm tại các lãnh sự quán và trường đại học ngoại quốc
Tổng lãnh sự quán của nhiều quốc gia đã đăng các thông điệp kỷ niệm Sự kiện Lục Tứ trên các trang mạng xã hội của họ. Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Ma Cao đã thay đổi trang bìa Facebook của họ thành một bức ảnh chụp bức tượng “Pillar of Shame” nổi tiếng, từng được đặt trong khuôn viên trường Đại học Hồng Kông. Cơ quan lãnh sự này đã thắp lên rất nhiều những ngọn nến, có thể nhìn thấy qua các cửa sổ hướng ra đường, đồng thời đăng trên mạng: “Mãi khắc ghi.”
Tổng lãnh sự quán New Zealand và Tổng lãnh sự quán Canada tại Hồng Kông cũng đã công khai tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ bằng các bài đăng trên mạng xã hội, nhắc lại trách nhiệm của họ trong việc duy trì nhân quyền và quyền tự do phổ quát. Và Tổng lãnh sự quán Ba Lan tại Hồng Kông đã đăng hai bức ảnh, bức thứ nhất là một ngọn nến với chú thích rằng Ba Lan là quốc gia làm nến lớn nhất trong EU; thứ hai là lời giới thiệu về cuộc bầu cử quốc hội Ba Lan hôm 04/06/1989 vốn là động cơ thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Trung Âu.
Bức tượng “Nữ thần Dân Chủ” được đặt tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông đã bất ngờ bị cơ quan quản lý trường Đại học này dỡ bỏ vào sáng sớm ngày 24/12 năm ngoái (2021). Năm nay, một số người dân Hồng Kông vẫn đến nơi bức tượng từng đứng, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ Thảm sát Thiên An Môn. Một sinh viên đến từ Trung Quốc đại lục, mang theo hoa, cho biết anh có thể cảm nhận được tượng đài ấy vẫn nằm trọn trong trái tim anh, và là một người dân đại lục, anh càng cảm thấy có trách nhiệm hơn khi tưởng nhớ đến “Biến cố Thiên An Môn ngày 04/06.”