Người Hồng Kông ở Anh lo ngại về những ‘cảm tình viên’ của ĐCSTQ
Một nhóm xã hội dân sự giúp người Hồng Kông ổn định cuộc sống ở Vương Quốc Anh đã bày tỏ lo ngại rằng quỹ cứu trợ của chính phủ Anh dành cho những người Hồng Kông mới đến đã được chuyển cho các nhóm được cho là có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hội Kiều bào Hồng Kông tại Anh quốc (Hongkongers in Britain, HKB), một nhóm kiều bào do nhà hoạt động Hồng Kông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng) thành lập, đã kêu gọi chính phủ Anh “giúp đỡ những người Hồng Kông ngoài các nhóm Hoa kiều đã tồn tại trong thời gian dài, những nhóm có thể ngấm ngầm ‘bắt tay’ với nhà cầm quyền Trung Quốc”.
Sau khi Luật An ninh Quốc gia hà khắc của Bắc Kinh được áp đặt ở Hồng Kông vào tháng 06/2020, Vương quốc Anh đã mở một chương trình thị thực đặc biệt cho phép những người có hộ chiếu Công dân Anh (ở Hải ngoại) từ thuộc địa cũ của Anh này cũng như thân nhân đủ điều kiện của họ đến định cư tại Vương quốc Anh.
Chính phủ Anh cũng tung ra một gói cứu trợ, bao gồm các khoản tiền tài trợ cho các tổ chức từ thiện và tổ chức cộng đồng với mục đích giúp người Hồng Kông ổn định cuộc sống.
Nhưng HKB lo ngại rằng một số nhóm đã tồn tại từ lâu này có thể có Ban “Công tác Mặt trận Thống nhất” (UFWD) – ban tuyên truyền ở hải ngoại của ĐCSTQ – ẩn náu phía sau.
HKB “có những lo ngại nghiêm trọng về [Ban] Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, đang nhắm vào những người Hồng Kông có hộ chiếu Anh (ở Hải ngoại) và người Hoa ở hải ngoại. Điều này có nguy cơ làm mất quyền tị nạn chính trị của chúng tôi, cũng như khiến nền dân chủ và quyền tự do gặp nguy hiểm – chính xác những gì mà những người có thị thực BN(O) đến đây để tìm kiếm,” nhóm cho biết trong một tuyên bố qua email gửi đến The Epoch Times.
Theo The Times of London, người dân Hồng Kông e rằng hai trong số những người nhận tài trợ thành công theo Chương trình Chào mừng BN(O) Hồng Kông – Trung tâm Cộng đồng người Hoa–Birmingham (gọi tắt là CCC-B) và Hội người Hoa tại Southampton (CAS) – có thể “đã bị thâm nhập”.
Theo trang web của CCC-B, hai trong số ba giám đốc của tổ chức này, vốn nhận được tài trợ 34,719 bảng Anh (45,167 USD) của chính phủ theo Chương trình Chào mừng người có BN(O), đã làm việc với Dự án Trung Quốc của Anh (British Chinese Project); một người là chủ tịch nhóm Birmingham của dự án, người kia là điều phối viên dự án.
Dự án Trung Quốc của Anh được thành lập bởi bà Lý Trinh Câu (Christine Ching Kui Lee), người mà MI5 hồi tháng Một cho biết đã “tham gia có chủ đích vào các hoạt động can thiệp chính trị” thay mặt cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.
The Times of London cho biết rằng ông James Wong, người được liệt kê trên trang web của CCC-B với tư cách là người bảo trợ, đã được Văn phòng Các vấn đề người Hoa ở Hải ngoại của ĐCSTQ thưởng cho một chuyến thăm đến Trung Quốc, và kể từ đó đã được Ban Công tác Mặt trận Thống nhất thu nạp.
Tiến sĩ Ping Hua, một nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học Southampton, người đồng sáng lập Hội người Hoa tại Southampton và dẫn dắt tổ chức này từ năm 2002 đến 2011, năm ngoái đã lên tiếng bảo vệ nhà cầm quyền Trung Quốc.
Viết trên tờ báo xã hội chủ nghĩa của Anh, Morning Star trước một cuộc biểu tình được gọi là “Ngừng phân biệt chủng tộc, Ngừng Cừu hận người Á Châu” hồi tháng 11/2021, bà Hua đã cáo buộc Hoa Kỳ gây ra “một cuộc săn lùng phù thủy nhằm vào Trung Quốc” bằng cách tạo ra “những lời nói dối và bịa đặt kinh hoàng về các vấn đề nhân quyền”, bao gồm cả những gì bà ấy nói là “cáo buộc không chính đáng liên quan đến Tân Cương … kích động lật đổ ở Hồng Kông”, và còn cáo buộc “khuyến khích sự độc lập của Đài Loan để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”
Trước đó, The Epoch Times đã đưa tin rằng một cuộc xô xát đã nổ ra trong cuộc biểu tình này, nơi các nhân chứng nhìn thấy những người Hồng Kông đang dàn dựng một cuộc chống biểu tình đã bị sách nhiễu, rượt đuổi và tấn công bằng vật cứng.
Hội người Hoa tại Southampton cũng đón Tết Nguyên Đán với Viện Khổng Tử, được điều hành dưới sự quản lý của Hán Biện, một cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc.
“Vậy nên, chúng ta có thể đang có những người tị nạn chính trị, những người đào thoát khỏi ĐCSTQ, quý vị biết đấy, họ đang ở trong tình huống đón Tết Nguyên Đán với những người – họ có thể không quen biết – đang tuân theo sự điều khiển của chính quyền Trung Quốc,” ông Sam Dunning, tác giả của bài báo trên tờ The Times of London, cho biết hôm thứ Hai trong một cuộc phỏng vấn với Times Radio.
Ông Dunning nói rằng ngoài các đặc vụ chính thức của Ban Công tác Mặt trận Thống Nhất, mọi người cũng cảnh giác với những “đặc vụ vô tình” trong các hoạt động của Mặt trận Thống nhất, chẳng hạn như vô tình chuyển thông tin của một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông đến một cuộc trò chuyện nhóm hoặc kết hợp việc chỉ trích ĐCSTQ với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống lại người Hoa.
“Đây là kiểu hành vi không cố ý mà tôi nghĩ một số người Hồng Kông này đang e ngại, và trong nhiều trường hợp họ chỉ muốn được trấn an,” ông nói.
Hội người Hoa tại Southampton nhận được khoản tài trợ của chính phủ trị giá 20,130 bảng Anh (26,188 USD) theo Chương trình Chào mừng BN(O).
HKB đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi giới chính trị gia Vương quốc Anh hành động.
“Những người Hồng Kông đào thoát khỏi chế độ áp bức không nên được đón tiếp và đại diện bởi (những) cảm tình viên của nhà cầm quyền”, tuyên bố này cho biết, đồng thời nói thêm rằng đó không phải là “mục đích” của thị thực BN(O).
Nhóm này cũng kêu gọi Vương quốc Anh “thức tỉnh” trước việc ĐCSTQ sử dụng phát ngôn chống phân biệt chủng tộc để ngăn chặn những lời chỉ trích chống lại nhà cầm quyền, đồng thời đánh giá cao giá trị của “sự tôn trọng, khoan dung, và nhẫn nại” đối với những khác biệt, tha thứ cho “hành động không thể tha thứ”, vốn là cách tiếp cận của các chính quyền toàn trị cũng ở Trung Quốc và Hồng Kông,” cuối cùng sẽ xóa bỏ chủ nghĩa đa nguyên.
Bình luận trên Twitter, ông Benedict Rogers, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của tổ chức phi chính phủ Hồng Kông Watch, cho biết mối liên hệ bị cáo buộc này là một vấn đề “hết sức đáng lo ngại”, và chính phủ Anh “cần nhận thức rõ hơn về sự thâm nhập của ĐCSTQ”.
Trung tâm Cộng đồng người Hoa–Birmingham cho biết những lo ngại này là “vô căn cứ” và họ “bị xúc phạm” bởi những gì họ gọi là “những cáo buộc gây tổn hại và có hiềm thù rằng trung tâm đã bị ảnh hưởng bởi ĐCSTQ và đang giám sát những người Hồng Kông có hộ chiếu công dân Anh ở Vương quốc Anh.”
Một phát ngôn viên của Hội người Hoa tại Southampton nói với The Times of London rằng bà Hua không còn là hội viên nữa.
“Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 có bối cảnh chính trị và mối quan hệ giữa Hồng Kông, Trung Quốc, và Vương quốc Anh ở trong căng thẳng cao độ. Chúng tôi không muốn chất độc này ngấm vào môi trường phi độc tố mà tổ chức từ thiện của chúng tôi đã vun đắp trong nhiều thập niên, trong đó mục đích của tổ chức này đơn thuần là để tôn vinh văn hóa và truyền thống Trung Quốc (trong đó có Hồng Kông), vốn có niên đại hàng ngàn năm trước khi ĐCSTQ tiếp quản. Chúng tôi là một tổ chức không ôm giữ bất kỳ quan điểm chính trị nào liên quan đến các vấn đề hiện tại,” Hội người Hoa tại Southampton cho biết.
“Lý do tại sao chúng tôi nộp đơn xin tài trợ của chính phủ cho chương trình Chào mừng người Hồng Kông có hộ chiếu Anh là vì chúng tôi là một tổ chức từ thiện bất vụ lợi nhằm giúp người Hồng Kông ổn định cuộc sống tại Vương quốc Anh, hòa nhập và đóng góp cho xã hội Anh, phù hợp với các giá trị và truyền thống của Anh – bao gồm việc ủng hộ quyền tự do, tự do ngôn luận, và dân chủ,” tổ chức này nói thêm.
“Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ Anh và hội đồng địa phương, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy tắc và quy định. Thật đáng tiếc là mặc dù Hội người Hoa tại Southampton đã có những nỗ lực thực sự và đáng kể trong việc hợp tác với chính phủ Anh, để giúp đỡ và hỗ trợ định cư cho những người mới đến từ Hồng Kông, nhưng chúng tôi vẫn bị kéo vào một môi trường chính trị độc hại và căng thẳng cao độ. Chúng tôi không muốn điều này, và điều này chỉ có tác dụng ngăn cản và làm suy giảm khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp sự trợ giúp cần thiết cho những người cần nó.”
Cô Lily Zhou là một phóng viên tự do chủ yếu đưa tin về Anh Quốc cho The Epoch Times.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: