Người Hồng Kông khởi xướng chiến dịch ký tên không công nhận ĐCSTQ và trưởng đặc khu do đảng chỉ định
Các cựu ủy viên hội đồng lập pháp và các nhóm người Hồng Kông ở hải ngoại đã khởi xướng một chương trình ký tên chung
Một số nhóm người Hồng Kông ở hải ngoại và các nhà cựu lập pháp Hồng Kông đã khởi xướng một chiến dịch ký tên chung trên mạng, tuyên bố rằng trưởng đặc khu được chỉ định, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka Chiu), không được người dân ủy thác mà chỉ là một con rối do Bắc Kinh bổ nhiệm và không công nhận ông là Trưởng Đặc khu Hồng Kông.
Họ cũng không công nhận chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cho đến tối hôm 15/06/2022 theo giờ Hồng Kông, đã có khoảng bốn trăm người tham gia ký tên. Nhóm khởi xướng chiến dịch này than thở rằng với sự đe dọa của của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông,” việc liên hệ với bất kỳ tổ chức nào ở Hồng Kông đã không còn và không có kênh nào để thúc đẩy cho ý tưởng của họ. Nhưng họ nhấn mạnh rằng dẫu cho hành động của họ có nhỏ nhoi đến mức nào đi chăng nữa, thì dù sao họ vẫn nhất quyết làm như vậy.
Chiến dịch ký tên chung được tổ chức từ ngày 13/06/2022 trên trang web change.org. Danh sách những người ký tên tiếp tục tăng lên và được cập nhật. Tính đến tối ngày 15/06 theo giờ Hồng Kông, có sáu nhóm và 16 cá nhân Hồng Kông ở ngoại quốc, với các nhóm như: Người Hồng Kông ở Anh (英國 港 僑 協會 – Anh Quốc Cảng Kiều Hiệp Hội), Người Hồng Kông ở Scotland (蘇格蘭 香港人 – Hương Cảng Nhân ở Scotland), Re-Water, Ủy ban Hồng Kông ở Na Uy, Nhóm Người Hồng Kông ở Cardiff, đã ký tên.
Đối với cá nhân, có hai cựu thành viên Hội đồng Lập pháp, và 11 cựu Ủy viên Hội đồng Quận. Họ bao gồm các cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Nathan Law Kwun Chung (羅冠聰 – La Quán Thông), Ted Hui Chi Feng (許智峯 – Hứa Trí Phong); các cựu Ủy viên Hội đồng Quận Yau Man Chun (丘文俊 – Khâu Văn Tuấn), Daniel Kwok Tsz Kin (郭子健 – Quách Tử Kiện), Raymond Chow Wai Hung (周偉雄 – Chu Vĩ Hùng), và Carmen Lau Ka Man (劉 珈汶 – Lưu Gia Mân). Những người khác bao gồm, Lam Chau Ba (攬 炒 巴 – Lãm Sao Ba), Finn Lau Cho Di (劉祖廸 – Lưu Tổ Địch), Fermi Wong Wai Fan (王惠芬 – Vương Huệ Phân) ở ngoại quốc, và nhà sáng lập tổ chức Hong Kong Unison (香港 融 樂 會 – Hương Cảng Dung Nhạc Hội).
Được viết bằng cả Anh ngữ và Hoa ngữ, tuyên bố chung lấy nhan đề “Người dân Hồng Kông không công nhận ông Lý Gia Siêu là Trưởng Đặc khu của Hồng Kông.” Tuyên bố chỉ ra rằng một khi ông được ĐCSTQ cho tuyên thệ nhậm chức làm trưởng đặc khu hôm 01/07, “Hồng Kông sẽ lún sâu thêm vào một nhà nước cảnh sát đàn áp người Hồng Kông bằng bạo lực và luật pháp hà khắc.” Ông là trưởng đặc khu bù nhìn do Bắc Kinh bổ nhiệm dưới chiêu bài một “hệ thống bầu cử cải tiến,” nơi 1,461 thành viên ủy ban bầu cử (trong số 1500 thành viên) đã bầu các lá phiếu “thuận” của họ. Đây có vẻ là một số phiếu “thuận” cực kỳ cao ở mức 99%, nhưng nếu tính số cử tri đủ điều kiện ở Hồng Kông, con số này chỉ ở mức 0.0002% ít ỏi.
‘Cuộc bầu cử’ trưởng đặc khu bị tuyên bố là vô giá trị
Tuyên bố chung cũng chỉ ra rằng ông Lý, một cựu cảnh sát, không những không được người dân ủy quyền mà còn khuyến khích cấp dưới của mình hãm hại tàn bạo người dân Hồng Kông. Dưới quyền của ông ấy, hơn 10,000 người đã bị bắt giữ trong phong trào chống luật dẫn độ, trong đó có 2,974 người bị khởi tố, 1,815 người đã bị xét xử, tỷ lệ kết án là 67%. Cũng đã có những trường hợp hơn một trăm người bị giam hơn một năm mà chưa được xét xử.
Tuyên bố cũng trích dẫn Điều 45 của Luật Căn Bản, trong đó quy định rằng trưởng đặc khu Hồng Kông cuối cùng sẽ được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu, nhưng điều này, “cũng giống như Tuyên bố Chung Trung-Anh, bị ĐCSTQ tuyên bố chỉ là một văn kiện lịch sử, và chỉ đơn giản là bị bỏ ngoài tai.”
Phần cuối của tuyên bố viết: “Chúng tôi nhắc lại rằng người dân Hồng Kông từ chối công nhận ông Lý Gia Siêu là trưởng đặc khu. Chúng tôi cũng từ chối công nhận chế độ độc tài của ĐCSTQ. Hồng Kông là Hồng Kông, Hồng Kông không phải là Trung Quốc.”
Đừng quên ước nguyện của chúng ta
Nhóm khởi xướng hy vọng có thể bày tỏ sự phẫn nộ của người dân Hồng Kông và nhắc nhở họ đừng bao giờ quên ý định ban đầu của mình.
Phát ngôn viên của tổ chức “Re-Water”, một trong những nhóm do người Hồng Kông ở hải ngoại thành lập, cho biết, “Tôi hy vọng sẽ tập hợp được sức mạnh một lần nữa để bày tỏ sự phẫn nộ của người Hồng Kông, và nói với thế giới rằng người Hồng Kông sẽ không bao giờ quên nguyện vọng ban đầu của mình và kiên quyết đấu tranh cho tự do và dân chủ.”
“Re-Water” nói rằng trong trong khi người Hồng Kông ở hải ngoại đang ở một nơi tương đối an toàn, họ hy vọng rằng vào ngày ông Lý nhậm chức, người Hồng Kông sẽ nói với ông ấy rằng “Ông thực sự không phải là người mà người dân Hồng Kông thừa nhận khi ông lên nắm quyền.” Theo nghĩa đó, ông hy vọng người Hồng Kông thể hiện tiếng nói của mình bằng cách ký tên. Tuy nhiên, với mối đe dọa từ “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông,” mọi người phải biết về những rủi ro có thể xảy ra và hiểu rằng một hành động như vậy ở Hồng Kông là nguy hiểm. Do đó, họ có thể chọn không hiển thị tên của mình trên trang web chung khi ký tên.
Tổ chức này tin rằng nếu có đủ người tham gia chiến dịch ký tên này, khi ông Lý được bổ nhiệm làm trưởng đặc khu, điều đó có thể khiến ĐCSTQ tức giận và xấu hổ, đảng này sau đó sẽ hiểu rằng người Hồng Kông “không dung thứ cho bất cứ điều gì họ làm.”
Làm nhiều nhất có thể
Rõ ràng là theo Luật An ninh Quốc gia, nhiều điều đã thay đổi. Dù thế nào, phương châm vẫn là “Hãy cứ làm những gì quý vị có thể làm!”
“Re-Water” than thở rằng chiến dịch này “về căn bản rất khác” so với các chiến dịch tương tự trước đây ở Hồng Kông. Trước đây, mọi người chỉ quan tâm đến việc liệu họ có đồng ý với các điểm trong tuyên bố hay không. Việc tìm nhà tài trợ và thúc đẩy tương đối dễ dàng để có được chữ ký chung. Nhưng bây giờ họ phải cân nhắc xem họ có nên lo lắng về ảnh hưởng đối với những người xung quanh sau khi ký không. Điều vô cùng xác thực là họ không có liên hệ với bất kỳ tổ chức nào ở Hồng Kông, điều đó có nghĩa là có ít kênh hơn để thúc đẩy tại địa phương.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự khác biệt giữa hoạt động này với các hoạt động trước đây là; sau khi chiến dịch này được bắt đầu, “Re-Water” vẫn không thể chia sẻ nó trên các nền tảng xã hội ở Hồng Kông vì lo ngại rằng những người ở Hồng Kông sẽ có nguy cơ bị bắt. Trên thực tế, tôi tin rằng những người muốn tham gia nhất là những người ở Hồng Kông. Nhưng vì lo ngại nguy hiểm nên họ đã không chuyển cho người ở Hồng Kông để ký, điều này cho thấy chiến dịch ký tên chung ngày nay về căn bản là khác so với quá khứ.
Khi được hỏi về kỳ vọng và hiệu quả của chiến dịch ký tên chung, “Re-Water” trả lời rằng ngay cả các nước lớn cũng không thể ngăn cản ông Putin xâm lược Ukraine. So với điều đó, “Người dân Hồng Kông lại có thể làm gì để đánh bại ĐCSTQ khổng lồ đây. Họ không có cách nào để làm bất cứ điều gì mà có thể bảo đảm mang lại kết quả tích cực. Mục tiêu của quý vị là gì? Quý vị có thể làm gì đối với phe bên kia. Nhưng giờ nếu quý vị chẳng làm gì, điều đó sẽ có lợi cho ĐCSTQ. Quý vị sử dụng ‘quyền của những người không có quyền’ để bày tỏ những gì quý vị cho là đúng. Hiện tại, Hồng Kông thậm chí còn không thể cùng nhau làm điều đó. Vì vậy, dù việc làm đó có tầm thường đến mức nào, hãy gắng hết sức để làm bất cứ điều gì quý vị có thể.”
Một cựu ủy viên hội đồng khác của quận Quỳ Thanh, ông Kwok Tsz Kin (Quách Tử Kiện), người khởi xướng chiến dịch ký tên chung, nói rằng “Lần này, hoạt động ký tên chung là do một số cựu thành viên dân cử khởi xướng. Cùng nhau, họ hy vọng chỉ ra rằng mặc dù ‘chính quyền cộng sản Hồng Kông’ đã tiến hành một cuộc bầu cử trưởng đặc khu ở Hồng Kông, nhưng nó khác với các cuộc bầu cử trước đó có những ứng viên do công dân đề cử. Sau đó, đại diện của Hội đồng Lập pháp và Hội đồng Quận được bầu bởi một người, một phiếu bầu. Mặc dù ông Lý Gia Siêu đã nhận được 90% số phiếu bầu, nhưng không ai nên bị đánh lừa và cần phải bày tỏ sự dè chừng của họ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử này và về trưởng đặc khu được chỉ định sau đó.”